Tín dụng tăng nhưng dòng vốn có chảy đúng hướng?
(DNTH) - Bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong gần hai tháng qua, các ngân hàng vẫn tăng cường cho vay, bằng chứng là một số ng...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2021/06/tin-dung-tang-nhung-dong-von-co-chay.html
(DNTH) - Bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong gần hai tháng qua, các ngân hàng vẫn tăng cường cho vay, bằng chứng là một số ngân hàng đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đến ngày 20/5/2021 đã sử dụng hết hơn một nửa hạn mức tín dụng cả năm và đang mong được NHNN nới room tín dụng từ mức 10,5% lên 14%. Một loạt ngân hàng khác cũng có tình trạng tương tự. Do đó, đại diện NHNN mới đây cho biết đã tiếp nhận và xử lý đề xuất nới, cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng sử dụng hết chỉ tiêu.
Nếu như giai đoạn nửa đầu năm trước, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng rất thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, năm nay dù cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch, thậm chí nhiều ca lây nhiễm hơn, nhưng bất ngờ là việc cho vay của các nhà băng vẫn vận hành khá trơn tru.
Số liệu công bố cho thấy đến cuối tháng 4/2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 4,14%, trong tháng 5 dịch bệnh bùng phát mạnh tại các đầu tàu kinh tế như TP.HCM, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục leo lên mức 4,67%, cao hơn nhiều so với mức tăng chưa đến 2% tại cùng thời điểm năm ngoái.
Dù tín dụng kể từ đầu năm nay vẫn tăng khả quan, nhưng với nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận vốn ngân hàng vẫn không ít khó khăn. Đặc biệt, mỗi khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nguy cơ trong nền kinh tế gia tăng, không ít ngân hàng lại thắt chặt điều kiện cho vay, nhằm chủ động giảm thiểu rủi ro cho tín dụng.
Cũng trong nửa đầu năm nay, hàng loạt ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để thúc đẩy vốn đầu ra, trong bối cảnh tình trạng thừa vốn khi các nhà băng đã huy động được một lượng vốn lớn từ phát hành trái phiếu, tăng vốn điều lệ. Dự kiến đầu quý III tới, một lượng vốn tiền đồng khổng lồ sẽ tiếp tục bơm vào hệ thống thông qua các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn đã được các ngân hàng ký kết với NHNN vào đầu năm nay.
Nhìn vào diễn biến tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, tình trạng nóng sốt của thị trường bất động sản tại nhiều địa phương, không ít ý kiến lo ngại tín dụng rộng mở của hệ thống ngân hàng góp phần thổi bùng giá của các loại tài sản này, mà có thể gây ra rủi ro và bất ổn đối với nền kinh tế một khi các thị trường này sụp đổ.
Chỉ số VN-Index đã tăng hơn 25% so với đầu năm nay, trở thành một trong những thị trường tăng mạnh nhất thế giới. Còn giá nhà đất tại nhiều khu vực đã tăng gấp hai, gấp ba lần trong một năm trở lại đây. Nếu một dòng vốn lớn đã chạy vào các tài sản này, điều từng diễn ra trong quá khứ, sẽ càng làm tăng nguy cơ nợ xấu của ngân hàng, vốn đã tăng đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh hơn một năm qua.
Dù tín dụng kể từ đầu năm nay vẫn tăng khả quan, nhưng với nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận vốn ngân hàng vẫn không ít khó khăn. Đặc biệt, mỗi khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nguy cơ trong nền kinh tế gia tăng, không ít ngân hàng lại thắt chặt điều kiện cho vay, nhằm chủ động giảm thiểu rủi ro cho tín dụng.
Các doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính tốt, có nhiều giải pháp để tìm nguồn vốn khác, như phát hành trái phiếu, cổ phiếu và được các ngân hàng chấp nhận cho vay. Ngược lại, doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn dễ bị tổn thương trước các rủi ro của nền kinh tế, không thể đa dạng hóa nguồn vốn kinh doanh, lại càng gặp nhiều hạn chế để tiếp cận dòng tín dụng từ ngân hàng, dù đây luôn được xem là một trong các nhóm khách hàng được ưu tiên cấp tín dụng.
Thời gian qua, NHNN đã có không ít giải pháp để điều tiết dòng vốn tín dụng chảy vào sản xuất, các nhóm khách hàng ưu tiên và cần hỗ trợ, hạn chế rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Nhưng trong bối cảnh các thị trường này đang tăng trưởng mạnh, lãi suất cho vay lại cao hơn nhiều so với các phân khúc khách hàng khác, các ngân hàng ít nhiều không thể ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Minh Tú