Shark Thủy và Shark Dũng đầu tư 500 nghìn USD vào startup bảo hiểm bất chấp Shark Liên phản đối

(DNTH) - Ba thương vụ trong tập này đến từ những lĩnh vực khác nhau nhưng có điểm chung đều có tham vọng đi tiên phong trong việc chuyển đổ...

(DNTH) - Ba thương vụ trong tập này đến từ những lĩnh vực khác nhau nhưng có điểm chung đều có tham vọng đi tiên phong trong việc chuyển đổi số số. Dù chỉ 1/3 startup gọi vốn thành công nhưng cách chuyển đổi mô hình, khát vọng đem mô hình nhân rộng cũng đem đến cho người xem nhiều bài học thú vị.


Thương vụ nổi bật trong tập này chính là màn gọi vốn của Nguyễn Bảo Trọng – Nhà sáng lập công ty Cổ phần Miin Việt Nam. Đưa ra lời kêu gọi 500 nghìn USD cho 15% cổ phần, nhà sáng lập giới thiệu Miin là một platform bán bảo hiểm, mà trong đó mỗi người đóng vào 2 nghìn đồng/ ngày để làm Quỹ và khi có rủi ro sẽ trích tiền trong Quỹ để chi trả, ngày nào trả ngày đó được bảo hiểm. Đến cuối năm, số tiền đó sẽ được trả lại cho những người đã tham gia vào Quỹ.

Cung cấp thông tin tổng quan Việt Nam khoảng 58% dân số (tầm 60 triệu người) đang không có bảo hiểm, Nguyễn Bảo Trọng cho rằng với dung lượng thị trường cực kỳ lớn và chưa có ai động đến này chính là “đại dương xanh” để các Shark có thể “tha hồ bơi lội”.


Là một đại lý của PTI nhưng startup chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để đề xuất với công ty gốc những sản phẩm bảo hiểm mới như: Bảo Hiểm Tình Yêu, Bảo Hiểm Sức khỏe… Ứng dụng Miin có thể hỗ trợ khách hàng mua Bảo hiểm, nhận giấy chứng nhận điện tử Online dễ dàng và nhận bồi thường nhanh chóng.

Tuy nhiên, với 30 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, Shark Liên lập tức lên tiếng bắt bẽ startup mới chỉ dừng lại ở vị trí đại lý, chưa đủ thẩm quyền để bồi thường thanh toán ngay trên ứng dụng vì dòng tiền chảy về Quỹ của công ty bảo hiểm gốc.

Đồng ý với Shark Liên về vấn đề bảo hiểm là ngành kinh doanh có điều kiện, tuy theo, nhà sáng lập của Miin thì các công ty nước ngoài vào phải tìm công ty bảo hiểm gốc để đề xuất bán sản phẩm, đi từ đại lý đến môi giới, có tiền rồi họ mới mua công ty bảo hiểm gốc.

Nguyễn Bảo Trọng đưa ra lý lẽ để thuyết phục nhà đầu tư: “Các đơn vị platform có tập khách hàng lớn, họ hoàn toàn có thể bán bảo hiểm trên đó nhưng họ không xây quy trình claim trên app. Đấy là lợi thế, nếu khách hàng chỉ trải nghiệm ngay trên một cái app thôi thì họ có thể claim được. Tất cả các công ty lớn họ đang có những bài toán lớn, hiện tại họ chưa nhìn thấy được dung lượng của thị trường. Vì vậy, cách của mình là phải đi thật sớm và phải đi thật nhanh”.

Cho rằng các câu trả lời của startup chưa đủ thỏa đáng, Shark Liên là người đầu tiên đưa ra từ chối đầu tư vào Miin. Nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN đưa ra lời khuyên: “Tôi thấy bạn mới chỉ dừng lại ở một đại lý nhỏ. Bạn có thể tham khảo thêm thị trường để nắm bắt thị trường bảo hiểm Việt Nam. Thứ hai, bạn phải xem lại chiến lược kinh doanh của mình”.

Nhận xét mô hình của startup còn mới mẻ nhưng định giá cao nên hai Shark Phạm Thanh Hưng và Nguyễn Thanh Việt cũng tuyên bố rút lui để nhường lại sân chơi cho hai nhà đầu tư còn lại.

Sau khi nghe startup chia sẻ về quá trình sử dụng vốn 500 nghìn USD trong 12 tháng tới, Shark Thủy và Shark Dzung quyết định bắt tay nhau kết nạp Miin vào hệ sinh thái của mình với lời đề nghị 500 nghìn USD cho 25% cổ phần.

Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập Tập đoàn Egroup – Sở hữu chuỗi trung tâm tiếng anh Apax đưa ra đánh giá: “Về mặt thị trường, anh cho rằng đây là mô hình công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực bảo hiểm và nó sẽ thành xu thế. Anh nhìn thấy tiềm năng, có điều trong lĩnh vực công nghệ em làm thì sẽ có rất nhiều người làm. Tuy nhiên, anh ghi nhận em đang là người đi đầu. Với hệ sinh về giáo dục, anh hoàn toàn có thể bán kèm hoặc tặng cho khách hàng vì số tiền bảo hiểm rất ý nghĩa mà không quá lớn”.

Shark Dzung cũng chia sẻ : “Trong lĩnh vực bảo hiểm anh mù tịt, chỉ sử dụng ở góc độ người dùng cuối. Dưới góc độ nhà đầu tư mạo hiểm, anh cảm nhận được đây sẽ là lĩnh vực rất chi tiềm năng. Thứ hai, anh thấy em rất tâm huyết với dự án này. Đó là hai lý do anh muốn cùng Shark Thủy tham gia hỗ trợ em”.



Không muốn mất nhiều hơn số cổ phần khi đi gọi vốn, Nguyễn Bảo Trọng đề nghị thương lượng lại ở mức 15% cổ phần và cam kết có thể đạt 200% KPI. Tuy nhiên, trước thế trận cò kè mặc cả giữa startup với nhà đầu tư, Shark Thủy lên tiếng chốt hạ: “5% hay bao nhiêu không phải là vấn đề quá lớn nhưng vì anh là nhà đầu tư, anh luôn luôn quan điểm phải mua được đúng giá. Khi đầu tư vào bao giờ cũng đi kèm với KPI và KPI em cam kết là cho mức 25%. Nếu em không đạt KPI thì cũng không ai trả lại tiền cho bọn anh cả. Anh vẫn đề nghị 500 nghìn USD cho 25%, đây là cách định giá hợp lý cho một doanh nghiệp như thế này”.

Bị mất nhiều hơn số cổ phần kỳ vọng nhưng cân nhắc đến sự hợp sức từ nhà đầu tư, Miin sẽ có cơ hội đi nhanh, giá trị công ty sẽ tăng gấp nhiều lần. Do đó, nhà sáng lập Nguyễn Bảo Trọng đã đồng ý nhận sự hỗ trợ từ hai Shark Dzung Nguyễn và Shark Nguyễn Ngọc Thủy để cùng nhau phát triển dự án của mình.

Mở đầu phần gọi vốn bằng phần mô phỏng một phiên đấu giá offline theo phương thức truyền thống,tuy nhiên, Đỗ Thị Hồng Hạnh - Co-founder Công ty Đấu giá Hợp doanh Lạc Việt chia sẻ doanh nghiệp đấu giá của cô với với 8 năm làm nghề chỉ mở được tối đa 20 phiên/tháng, không thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Đến 1/7/2017, luật đấu giá có hiệu lực đã tạo ra một hình thức đấu giá mới là đấu giá trực tuyến. Hình thức này giúp các doanh nghiệp đấu giá có thể tổ chức ra hàng trăm phiên mỗi tuần và việc theo dõi các sản phẩm đấu giá của người bán và mua trở nên dễ dàng hơn.

Với mục tiêu đưa đấu giá Việt Nam hòa nhập với thế giới và kết nối được với các nước khu vực, Đỗ Thị Hồng Hạnh đã đến Shark Tank để kêu gọi 1 triệu USD đầu tư vào dự án sinh thái đấu giá trực tuyến Lạc Việt (Lạc Việt online) của mình với 20% cổ phần.



Co-founder cũng cung cấp thêm thông tin, tổng doanh số bán trên toàn quốc chỉ tính riêng tài sản đấu giá của nhà nước là 600 nghìn tỷ/ năm. Đấu giá Lạc Việt bán được 3 nghìn tỷ/năm. Mỗi phiên đấu giá chỉ được tối đa 300 triệu, do khống chế của luật nên doanh thu năm 2018 chỉ ở mức 6 tỷ đồng, lợi nhuận 20%.

Năm 2015 – 2016, startup tổ chức đấu giá cho các tài sản tư nhân ở khách sạn 5 sao với chi phí từ 300 – 500 triệu/phiên. Tuy nhiên, làm theo hình thức này thì không hiệu quả về mặt chi phí nên đến năm 2018, startup dừng lại và chuyển sang xây dựng đấu giá trực tuyến.

