Bất động sản du lịch Việt Nam cơ hội và thách thức
(DNTH) - Ngày 6/4/2019 tại TP HCM, Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019 do The Leader tổ chức với chủ đề 'Triển vọng thị trường và thách ...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2019/04/bat-dong-san-du-lich-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc.html
(DNTH) - Ngày 6/4/2019 tại TP HCM, Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019 do The Leader tổ chức với chủ đề 'Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực' đã được diễn ra.
Tại Diễn đàn nhiều vấn đề về khai thác thị trường bất động sản du lịch đang thu hút hàng tỉ đô la vốn đầu tư được các chuyên gia quốc tế hàng đầu và các chủ đầu tư mổ xẻ.
Diễn đàn lần này thu hút được sự tham gia và chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn của nhiều chuyên gia và chủ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản du lịch như ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao JLL Hotels & Hospitality Group; ông Kai Marcus Schröter, CEO Hospitality Tourism Management (HTM); ông Antoine Sirot, Giám đốc Bất động sản nghỉ dưỡng công ty Phú Long; ông Luis Mesquita de Melo, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Pháp chế Asian Coast Development Ltd; ông Nguyễn Thạc Thắng, Giám đốc First Alliance.
Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ trong bối cảnh ngành du lịch tiếp tục đà tăng trưởng cao, thu hút sự quan tâm rất lớn của đông đảo nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Bên cạnh các dự án căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại du lịch, nhà phố kết hợp kinh doanh và lưu trú hoặc những khu nghỉ dưỡng có thương hiệu đang được xây dựng ở các vùng du lịch trọng điểm, đã bắt đầu xuất hiện những khu phức hợp nghỉ dưỡng hoặc khu đô thị du lịch quy mô lớn với các sản phẩm bất động sản và du lịch đa dạng như casino, công viên chủ đề, sân golf… Nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ đầu tư bất động sản nhà ở hoặc kinh doanh lĩnh vực khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản du lịch, tạo nên một thị trường sôi động chưa từng thấy.
Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho hay, năm 1994 Việt Nam lần đầu tiên đón 1 triệu lượt khách quốc tế, đến 2015 đón 7,9 triệu và đến 2018 đón 15,5 triệu. Sự lớn mạnh của ngành du lịch đã kích thích đầu tư vào bất động sản du lịch, kéo theo nhu cầu mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú du lịch.
Chỉ trong thời gian ngắn số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, resorts, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch tăng lên nhanh chóng. Năm 2011 cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới 2018 con số đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm.
Theo ông Hà Văn Siêu, sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resorts, biệt thự, căn hộ du lịch… tại các trung tâm du lịch lớn...
T.S Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch
Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển rất mạnh. Điều này khẳng định rõ sự tăng trưởng khách du lịch tạo sức hấp dẫn cho kênh đầu tư vào bất động sản du lịch và chính yếu tố hấp dẫn du lịch là cội nguồn gia tăng giá trị cho bất động sản tại điểm du lịch.
Theo đó, đến năm 2020 dự báo cả nước ó 650.000 đến 700.000 buồng lưu trú du lịch; năm 2025 cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng và đến năm 2030 cần có 1.300.000 đến 1.450.000 buồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 8,2-8,5% đến 2020; 7,8-8,0% giai đoạn 2020-2025 và 7-7,5% giai đoạn 2025-2030.
Dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21,0 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9-11%/năm.
Ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management
Với 22 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng tại Việt Nam, ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) cho rằng bất động sản du lịch là một ngành phức tạp. Mặc dù Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn trên thế giới nhưng vẫn còn đó những khó khăn cần được khắc phục.
“Dễ thấy nhất là hoạt động làm thương hiệu cho điểm đến. Việt Nam có rất nhiều hình ảnh đẹp nhưng vì hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa tốt nên khách du lịch chưa biết tới Việt Nam. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nói chung phục vụ cho hoạt động du lịch ở Việt Nam có nhiều hạn chế. Các chính sách cho người nước ngoài, khách du lịch chưa thực sự thuận lợi. Điển hình như chính sách VISA cần linh động hơn”, ông Kai Marcus Schroter phân tích.
