“Cò” đất lộng hành “thổi” giá bất động sản: Chuyên gia lo ngại “sốt” đất quay trở lại
(DNTH) - Chủ tịch HoREA - ông Lê Hoàng Châu cho rằng "sốt ảo giá đất” đi đôi với hoạt động “đầu cơ” nhà, đất đang có dấu hiệu quay trở ...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2022/05/co-at-long-hanh-thoi-gia-bat-ong-san.html
(DNTH) - Chủ tịch HoREA - ông Lê Hoàng Châu cho rằng "sốt ảo giá đất” đi đôi với hoạt động “đầu cơ” nhà, đất đang có dấu hiệu quay trở lại thị trường bất động sản ngay trong 2 tháng đầu năm 2022 cần được các địa phương quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời.
Xuất hiện tình trạng "thổi giá" gây "sốt ảo"
Ngay sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản, đặc biệt là đất nền, ở nhiều địa phương đã diễn ra khá sôi động. Cá biệt, có nơi đã xuất hiện tình trạng "thổi giá" gây "sốt ảo", nhiễu loạn thị trường.
Cụ thể, tại Hà Nội, thông tin triển khai tuyến đường Vành đai 4 đã khiến đất đai các huyện vùng ven trung tâm như Hoài Đức, Quốc Oai, Thường Tín, Mê Linh, Sóc Sơn nóng lên. Các nhà đầu tư đổ về các khu vực này “săn đất”. Khoảng 2-3 tháng gần đây, giá có sự tăng mạnh khoảng 30-40% so với 2-3 năm trước. Cụ thể, tại Kim Chung - Di trạch của huyện Hoài Đức, giá dao động từ 80-110 triệu đồng/m2.
Còn tại Quảng Trị, cơn sốt tại TP Đông Hà vừa lắng xuống thì đợt sốt mới lại xuất hiện ở thị trấn vùng biên Lao Bảo, giá khu tái định cư Tân Thành - Lao Bảo bất ngờ tăng gấp đôi.
Trong văn bản của UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương về việc đánh giá, kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý thị trường bất động trên địa bàn tỉnh.
Địa phương thừa nhận tại các khu vực dự kiến thực hiện dự án khu dân cư, khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp đã xuất hiện các hoạt động đầu cơ bất động sản gây sốt ảo, có hiện tượng thổi giá làm cho giá trị khu đất không đúng với giá thị trường.
Bên cạnh đó, có dấu hiệu nhà đầu tư tổ chức huy động vốn chuyển nhượng chưa đúng quy định của pháp luật, thổi phồng để quảng cáo, rao bán khi chưa đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư cơ sở hạ tầng cho dự án.
Tương tự, tỉnh Vĩnh Phúc có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Chỉ thị nêu rõ, gần đây tại các khu vực có quy hoạch xây dựng, dự kiến thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp… có dấu hiệu hoạt động đầu cơ mua đi bán lại đất đai, bất động sản gây "sốt ảo" trên thị trường.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật; quảng cáo, rao bán sản phẩm của dự án khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục gây ảnh hưởng đến thị trường, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hải Phòng, Gia Lai... đã lần lượt ban hành các văn bản, chỉ đạo siết chặt hoạt động liên quan đến chuyển nhượng, kinh doanh, thu thuế bất động sản.
Theo báo cáo thị trường bất động sản tháng 2 của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở hầu hết loại hình so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, loại hình đất, đất nền chứng kiến cả mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán tăng ở nhiều địa phương.
Chỉ ra một trong những nguyên nhân gây nên các cơn sốt cục bộ đó là việc thiếu hụt nguồn cung, nhiều ý kiến đề nghị sớm giải quyết nút thắt này để tháo gỡ cho thị trường. "Mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung - cầu", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định.
Lo ngại gây ra hệ quả tiêu cực đến thị trường
Trước những diễn biến của thị trường bất động sản trong 2 tháng đầu năm nay, ông Lê Hoàng Châu nhận thấy rằng “sốt ảo giá đất" đi đôi với hoạt động "đầu cơ" đang có dấu hiệu quay trở lại.
"Các địa phương cần quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời các "đầu nậu", "cò đất", "cò nhà", doanh nghiệp "bất lương" để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản", ông Châu cảnh báo.
Đánh giá về thị trường bất động sản năm nay, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường bất động sản năm nay có xu thế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại tại tất cả các phân khúc, nhưng chưa thể cải thiện được ngay nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá phù hợp với thu nhập.
"Mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung - cầu. Thị trường đang rất thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với thu nhập và nhà ở xã hội nhưng lại có dấu hiệu dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng", ông Châu nói thêm.
Cũng theo Chủ tịch HoREA, thị trường bất động sản năm nay sẽ chịu những tác động trực tiếp từ các bất ổn định chính trị và tranh chấp thương mại quốc tế, do nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, bất động sản cũng phải chịu rủi ro từ vấn đề lạm phát và chỉ số CPI tăng cao. HoREA phân tích, các tác động khó lường từ bên ngoài và gói kích thích kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội giá trị hơn 350.000 tỷ đồng cũng gây ra rủi ro tiềm ẩn làm gia tăng lạm phát, tăng chỉ số CPI cao hơn mức mục tiêu trong năm nay.
Tuy nhiên, việc phần lớn gói kích thích kinh tế dùng để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, trong đó có khoảng 15.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội và hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động đã hạn chế "rủi ro" nguy cơ lạm phát.
Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và việc kiểm soát ngày càng chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Điều này sẽ tác động rất lớn, trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của thị trường bất động sản và cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong những yếu tố tác động lớn tới thị trường nữa chính là việc triển khai các dự án phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng quốc gia. Đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm như tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến cao tốc nối TP.HCM đến Cà Mau và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc và các tuyến đường vành đai Thủ đô Hà Nội, TP.HCM sẽ tạo điều kiện để phát triển kinh tế, phát triển đô thị, các khu dân cư mới và sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản hơn nữa kể từ năm 2022.
"Có thể nói "giao thông, giao thông và giao thông" là nhân tố giữ vai trò quyết định sự bứt phá của nền kinh tế và thị trường bất động sản", ông Châu nhấn mạnh.
Nguyên Minh