Shark Tank Việt Nam: Startup khởi nghiệp mô hình 'việc hay có ngay' bị đơ vì nhận được cơn mưa offer từ 'cá mập'

(DNTH) - Gặp đúng “con mồi” hợp vị là các nền tảng công nghệ, không khí “bể cá mập” trở nên nóng hơn bao giờ hết vì các màn tranh giành, ch...

(DNTH) - Gặp đúng “con mồi” hợp vị là các nền tảng công nghệ, không khí “bể cá mập” trở nên nóng hơn bao giờ hết vì các màn tranh giành, chiêu thức lôi kéo startup về đội mình của nhà đầu tư.


Thương vụ nhận được con mưa offer và có màn thương thuyết kéo dài nhất tập 15 của "Shark Tank Việt Nam" thuộc về màn gọi vốn của cặp đôi sáng lập Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng đến từ nền tảng Việc Có.

Thể hiện thái độ ‘biết người biết ta” và chủ động đưa ra những mong muốn hợp tác để đôi bên cùng có lợi, Việc Có đã chinh phục Shark Dzung Nguyễn để nhận được số tiền 300 nghìn USD dưới dạng trái phiếu chuyển đổi đúng như mong đợi khi đến Shark Tank.

“Cá mập” đại chiến liên tục quăng offer để tranh cơ hội đầu tư vào Startup Việc Có

Trước khi tiến vào phần gọi vốn, Phan Xuân Cảnh chia sẻ Việt Nam có khoảng 20 triệu người là lao động phổ thông tự do, con số tương ứng ở thị trường ĐNÁ là 100 triệu người. Do đó, Việc Có đã ra đời nhằm kết nối những người làm tự do, việc làm đơn giản với các doanh nghiệp.

Hai nhà đồng sáng lập Việc Có cũng cho biết đã cùng làm việc với nhau 5 năm tại Tiki và nghỉ vào năm 2017. Cả hai nhận ra chỉ có công nghệ mới giải quyết được 3 vấn đề: nhanh, chất lượng, quy mô lớn.


Bắt đầu hình thành ý tưởng từ năm 2015 nhưng đến đầu năm 2019 thì dự án bắt đầu triển khai, Việc Có có 14.000 người đăng ký đi làm, doanh thu tăng 50% hàng tháng. Tháng gần nhất, dự án tạo ra 1,5 tỷ đồng thu nhập cho các cộng tác viên và Việc Có sẽ thu 20% phí giao dịch từ doanh nghiệp.

Vốn chủ sở hữu 2 startup đã đóng vào là 3,5 tỷ đồng. Công ty hiện có 10 khách hàng, thuộc lĩnh vực kho bãi, thương mại điện tử, bán lẻ, logistics. Hiện đang hoàn tất vòng gọi vốn hạt giống và đã đạt được thỏa thuận với một số nhà đầu tư nhưng Việc Có vẫn quyết định đến Shark Tank để gửi đến các nhà đầu tư lời mời chào 300 nghìn USD dạng trái phiếu chuyển đổi kèm ưu đãi discount 10% cho vòng gọi vốn sau. Founder & CEO Phan Xuân Cảnh chia sẻ lý do: “Số tiền này 9 tháng nữa mới cần nhưng em rất thích làm việc với các Shark, em nghĩ đây là cơ hội rất tuyệt vời”.

Hiện nay, dự án tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn, có độ tin cậy cao. Những doanh nghiệp này thường có sự biến động lớn về nhân sự. Doanh nghiệp sau khi tiếp nhận dịch vụ sẽ có đối soát trả phí.

Về quản lý, người lao động sẽ cầm điện thoại đi vào nơi làm việc, Việc Có sẽ xác định vị trí. Sau đó, người lao động thực hiện chấm công trên app để được ghi nhận.

