IMF: GDP toàn cầu giảm xấp xỉ 5% năm nay
(DNTH) - Mức sụt giảm GDP thực bình quân đối với các nền kinh tế phát triển là 8%, trong khi đối với các nước đang phát triển, con số này l...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2020/07/imf-gdp-toan-cau-giam-xap-xi-5-nam-nay.html
(DNTH) - Mức sụt giảm GDP thực bình quân đối với các nền kinh tế phát triển là 8%, trong khi đối với các nước đang phát triển, con số này là 3%.
Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực lên hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2020 so với dự báo, khiến đà phục hồi của nền kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ diễn ra chậm hơn.
Nhìn chung, GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay, và nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi vào năm tới với mức tăng trưởng 5,4%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết. Được biết, mức sụt giảm xấp xỉ 5% vừa được IMF công bố cao hơn 2% so với báo cáo hồi tháng 4/2020 của cơ quan này.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 6/2020, IMF cho biết, "đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực lên hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2020 so với dự báo". Do đó, IMF cho rằng, đà phục hồi của nền kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ diễn ra chậm hơn, với tăng trưởng GDP ở mức 5,4% vào năm sau, ít hơn 0,4% so với dự báo hồi tháng 4 vừa qua của cơ quan này.
Lúc đó, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, cao hơn so với thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đồng thời, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva khi ấy cho biết, nền kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930. Chính phủ và các quan chức y tế cần phải hợp tác để ngăn chặn những kịch bản tệ hơn.
Lý giải cho việc điều chỉnh triển vọng tăng trưởng GDP được IMF đưa ra trong báo cáo lần này là các biện pháp giãn cách xã hội nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài trong 6 tháng cuối năm, gây ảnh hưởng tới năng suất và các chuỗi cung ứng. Đồng thời, đối với các quốc gia vẫn đang chật vật ứng phó với tỷ lệ nhiễm bệnh cao, thiệt hại gây ra cho hoạt động kinh tế sẽ tỷ lệ thuận với thời gian áp lệnh phong toả.
Bên cạnh đó, "đà lao dốc của hoạt động kinh tế sẽ giáng đòn mạnh vào thị trường lao động toàn cầu", với số giờ làm việc bị cắt giảm trong quý II/2020 tương đương hơn 300 triệu việc làm toàn thời gian. Trong đó, người lao động có tay nghề thấp, không thể làm việc từ xa, là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ngoài ra, IMF cho biết, mức sụt giảm thu nhập cũng không đồng đều giữa hai giới, khi phụ nữ nằm trong số các nhóm có thu nhập thấp và chịu tác động lớn hơn tại nhiều quốc gia. Theo báo cáo từ IMF, Pháp, Ý và Tây Ban Nha là 3 nền kinh tế phát triển chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch, với mức GDP sụt giảm lần lượt 12,8%, 12,5% và 12,8%.
Riêng đối với Mỹ, mức sụt giảm GDP được dự báo lên tới 8% trong năm nay. Tốc độ này lớn hơn so với dự báo hồi tháng 4 của IMF là -5,9%. Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng bị hạ dự báo tăng trưởng xuống -10,2%, trong khi GDP Trung Quốc được cho là sẽ tăng 1%.
Trong số các nền kinh tế đang phát triển, Nam Phi, Brazil và Mexico là 3 nước chịu thiệt hại nặng nề nhất, với mức giảm GDP lần lượt là 8%, 9,1% và 10,5%. IMF cũng cảnh báo, tài chính công của các nước sẽ xuống cấp trầm trọng do chính phủ nỗ lực xoa dịu thiệt hại từ Covid-19. Đến nay, các nước đã đi vay thêm và tung ra hàng loạt gói kích thích tài khóa khổng lồ.
"Sự sụt giảm mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế và doanh thu tài chính, cùng với các gói hỗ trợ tài chính lớn, đã đẩy ngân sách dành cho tài chính công lên cao, với nợ công toàn cầu dự báo sẽ đạt hơn 100% GDP trong năm nay", IMF cho biết.
Cụ thể, nợ công toàn cầu sẽ lập kỷ lục mới vào năm 2020 và 2021, lần lượt ở mức 101,5% GDP và 103,2% GDP. Riêng thâm hụt tài khóa bình quân cũng vọt lên 13,9% GDP năm nay.
Mỹ Cảnh