Bức thư tình gửi Sài Gòn của một nhà thơ người Mỹ
(DNTH) - Dưới tán chò nâu Sài Gòn là tuyển tập bút ký điền dã của một nhà thơ, nhà báo người Mỹ viết về Sài Gòn, được xuất bản dưới dạng sác...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2022/05/buc-thu-tinh-gui-sai-gon-cua-mot-nha.html
(DNTH) - Dưới tán chò nâu Sài Gòn là tuyển tập bút ký điền dã của một nhà thơ, nhà báo người Mỹ viết về Sài Gòn, được xuất bản dưới dạng sách song ngữ.
Tuyển tập gồm 8 đoản khúc, xoay quanh những điều bình dị như cây chò nâu, tiệm tạp hóa, lục bình, sở thú… cho đến những chủ đề "khó nhằn" như tục thờ cá Ông, đồn điền cao su, nghề nấu rượu… Tất cả được viết bằng giọng văn vừa dí dỏm, khoa học nhưng không kém phần thơ mộng.
Nhà thơ Paul Christiansen sinh năm 1986, quốc tịch Mỹ, tốt nghiệp cử nhân Đại học St Olaf và có bằng thạc sĩ nghệ thuật Đại học Quốc tế Florida (Mỹ).
Nhà thơ Paul Christiansen có thời gian sống và trải nghiệm ở Sài Gòn.
Nhận học bổng chương trình Fulbright, anh sang Quy Nhơn năm 2015 rồi sau đó chuyển hẳn đến Việt Nam làm việc. Anh hiện là Giám đốc Nội dung của tạp chí Saigoneer và đang miệt mài chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Thơ của Paul Christiansen đã xuất hiện trên các tạp chí văn học nghệ thuật uy tín như Atlanta Review, Pleiades, Quarter After Eight, Threepenny Review, Zone Three và đã đoạt hai giải thưởng thi ca của Viện hàn lâm Thi ca Mỹ.
Dưới góc nhìn của một nhà thơ, tình yêu đối với Sài Gòn hiện lên qua từng trang viết. Vốn là người yêu thiên nhiên và thơ ca, dễ thấy rằng Paul Christiansen đặc biệt quan tâm đến những điều tạo nên nét đẹp mộc mạc, bình dị của mảnh đất hình chữ S. Tác giả tìm thấy cảm hứng từ việc đi dạo dưới bóng cây râm mát của sở thú, trăn trở về cá voi ngoài đại dương lẫn những con thú bị nhốt trong chuồng, thích thú ngắm nhìn lục bình trôi và những quả chò nâu xoay vòng trong gió…
Những bài viết của Paul Christiansen độc đáo ở chỗ có sự đan xen giữa óc quan sát tinh tế của một nhà thơ và góc nhìn chuyên sâu của một nhà nghiên cứu về những cảnh quan, nghi lễ, sự thật lịch sử vẫn còn bị dân bản địa thờ ơ.
Hai bài viết đầu tiên, Sở thú Sài Gòn, Tạp hóa và cửa hàng tiện lợi, đưa người đọc tái khám phá những địa điểm quen thuộc dưới một lăng kính mới. Trong mắt nhà thơ người Mỹ, ngay cả những dây dầu gội, sữa tắm treo trước các tiệm tạp hóa trông thật lạ lẫm, được anh ví như "rêu bằng nhôm mọc trên cây hay những tấm màn bằng xâu chuỗi để che hậu cảnh".
Nhưng Paul Christiansen không chỉ khám phá Việt Nam qua những điều mà ai cũng dễ dàng nhìn thấy. Nghề nấu rượu, Tục thờ cá Ông, Đồn điền cao su Việt Nam… khai thác những chủ đề tưởng chừng khô khan, khó nhằn thậm chí đối với người bản địa.
Nghề nấu rượu xoay quanh món rượu gạo truyền thống của Việt Nam và những thăng trầm mà người làm rượu theo cách thủ công phải trải qua trong suốt thời kỳ Pháp đô hộ.
Tục thờ cá Ông viết về tín ngưỡng thờ cúng cá voi ở các làng chài Việt Nam, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, đồng thời cũng là nỗi băn khoăn của tác giả trước thực tế cá voi đang dần tuyệt chủng.
Đồn điền cao su điểm lại một trang sử bi thương của người Việt Nam, nhìn thẳng vào hệ quả hậu thuộc địa mà các nước thực dân gây ra.
Bảo tàng Địa chất, Lục bình, Chò nâu Sài Gòn viết về những vật, những người vẫn luôn ở đó nhưng dễ bị lãng quên giữa guồng quay cuộc sống: một bảo tàng khiêm tốn nằm ở góc quận 1, thảm xanh lục bình trôi trên sông, hay vẻ đẹp của cây chò nâu mọc ven đường…
Dưới Tán Chò Nâu Sài Gòn là tập bút ký dành cho người yêu Sài Gòn, yêu Việt Nam, và cả những người muốn yêu lại từ đầu với thành phố, với mảnh đất này…
"Trong khi tản bộ xuống đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi chợt thấy một thác chò đổ tuôn sau cơn gió hè. Những quả khô bay vòng vèo xuống rồi đáp bất lực trên nền bê tông. Vô phương bám rễ, những đôi cánh xụi lơ, giống như vây cá voi sát thủ yếu quặt vì bị giam cầm. Có một thứ gì đó trong tôi cũng tả tơi như thế".
Hay "Tôi đến viếng bàn thờ cá Ông và thắp một nén nhang cầu xin cho cá voi được trường tồn, cho làng chài được sung túc và cho những ao ước riêng tư của mình thành hiện thực – những khát vọng này không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Khói nhang bay tỏa lên không trung, giống như tiếng hát cá voi vang vọng vào cõi tĩnh lặng lúc nó ngoi lên từ vực nước thẳm sâu".
Chịu trách nhiệm chuyển ngữ tập bút ký của Christiansen là Trần Thị NgH - nữ văn sĩ từng gây tiếng vang với những truyện ngắn được viết trước 1975. Năm 2012, nhiều truyện ngắn của Trần Thị NgH được tập hợp lại thành sách và giới thiệu với độc giả trong nước, như Nhà có cửa khóa trái, Lạc đạn, Nhăn Rúm và các truyện ngắn khác. Vào năm 2018, tác phẩm gần đây nhất của bà là Ác tính được xuất bản, gây xôn xao văn đàn.
Vắng bóng một thời gian trong tư cách người cầm bút, Trần Thị NgH bất ngờ trở lại với cuốn sách Dưới Tán Chò Nâu, nhưng trong một vai trò mới: dịch giả.
Bà cũng là người biên dịch nhiều tác phẩm của John Steinbeck, Anton Chekhov, Paolo Giordano, Franck Thilliez, Guillaume Musso..
Về việc dịch tác phẩm này, bà cho biết: "Thách thức trong khi dịch Paul Christiansen không chỉ đòi hỏi nỗ lực Việt hóa tác phẩm sao cho không còn là văn dịch đồng thời đảm bảo trung thực ý nghĩa từng câu chữ so với bản gốc, mà còn phải làm thế nào để giữ cho được cái giọng châm biếm ở nhiều ngữ cảnh của tác phẩm, đặc biệt giọng văn rất thơ của tác giả".
Sách do Phương Nam Book và NXB Thế giới liên kết xuất bản.
Minh Tuyền