Trả lời câu hỏi Việc Có có mua bảo hiểm cho người lao động không từ Shark Đỗ Liên, CEO Phan Xuân Cảnh cho biết đang thương lượng với một số khách hàng để tích hợp thêm. Với những nhóm có thời gian làm việc tương đối dài, Việc Có sẽ mua luôn bảo hiểm cho hoặc trợ giá một phần.



Tuy nhiên, Shark Việt cho rằng khi trở thành doanh nghiệp, rất nhiều cơ quan Nhà nước đến đặt câu hỏi về việc thuê lao động.

Nguyễn Sơn Tùng cho biết bước đầu Việc Có sẽ yêu cầu chứng minh nhân dân của người đăng ký, sau đó bổ sung thủ tục cần thiết để đảm bảo đó là người tin cậy. Hiện 14.000 người đăng ký sẽ được xác thực hồ sơ thông qua việc tích lũy đánh giá hoặc kinh nghiệm tại các doanh nghiệp. Hệ thống cũng có cơ chế để cảnh báo doanh nghiệp về người lao động.

Là người đầu tiên đưa ra quyết định có xuống deal hay không, Shark Đỗ Liên cho biết bà rất thích dự án Việc Có nhưng lo lắng đến câu chuyện quản lý nhân sự. Do đó, bà quyết định không đầu tư nhưng nếu các Shark khác đồng ý rót vốn, có thể bà sẽ tham gia cùng. Cho rằng thị trường lao động rất nhạy cảm, có nhiều rủi ro nên Shark Nguyễn Thanh Việt cũng quyết định không đầu tư.

Trong khi đó, lấy mức chuẩn discount thông thường của Convertible Loan là 20% – 25%, Shark Dzung Nguyễn đề nghị đầu tư vào Việc Có 300 nghìn USD dạng trái phiếu chuyển đổi được discount 20% cho vòng gọi vốn sau, kèm điều kiện CAP (mức trần giá trị công ty) 2,5 triệu USD, qualify round 1 triệu USD trong vòng 12 tháng.

Gia nhập cuộc đua, Shark Phạm Thanh Hưng đưa ra đề xuất 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, với phương án giảm giá 30% cho vòng gọi vốn sau, lãi suất 15% hoặc phương án giảm giá 20% cho vòng gọi vốn sau, lãi suất 20%.

Trở lại “ghế nóng” trong tập 15, Shark Nguyễn Hòa Bình bày tỏ sự hứng thú với dự án. “Cá mập tri kỷ” đề nghị 300 nghìn USD dạng trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 35% cho vòng gọi vốn sau, lãi suất 6%.

Sau những hội ý và trao đổi, Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng muốn thương lượng cùng Shark Dzung Nguyễn nâng CAP từ 2,5 triệu USD lên 4 triệu USD. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã khước từ vì GMV startup chỉ có 1 triệu USD.

“Lý do anh đầu tư cho em, thứ nhất em là một trong những nhân viên đời đầu của tiki. Thị trường này vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết như câu chuyện bảo hiểm Shark Việt đã nói nhưng anh nghĩ là, startup phải đi giải quyết các vấn đề đấy. Mình phải bắt tay làm chứ nếu không làm thì chờ không biết ai sẽ làm. Nhưng ở giai đoạn này cũng đang rất rủi ro, quy mô GMV của em rất chi bé” – Shark Dzung Nguyễn chia sẻ.

Diễn tiến cuộc thương lượng vẫn đang diễn ra giằng co, “bà ngoại U60” Đỗ Liên bất ngờ tuyên bố đổi ý, muốn quay lại cuộc đua để hỗ trợ startup, sẵn sàng viết Séc ngay tại phim trường theo nguyện vọng của hai nhà sáng lập Việc Có vì lý do các Shark nam quá “nhây”. Dẫu vậy, lòng tốt của “bà ngoại” bị Shark Việt thẳng thừng bác bỏ vì phạm vào luật chơi của Shark Tank.


Cuối cùng, Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng đã lựa chọn về đội Shark Dzung Nguyễn với 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 20% cho vòng gọi vốn kế tiếp và đã nhận được lời đồng ý. Shark Liên cho biết sẽ đồng hành cùng dự án.