Hiện đang đảm nhận vai trò Tổng giám đốc - Công ty cổ phần Thẩm định giá Thế kỷ (CENVALUE), do đó Shark Phạm Hưng nhanh chóng lên tiếng rút lui khỏi thương vụ sau phần trình bày của startup vì ông không được quyền đầu tư vào hoạt động đấu giá. Trước khi từ chối đầu tư, Shark Hưng cũng tiết lộ phí thẩm định hàng năm của CENVALUE thu được lớn hơn rất nhiều phí mà đấu giá Lạc Việt thu được.

Với thông tin này, Đỗ Thị Hồng Hạnh lên tiếng giải thích phí thẩm định giá không bị hạn chế còn phí đấu giá theo luật quy định, tối đa một phiên đấu giá không được vượt quá 300 triệu đồng.

Mô hình đấu giá của Lạc Việt là công ty hợp doanh nên được sở tư pháp quản lý về mặt chuyên ngành tư pháp. Từ khi luật ra đời chưa có một đơn vị đấu giá nào trình đề tài trực tuyến.

Ưu điểm của đấu giá trực tuyến so với offline là người tham gia đấu giá không bao giờ phải xuất hiện trong phiên đấu giá, hoàn toàn có thể ngồi một chỗ trả giá và tất cả việc đăng ký, nhập rồi trả giá đều được công khai minh bạch trên hệ thống mạng.

Trả lời thắc mắc của Shark Dzung Nguyễn về vấn đề cấu trúc của công tyLạc Việt sẽ ra sao khi có sự tham gia của nhà đầu tư, bởi Lạc Việt hiện là là công ty hợp doanh do sở tư pháp quản lý nhưng thông thường nhà đầu tư đầu tư chỉ tham gia vào các công ty cổ phần hoặc TNHH do sở kế hoạch đầu tư quản lý.

Đỗ Thị Hồng Hạnh cho biết, theo nghị định với mô hình đấu giá trực tuyến, cho phép công ty đấu giá trực tuyến được đi thuê lại hạ tầng của một công ty khác, startup lập ra một công ty cổ phần là Lạc Việt onlne sẽ quản lý toàn bộ hệ thống đấu giá trực tuyến và công ty đấu giá hợp doanh chịu trách nhiệm trên danh nghĩa về pháp luật và đảm bảo tính chắc chắn của tài sản và chịu trách nhiệm về việc bán tài sản đấy.

Ngoài ra công ty iERB chuyên cung cấp và vận hành công nghệ của Lạc Việt online sẽ thành nhóm 3 công ty cùng vận hành việc này.“Khi các Shark đầu tư vào chúng ta sẽ tạo thành những hợp đồng liên kết và rõ ràng sẽ phải đầu tư vào cả một nhóm công ty” – Co-founder nói.



Sau phần trả lời của startup, Shark Dzung Nguyễn lắc đầu từ chối vào Lạc Việt online với nhận xét: “Nhà đầu tư không thể đầu tư vào công ty hợp doanh vì đâu tư vài thì không phải hợp doanh nữa rồi. Đương nhiên sẽ đầu tư vào công ty cổ phần nhưng công ty này chưa có chức năng để đấu giá.

Quy mô chị năm 2018 tầm 3 nghìn tỷ nhưng doanh số chỉ có 6 tỷ. Chị đã làm 8 năm rồi mà mới có 100 phiên/ năm, trung bình chỉ có 60 triệu/ phiên, mỗi lần tổ chức mất cả trăm triệu. Tôi cảm giác càng đấu giá càng lỗ, quy mô thị trường khá chi là bé mặc dù có rất nhiều tài sản đang cần đấu giá ở ngoài kia nhưng mà để thực hiện từ lúc thông qua công ty đấu giá để nó thành hiện thực, tôi cảm giác có rất nhiều rào cản”.

Đánh giá startup có giấy phép và chưa góp vốn, đồng thời đây cũng không phải ngành quá am hiểu, lần lượt các “cá mập” còn lại cũng đưa ra lời từ chối đầu tư.

Thương vụ cuối cùng với sự xuất hiện của Trần Bá Đạt, Đỗ Thị Thùy Dương và Nguyễn Hoài Nam - Đồng sáng lập Co-salon với lời đề nghị 10 tỷ cho 12,5% cổ phần đến nhà đầu tư.

Trong phần thuyết trình, cả ba nhà sáng lập giới thiệu họ đều từng có kinh nghiệm xây dựng chuỗi. Trần Văn Đạt từng là giám đốc vận hành của Canifa. Đỗ Thị Thùy Dương là chủ của chuỗi salon Dương Tây trong khi Nguyễn Hoài Nam từng là cổ đông sáng lập của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển.