Mặc dù đặt ra rất nhiều thách thức với ngành bất động sản du lịch tại Viêt Nam nhưng ông Kai Marcus Schroter không phủ nhận nước ta vẫn có những điều kiện thuận lợi, như các đường bay thuận tiện, nguồn tài nguyên dồi dào, văn hóa, lịch sử lâu đời…
Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao của JLL
Theo ông Adam Fury, Việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn về thủ tục, logistics. Dễ thấy nhất là vấn đề visa. Du khách làm visa đến Thái Lan rất đơn giản, trong khi Việt Nam khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là với người nước ngoài. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khi quay lại vẫn gặp khó khăn về thủ tục.
Về mặt này, sân bay Đà Nẵng là một hình mẫu tốt mà các thành phố khác nên học hỏi. Tại sân bay Đà Nẵng có hẳn một dãy bàn chuyên đóng visa cho du khách, qua đó giúp du khách đặt chân đến Việt Nam dễ dàng hơn.
“Việt Nam đã đầu tư nhiều sân bay, nhưng logistic sân bay vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu cứ mỗi lần vào Việt Nam lại mất cả tiếng đồng hồ thì không ai muốn quay lại”, ông Adam Fury - Phó chủ tịch cấp cao của JLL chia sẻ.
Lãnh đạo ngành du lịch đề xuất các giải pháp mang tính đồng bộ và then chốt
Tiếp tục đầu tư vào hạ tầng du lịch, phát triển nhiều điểm đến mới, mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối thuận tiện các điểm đến của Việt Nam với thị trường thế giới.
Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, điểm đến du lịch nhằm thu hút khách du lịch chất lượng cao, quay lại nhiều lần, lưu trú dài ngày, trải nghiệm nhiều, chi tiêu cao.
Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu điểm đến, cũng như thương hiệu của dự án nhằm định vị giá trị và niềm tin cho du khách cũng như các nhà đầu tư. Lấy ví dụ về Cây Cầu Vàng nổi tiếng trên Đỉnh Bà Nà Hills, Đà Nẵng,
Bên cạnh đó là việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời đảm bảo yếu tố bản sắc văn hóa Việt Nam. Lấy nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong lĩnh vực du lịch. Đó là sự chuyên nghiệp, thân thiện và tinh thần sẵn sang phục vụ.
Khuyến nghị với đầu tư bất động sản du lịch
Với chủ đầu tư dự án, ông Hà Văn Siêu đưa ra lời khuyên cần nghiên cứu kỹ về thị trường du lịch, thị trường bất động sản; sử dụng tư vấn chuyên nghiệp; xác định tầm nhìn dài hạn; có ý tưởng riêng biệt về sản phẩm của dự án gắn chặt với đặc điểm tài nguyên du lịch.
Thiết kế sản phẩm dự án không chỉ dựa trên mà mà phải phát huy được những giá trị của tài nguyên du lịch về văn hóa và sinh thái.
Lựa chọn tính chất và loại hình lưu trú phù hợp với xu hướng nhu cầu du lịch; sáng tạo và mạnh dạn chuyển hướng, chủ động khai phá những điểm đến mới có những giá trị tài nguyên đặc sắc cho đến nay vẫn chưa khai thác.
Với nhà đầu tư thứ cấp,cần nhận diện được giá trị vô hình của sản phẩm bất động sản gắn liền với giá trị tài nguyên du lịch dặc sắc của điểm đến để đầu tư vào nhiều loại hình lưu trú khác nhau kết chuỗi theo tuyến hành trình của dòng khách du lịch.
Lựa chọn và đồng hành cùng chủ đầu tư dự án có đủ độ tin cậy, có ý tưởng, tầm nhìn và có thương hiệu đẳng cấp cao; dự án có tính khả thi cao và chủ đầu tư có tiềm lực tài chính và lực lượng nhân lực chuyên nghiệp.
Nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đang đặt ra không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp bất động sản, mà còn đối với cả nhà đầu tư, khách hàng và đơn vị quản lý vận hành.
Khải Hoàng.