Tiết lộ lý do bắt tay với Shark Dzung Nguyễn dù nhìn chung offer mà “cá mập công nghệ” đưa ra không phải là tốt nhất, Phan Xuân Cảnh chia sẻ: “Đối với startup non trẻ như tụi mình giai đoạn này quan trọng nhất là sự định hướng, thứ hai là đối tác có thể giúp kêu gọi vòng vốn kế tiếp”.

Nền tảng in ấn trực tuyến 4.0 khiến Shark Liên và Shark Bình lần đầu tiên đứng chung chiến tuyến

Thương vụ tiếp theo là màn gọi vốn của Nguyễn Tuấn Anh - CEO nền tảng thiết kế, in ấn trực tuyến Printgo kêu gọi 4 tỷ với 20% cổ phần.

Giới thiệu trước nhà đầu tư, Tuấn Anh cho biết Printgo ra đời với sứ mệnh xây dựng hệ sinh thái thiết kế, in ấn, kết nối khách hàng với các nhà in ấn, giúp việc in ấn dễ dàng, tạo ra quy trình đồng bộ từ việc thiết kế đến in ấn. Thị trường in ấn ước tính đạt 421 tỷ USD vào năm 2020, đặc biệt Việt Nam và các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có mức tăng trưởng từ 6% – 8%.

Printgo đã có giai đoạn chạy thử nghiệm từ tháng 4/2019 đến tháng 7/2019, phục vụ được 500 khách hàng và có hơn 20% khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ. Hiện tại, trung bình mỗi đơn hàng khoảng 1,5 triệu đồng.


Trả lời câu hỏi Printgo có gì khác biệt so với các nhà in ấn khác của Shark Liên, CEO Tuấn Anh cho rằng các xưởng in hiện tại chưa có công cụ quản lý khách hàng, quản lý dữ liệu in ấn. Anh đã xây dựng công cụ cho phép khách hàng tự thiết kế mang cá tính riêng của họ. Printgo hoạt động dựa trên việc thu tiền từ khách hàng, chia sẻ lại với các nhà in ấn và giữ lại 15%.

Với 4 tỷ kêu gọi đầu tư, Printgo sẽ tập trung phát triển nhanh đội ngũ kỹ thuật, công nghệ và đẩy mạnh marketing. Hiện tại, công ty có 2 cổ đông gồm CEO Tuấn Anh và một nhà đầu tư thiên thần giữ 54% cổ phần công ty.


Shark Hưng dành lời khen cho ý tưởng của Printgo và cho rằng đây là thị trường có thể phát triển ở Việt Nam và đưa ra lời đề nghị 4 tỷ cho 40% cổ phần hoặc 2 tỷ cho 20% cổ phần, 2 tỷ còn lại cho vay chuyển đổi.

Shark Việt quyết định không đầu tư vì cho rằng định giá công ty chưa phù hợp, ý tưởng Printgo chưa rõ ràng.

Shark Dũng đề nghị 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần và 3 tỷ là khoản vay theo KPI. 

Shark Bình cho rằng các start up đến với Shark Tank luôn gặp vấn đề về định giá. Ông cho rằng Printgo là dự án rất khó đoán trong tương lai và đề nghị các Shark nên đầu tư chung nhưng không nhận được sự đồng ý của Shark Dũng.


Shark Liên cho rằng ý tưởng của Printgo khá hay ho và đưa ra lời đề nghị 4 tỷ cho 25% cổ phần. "Các anh chỉ có công nghệ, còn tôi định vị khách hàng cho bạn ấy, đó mới quan trọng", Shark Liên nói với các "cá mập" khác. Cùng với đó, Shark Bình mở lời đầu tư theo 1 tỷ đồng.

