Sau dấm gạo Thủy Tâm, Shark Phú tiếp tục rót tiền đầu tư vào “mắm”

(Doanhnhanthuonghieu) - Trong tập 3 Shark Tank Việt Nam mùa 2, người xem lại có dịp trầm trồ về độ chịu chơi của các “cá mập” mới, những li...

(Doanhnhanthuonghieu) - Trong tập 3 Shark Tank Việt Nam mùa 2, người xem lại có dịp trầm trồ về độ chịu chơi của các “cá mập” mới, những liên minh “cá mập” lần đầu được lập nên để tranh giành các startup tiềm năng. Hai trên ba startup đã nhận được đầu tư sau những giây phút “săn mồi” đầy quyết liệt của các thế lực “cá mập”.


Thương vụ gây bất ngờ đến từ thành viên trẻ nhất của ban vận động thành lập hiệp hội nước mắm Việt Nam, CEO Lê Anh của công ty thực phẩm Lê Gia. Ông chủ trẻ cùng vợ đến Shark Tank để kêu gọi đầu tư 6 tỷ đồng đổi lấy 11% cổ phần cho công ty của mình.

Theo giới thiệu của Lê Anh, nước mắm Lê Gia được thành lập với mục tiêu xóa bỏ các rào cản và định kiến của nước mắm truyền thống đối với người tiêu dùng như: quá nặng mùi, quá mặn và một số định kiến về vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt, Lê Gia còn có bí quyết riêng để tạo ra nước mắm có vị thanh, mùi dịu, màu tươi hổ phách. Lê Anh tham vọng, trong vòng 5 năm tới, Lê Gia sẽ dẫn đầu thị phần nước mắm cho bé. Đến năm 2021, thương hiệu này sẽ dẫn đầu về mắm tôm, mắm tép – một thị trường tiềm năng trị giá 2000 tỷ đồng.

Trình bày về các lợi thế cạnh tranh, Lê Anh chia sẻ giá bán một chai nước mắm hảo hạn của Lê Gia đến tay người tiêu dùng chỉ có 88 nghìn đồng trong khi các đối thủ cùng phân khúc trên thị trường niêm giá dao động từ 90 – 110 nghìn đồng. Nếu khách hàng đại lý thì giá bán còn thấp hơn nữa. Tổng doanh thu năm 2017, Lê Gia đạt doanh thu là 6,102 tỷ với lợi nhuận trước thuế năm 2017 là 1,03 tỷ đồng. Riêng quý I/2018, công ty này đạt được 2,079 tỷ đồng. Với doanh thu ước lệ 12 tỷ đồng trong năm 2018, Lê Anh định giá công ty lên đến 66 tỷ đồng. Cách tính giá trị công ty dựa trên doanh thu của nhà sáng lập này lập tức khiến các Shark “lắc đầu”. Shark Phú cho hay: “Giá trị các bạn định giá quá cao, không đúng với thực tế. Khả năng tăng trưởng của ngành nghề truyền thống không thể scale up (mở rộng quy mô) lớn được, chính vì vậy, không bao giờ có chuyện P/E cao được ở ngành này. Các bạn đưa ra định giá doanh nghiệp không chính xác là cản trở vô cùng lớn để chúng tôi có thể đầu tư vào các bạn”. 


Tuy nhiên, vốn là người rất quan tâm đến ngành nghề truyền thống, Shark Phú quyết định mở ra cho nước mắm Lê Gia một con đường với lời đề nghị cho startup này vay 6 tỷ đồng với lãi suất 15%/ năm, kèm điều kiện sau 2 năm, nếu Lê Gia không đạt được KPI thì số tiền cho vay sẽ được chuyển đổi sang cổ phần công ty. Chia sẻ bằng cái tâm của người làm nghề, ông chủ Sunhouse cho hay, khó khăn lớn nhất của ngành thực phẩm là xây dựng nên một hệ thống, và rào cản để các startup thực phẩm mở rộng quy mô là vô cùng lớn.

Dù khá lo ngại về khả năng mở rộng quy mô của nghành nghề truyền thống nhưng Shark Hưng vẫn quyết định gia nhập đường đua với lời đề nghị đầu tư 6 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu chuyển đổi thành 33% cổ phần sau 3 năm.


Gia nhập cuộc chơi với Shark Phú, Shark Dzung Nguyễn ngỏ ý sẽ cho Lê Gia vay thêm 2 tỷ đồng trong thời gian 2 năm với lãi suất 15% năm mà không cần cổ phần chuyển đổi. “Cá mập công nghệ” cũng gây bất ngờ khi lần đầu tiết lộ gia đình ông cũng từng có truyền thống làm nghề nước mắm.