Nhận thấy việc nhiều nhân viên ở các tiệm salon tóc sau khi có tay nghề và khách hàng tự đứng ra mở tiệm cạnh tranh, Co-salon ra đời để giải quyết vấn đề đó. Công ty sẽ tập hợp tất cả những nhà tạọ mẫu tóc, làm việc ở một không gian chia sẻ dưới thương hiệu chung Co-salon. 

Với mô hình này, các nhà tạo mẫu tóc cũng sẽ thỏa mãn nhu cầu làm chủ vì họ có thể tự đưa ra mức giá, tự thỏa thuận để mua các nguyên vật liệu từ Co-salon. Công ty cũng sẽ thiết kế website và nền tảng ứng dụng di động để khách hàng có thể lựa chọn nhà tạo mẫu tóc ưng ý với mức giá phù hợp.

Trả lời về bức tranh tài chính, CEO của Co-salon cho biết doanh số trong 6 tháng vừa qua đạt 4,9 tỉ đồng. Tuy nhiên công ty vẫn đang lỗ 86 triệu đồng. Nếu có thêm 10 tỉ đồng, đội ngũ sáng lập mong xây dựng 80 cửa hàng Co Salon trong thời gian tiếp theo (hiện đã mở được 3 cửa hàng). Chi phí để mở một cửa hàng mới là 700-900 triệu đồng.

Ngoài việc thu tiền từ dịch vụ, Co-salon sẽ thu 5 triệu/ghế/tháng với 16 ghế mỗi cửa hàng. Ngoài ra, để đạt điểm hòa vốn, mỗi cửa hàng của Co-salon cần đạt hiệu suất lấp đầy 60%-70%.

Trần Văn Đạt cũng nói thêm rằng các nhà tạo mẫu tóc sẽ phải đầu tư một số tiền lớn để mua về tất cả các bảng màu nếu muốn kinh doanh riêng. Trong trường hợp làm việc với Co-salon, kho hàng có sẵn của công ty sẽ giải quyết vấn đề đó.

Về nguy cơ chất thải ảnh hưởng tới môi trường, nhóm sáng lập cho hay nhà nước vẫn chưa có quy định đặc biệt nào đối với các salon. Tuy nhiên, thực tế ấy lại khiến Shark Việt và Shark Liên lo ngại, bởi có thể chính phủ sẽ siết quy định trong tương lai. Theo Shark Liên, việc quá lạm dụng việc làm tóc bằng hóa chất cũng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí gây rụng tóc và hói đầu. Với những sự lo ngại đó, cả hai Shark đều quyết định không đầu tư dù startup đã cố gắng thuyết phục rằng đây là một mô hình đã thành công ở Trung Quốc và Mỹ.

Nhận định startup không có nhiều hàm lượng công nghệ, Shark Thủy quyết định không đầu tư. Tiếp đến, Shark Hưng cũng từ chối vì không thích một mô hình sáng lập gồm quá nhiều thành viên.




Trước 4 cái lắc đầu liên tiếp của các vị cá mập, Shark Dzung Nguyễn “một mình một ngựa” đưa ra đề nghị 10 tỷ đồng cho 50% cổ phần Co-salon. Đây là số cổ phần cao nhất từ trước đến giờ mà “cá mập công nghệ” muốn sở hữu của startup tại Shark Tank mùa 3 này. Bởi lẽ, ông muốn công ty cần thay đổi mô hình kinh doanh, đập đi xây lại và dùng nhiều yếu tố công nghệ hơn.

Cho rằng 50% là một mức cổ phần quá cao, CEO Co-salon gợi ý shark Dũng có thể tăng số tiền đầu tư hoặc giảm tỉ lệ sở hữu. Tuy nhiên, “cá mập công nghệ” kiên quyết không thể nhân nhượng vì chưa đủ tự tin về mô hình của các nhà sáng lập. "Tôi chưa tự tin về mô hình này, mà đang muốn đi theo hướng tận dụng tài nguyên đang có. Sau này tôi có thể đàm phán về tỉ lệ nhưng hiện tại tôi vẫn đề nghị 10 tỉ cho 50% cổ phần" – Shark Dzung Nguyễn nói.

Nhà sáng lập thì không hài lòng về số cổ phần sẽ bị mất, còn nhà đầu tư thì chưa có niềm tin vào mô hình doanh nghiệp của startup, kết quả cuộc thương lượng giữa hai bên đã diễn ra bất thành.

Khôi Huy 

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 5809253386592425426

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item