Cuối cùng, CEO Tuấn Anh quyết định chọn hợp tác với Shark Liên và Shark Bình vì cho rằng "bà ngoại U60" có thể đưa Printgo tiến xa hơn nữa dù rất ngưỡng mộ Shark Dũng. Sau màn gọi vốn, CEO Printgo cho biết anh rất tự tin vào mô hình kinh doanh của mình và tin rằng sẽ làm được điều gì đó để thay đổi ngành in ấn ở Việt Nam hiện nay.

Startup chưa ra sản phẩm, 18 tháng không doanh thu được Shark Hưng cam kết rót vốn 1 triệu USD

Thương vụ cuối cùng thuộc về Tuấn Việt – Quốc Hưng đồng sáng lập Revex với lời kêu gọi 1 triệu USD cho 10% cổ phần công ty.

Nhà sáng lập giới thiệu Revex là nền tảng cho phép quản lý và thực hiện các giao dịch hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản được xây dựng trên nền tảng smart contract với platform Blockchain.


Tuấn Việt – Quốc Hưng chia sẻ người Việt Nam có nhu cầu mua nhà rất lớn nhưng rào cản tham gia đầu tư bất động sản thì quá lớn. Mất vài tỷ mới có thể mua nhà nhưng Revex ra đời sẽ xử lý được bài toán 1 triệu đồng cũng có thể đầu tư bất động sản được.

Revex là nền tảng trung gian kết nối giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản. Doanh thu của Revex đến từ phí giao dịch và các dịch vụ cho chủ đầu tư, Nhà đầu tư. Phân khúc khách hàng Revex nhắm đến là các cá nhân chỉ có thể đầu tư khoảng từ 100 triệu đồng – 1 tỷ đồng.

Doanh nghiệp được thành lập từ năm 2018 gồm 7 cổ đông với vốn điều lệ 2,5 tỷ. Tuy nhiên, hiện tại đã tiêu mất 10 tỷ đồng. Dự án mất 18 tháng để hoàn thiện nền tảng nên chưa có doanh thu.




Đánh giá ý tưởng hay nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro về mặt pháp lý, cũng như quá trình nghiên cứu sản phẩm quá dài nên lần lượt các Shark Việt, Thủy, Liên và Dzung Nguyễn đều từ chối đầu tư vào Revex. Thậm chí, “cá mập công nghệ” còn khuyên startup nên đưa sản phẩm ra thị trường càng sớm càng tốt chứ cách triển khai hiện tại rất phi thực tế.

Đứng trước 4 lời từ chối đầu tư, hai nhà sáng lập Revex bày tỏ sự tiếc nuối: “Bọn em không làm thứ mà thị trường chưa diễn ra, mình chỉ số hóa cái đã có trên thị trường. Đây là cơ hội rất lớn, bọn em cần người đồng hành vì dự án rất tiềm năng”.

Với thế mạnh về hệ sinh thái bất động sản, Shark Phạm Thanh Hưng quyết định cho startup cơ hội với lời đề nghị 1 triệu USD cho 25% cổ phần, giải ngân tối đa 100 nghìn USD kèm điều kiện.

Chia sẻ Revex cần nhiều tiền hơn để vận hành, hai nhà sáng lập đề nghị Shark Hưng nâng mức giải ngân lần đầu lên 300 nghìn USD. Startup cam kết trong vòng 3 tháng có thể đạt KPI như Shark mong muốn. Kết quả, cuộc ngã giá diễn ra thành công với cái gật đầu của nhà đầu tư.


Bắt tay cùng Shark Hưng, các nhà sáng lập mong đợi có thể tận dụng hệ sinh thái của nhà đầu tư để hỗ trợ cho dự án của mình.

Tập cuối cùng (tập 16) của "Shark Tank Việt Nam - "Thương vụ bạc tỷ" mùa thứ 3 được phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 6/11/2019 trên kênh VTV3 sẽ tập hợp các câu chuyện bên lề "Thương vụ bạc tỷ" mùa 3. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đưa ra những lời khuyên, bài học có giá trị dành cho startup.

Huy Khôi 

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 6240559802667949405

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item