Sau thời gian suy tính, tự nhận mình sẽ chịu nhiều rủi ro nhưng Lê Anh vẫn chấp nhận lời đề nghị của Shark Phú và Dzung Nguyễn với điều kiện thương lượng, Lê Gia sẽ được Shark Phú gia hạn thêm thời gian chuyển đổi cổ phần lên 3 năm và nhận được sự hỗ trợ từ nguồn lực từ các công ty của “cá mập” này.

Tiết lộ lý do đồng ý đầu tư vào Lê Gia, Shark Phú cho hay quyết định xuất phát từ tâm huyết của ông đối với ngành nghề truyền thống. Chủ tịch Sunhouse luôn mong muốn hỗ trợ, tiếp sức cho các startup trẻ phát triển, theo đuổi ngành nghề truyền thống này. Tại mùa 1 của Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ, Shark Phú đã đầu tư vào dự án Dấm gạo Thủy Tâm và nay kết hợp với mắm Lê Gia sẽ tăng thêm doanh mục, gia tăng mặt hàng, startup cũng tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất.


Thương vụ được các nhà đầu tư tranh giành nhiều nhất trong tập 3 Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ thuộc về hai anh chàng Quang Thái và Anh Đức - đồng sáng lập đồng hồ thời trang Curnon. Curnon được thành lập vào năm 2016 với vốn điều lệ là 1 tỷ đồng với 4 cổ đông, đây là thương hiệu đồng hồ thời trang đầu tiên tại Việt Nam với thiết kế tối giản và tinh tế.

Cặp đôi sáng lập cho biết, Curnon phục vụ đối tượng khách hàng trẻ với quy mô thị trường lên đến 11 triệu người tại Việt Nam, riêng ngành hàng bán lẻ thời trang mà startup này nhắm đến có giá trị thị trường là 4,4 tỷ đô. Với quy mô thị trường và tệp khách hàng tiềm năng như vậy, trong vòng 1 năm Curnon đã tung ra thị trường 33 sản phẩm với tốc độ 2 tuần 1 sản phẩm. Đồng thời, Curnon đang sở hữu 3 cửa hàng tại Hà Nội. Để chứng minh sản phẩm và mô hình của Curnon được thị trường đón nhận tích cực, cặp đôi sáng lập cho biết doanh thu công ty năm 2017 đạt 4,2 tỷ đồng, trong đó 70% đến từ trang thương mại điện tử, 30% từ các cửa hàng offline với giá trị trung bình mỗi đơn hàng là 2,1 triệu đồng. Và với 2,1 triệu đồng/ đơn hàng, Curnon đã bán được khoảng 2000 chiếc đồng hồ, 40% khách hàng tập trung tại thị trường Hà Nội, 35% đến từ TP.HCM và 25% còn lại là các tỉnh thành khác. Mục tiêu vào năm tới, Quang Thái và Anh Đức tham vọng doanh thu của Curnon sẽ đạt mốc 15 tỷ đồng.


Cặp đôi sáng lập đến Shark Tank để kêu gọi 5 tỷ đổi lấy 15% cổ phần công ty. Với số tiền này, Quang Thái và Anh Đức sẽ dùng để mở rộng quy mô kinh doanh tại 5 thành phố lớn, liên tục tung ra các mẫu sản phẩm bắt kịp xu hướng thời trang với giá phải chăng để tạo rào cản và lợi thế cạnh tranh; và cuối cùng là đẩy mạnh Marketing online.

Với kiến thức sâu về thị trường đồng hồ thời trang, Shark Hưng liền đề cập với startup này về vấn đề Replica (sao chép như thật), một trong những đối thủ nguy hiểm trên thị trường mua bán. Quang Thái tự tin tệp khách hàng nhắm đến là những người trẻ thế hệ Millennial, đều có nhận thức cao về sở hữu thương hiệu nên Curnon đủ sức đánh bật các đối thủ hàng fake.

Với lý do chưa bao giờ đeo đồng hồ, Shark Phú nhanh chóng quyết định rút lui trước lời đề nghị của Curnon. Tuy nhiên, dự án này vẫn nhận được nhiều sự thích thú đến từ Shark Linh. “Cá mập” đến từ Vina Capital cho biết đây là loại nữ trang mà bà thích nhất, quan trọng hơn là hai nhà sáng lập đều có sự am hiểu về kinh doanh online lẫn offline, Shark Linh đã đưa ra đề nghị 5 tỷ cho 45% cổ phần.

Nhìn thấy tiềm năng của thị trường, hai Shark Dzung Nguyễn và Louis Nguyễn cũng lập tức nhảy vào cuộc chơi với lời đề nghị 5 tỷ đổi lấy 40 % cổ phần, trong đó Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Qũy Đầu tư Saigon Asset Management (SAM) sẽ rót 3 tỷ đồng và phần còn lại là của “cá mập công nghệ”. Và sau một thời gian, nhà đầu tư sẽ xem lại kết quả, nếu Curnon đạt được KPI, hai “cá mập” sẵn sàng cho lại các đồng sáng lập 10% cổ phần công ty. Shark Dzung Nguyễn bày tỏ: “Vào hơn 3 năm trước, anh đã đầu tư vào một thương hiệu thời trang và anh hiểu rằng, Việt Nam chưa có thương hiệu. Lý do người Việt mua hàng nước ngoài không phải vì chuộng ngoại mà do Việt Nam không có thương hiệu đáng tin. Nhưng anh tin rằng Việt Nam đến 10 hay 20 năm nữa, có thể tự hào người Việt cũng có thương hiệu cho người Việt, không chỉ “made in Việt Nam” mà còn “made by Việt Nam”.

Không dễ để bị đánh bật khỏi cuộc chơi, nhà đầu tư đến từ Vina Capital lập tức kết liên minh cùng PCT. CENLAND để đưa ra lời đề nghị mới, 6 tỷ đồng cho 45% cổ phần và trả lại con số 20% sau vòng gọi vốn thứ hai nếu Curnon đạt KPI. “Bóng hồng” duy nhất của Shark Tank Việt Nam tự tin bà có sự hiểu biết sâu sắc về quá trình vận hành một startup thời trang, do đó, những hứa hẹn mà hai đồng nghiệp Louis Nguyễn và Dzung Nguyễn muốn đem lại cho Curnon thì Shark Linh hoàn toàn cũng có thể thực hiện được. Shark Linh cũng không ngần ngại công kích “cá mập công nghệ” khi ông chia sẻ sẽ dồn lực cho Curnon 12 tiếng mỗi ngày bằng câu nói: “Anh Dũng nhà đông con khó nuôi lắm”.


Với lời đề nghị khá bạo từ hai thế lực “cá mập cũ”, hai Shark Louis Nguyễn và Dzung Nguyễn tỏ ra khá thận trọng trước khi đưa ra cho Curnon một lời đề nghị mới là 5 tỷ đồng, trong đó 3 tỷ cho 20% và 2 tỷ còn lại là khoản vay chuyển đổi ở mức 25% discount. “Cá mập Mỹ” ra sức lôi kéo hai nhà sáng lập trẻ: “Anh có một công ty bên Mỹ về phân phối, ở Việt Nam cũng có công ty chuyên về Marketing, quảng cáo và phân phối về thời trang luôn, chi phí khi hợp tác với hệ thống đó, các em sẽ được giảm giá, chiết khấu hay trao đổi về doanh thu, hợp tác chiến lược cũng được mạnh mẽ hơn”. 

Sau thời gian cân nhắc, Quang Thái - Anh Đức quyết định chấp nhận đầu tư từ hai “cá mập mới” Dzung Nguyễn và Louis Nguyễn, bởi hai nhà sáng lập cũng không muốn mình bị pha loãng số cổ phần. Thương vụ khép lại trong sự tiếc nuối của Shark Linh khi để vuột mất một “con mồi” đầy tiềm năng trong thị trường thời trang. Đồng thời, một liên minh mới đáng gườm tại Shark Tank Việt Nam được thiết lập với sự tham gia của hai “cá mập” Louis Nguyễn và Dzung Nguyễn.

Thương vụ thành công đã đem đến cho tập 3 của Shark Tank mùa 2 thêm phần phấn khởi. Bên cạnh sự hỗ trợ, đầu tư từ các cá mập, hai startup Curnon còn nhận được niềm vui nhân đôi khi được nhận thêm ưu đãi từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) - nhà tài trợ chính của Shark Tank mùa 2: gói vay trị giá tới 2 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0% trong 6 tháng đầu cùng với một thẻ tín dụng TPBank hạn mức lên tới 300 triệu đồng. Không chỉ riêng startup này, với bất cứ thương vụ nào được các Shark nhận đầu tư tại Shark Tank,TPBank đều hỗ trợ trực tiếp nguồn vốn qua việc cấp thẻ Visa Credit, miễn phí thường niên năm đầu với hạn mức bằng 10% số tiền startup được đầu tư (tối đa 300 triệu đồng). Đồng thời, cung cấp gói vay TSĐB với lãi suất ưu đãi 0% trong 6 tháng đầu với số tiền vay tương đương 50% số tiền đầu tư được nhận (tối đa 2 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Hưng - TGĐ TP Bank bày tỏ: "Với mong muốn đồng hành, hỗ trợ thiết thực, góp phần chắp cánh cho các dự án khởi nghiệp chất lượng, nhiệt huyết đi tới thành công, chúng tôi hy vọng đây sẽ là nguồn hỗ trợ hiệu quả giúp cho những người trẻ đầy khát vọng, vững vàng bước đi trên con đường thực hiện hoài bão của chính mình, tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị trong đời sống, xã hội".

Thương vụ tiếp đến từ một nữ startup xinh đẹp luôn quan tâm đến giấc ngủ người Việt, Thùy Trang – đồng sáng lập công ty về giấc ngủ Ru9 đến chương trình để tìm kiếm đầu tư với lời kêu gọi 3,5 tỷ đổi lấy 10% cổ phần công ty.

Trình bày trước hội đồng đầu tư, Thùy Trang chia sẻ lý do cô khởi nghiệp xuất phát từ chính nhu cầu sức khỏe của chính mình sau một lần gặp chấn thương. Nổi bật, nệm Ru9 được làm bằng 100% foam hiệu suất cao, là một trong những chất liệu vượt trội nhất trong thị trường nệm, có thể ép và đóng gói, rất thuận tiện để vận chuyển. Mức giá trung bình của sản phẩm rơi vào tầm 11 triệu đồng.

Sau khi nghe mức giá, Shark Linh khá tò mò về cách thức phân phối sản phẩm của Ru9 khi tại Mỹ đã có mô hình tương tự là Casper đang bán hàng với hình thức online. Shark Linh nhấn mạnh giá bán 500 USD một sản phẩm tại thị trường Mỹ của Casper là rẻ nhưng so với nhu cầu tiêu dùng của người Việt thì mức giá mà Ru9 đang áp dụng lại khá cao. Giải đáp thắc mắc của “cá mập”, Thùy Trang tỏ ra khá am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt  khi tự tin chia sẻ: “Casper thành công với mô hình online là do cách tiêu dùng của người Mỹ hoàn toàn khác, họ có thể mua ô-tô online nhưng Việt Nam không thế, ngay cả việc bán quần áo online cũng đã khó. Ngoài Marketing online, Ru9 sẽ có những đối tác liên kết là Affiliate marketing và Direct sale”.

Thùy Trang cũng giới thiệu các sản phẩm trước khi đưa vào thị trường Việt Nam đều được Ru9 nghiên cứu và phát triển (R&D) cho thích hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Ru9 đang áp dụng hình thức cho khách hàng ngủ thử 100 đêm, nếu không thích họ có thể trả lại hàng nhưng chiến lược kinh doanh khá lạ này chưa đủ sức thuyết phục “cá mập” khó tính nhất Shark Tank. Trước giả thuyết “nếu 100 ngày bị trả lại hàng thì em làm thế nào?” của Shark Phú, Thùy Trang tỏ ra khá lúng túng khi đáp lời: “Nếu trường hợp đó xảy ra thì R&D của em fail và em sẽ phải dừng lại công ty, quay lại làm R&D”. 

Câu trả lời thật thà này vô tình khiến Thùy Trang bị mất điểm trong mắt các “cá mập”. Shark Louis Nguyễn nhanh chóng đưa ra lời từ chối đầu tư cùng lời khuyên: “Câu trả lời tôi sẽ tái R&D không hay, bao nhiêu lần tái R&D bạn sẽ tốn thêm rất nhiều tiền của nhà đầu tư”.  

Shark Dzung Nguyễn cũng lắc đầu vì Ru 9 không sở hữu công nghệ và đội nghiên cứu riêng, dù nhà đồng sáng lập Thùy Trang đã cố vớt vát công ty có Technical expert (Chuyên gia kỹ thuật) nhưng nhiêu đó không đủ để thỏa mãn được “cá mập” công nghệ. Tương tự, ba Shark Phú, Hưng, Linh cũng từ chối vì lợi thế cạnh tranh không rõ ràng.

Thương vụ bất thành vì không được tiếng nói chung, tuy nhiên, đồng sáng lập của Ru9 vẫn tin tưởng vào sản phẩm kinh doanh của mình. Startup này cho rằng, Shark không đồng ý đầu tư là vì họ chưa có đủ thời gian để trải nghiệm hết cái hay của sản phẩm.

Cùng theo dõi Shark Tank Việt Nam vào lúc 20 giờ 30, tối thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV3 để đón xem những thương vụ ấn tượng tiếp theo. Tập 4 Shark Tank Việt Nam - Thương Vụ Bạc Tỷ mùa thứ 2 vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 25/7 trên kênh VTV3. 

Nguyên Khánh

Tin liên quan

TIÊU ĐIỂM 5425798453958274396

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item