Mẹ Rừng và hành trình bảo vệ nguồn sống
(DNTH) - Có khá nhiều phim tài liệu về đề tài bảo vệ Rừng. Cũng không hiếm những thước phim về người Cơ Tu ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) – m...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2022/06/me-rung-va-hanh-trinh-bao-ve-nguon-song.html?m=0
(DNTH) - Có khá nhiều phim tài liệu về đề tài bảo vệ Rừng. Cũng không hiếm những thước phim về người Cơ Tu ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) – một cộng đồng vẫn luôn gìn giữ và bảo vệ rừng từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, Mẹ Rừng là bộ phim tài liệu sinh thái đầu tiên về người Cơ Tu, được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng bản địa – một ngôn ngữ độc đáo đang có nguy cơ mai một. Đây cũng là một trong những tác phẩm do Tổ hợp truyền thông My VietNam thực hiện, nhằm chào mừng Năm du lịch Quốc gia – Quảng Nam 2022 nói chung và Ngày hội văn hóa Cơ Tu nói riêng, sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19.6.
Không giống như nhiều phim tài liệu khác, Mẹ Rừng hoàn toàn không có hình ảnh về nạn phá rừng hay những con số về diện tích rừng tự nhiên bị mất trên thế giới ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Mẹ Rừng mở đầu ấn tượng với hình ảnh kỳ vĩ của những cánh rừng nguyên sinh nghìn năm tuổi, xanh mát như một dải lụa, nằm vắt trên đỉnh núi Zi’liêng. Đó chính là “Vương quốc Pơ mu” của người Cơ Tu.
Nhiều đời nay, cộng đồng người Cơ Tu ở vùng biên viễn Quảng Nam vẫn rất tự hào về rừng và nghiêm cấm những ai xâm hại đến mẹ rừng. Họ xem những cây cổ thụ lâu năm như những vị thần. Người Cơ Tu hiểu rằng, họ sống được là nhờ những búp măng tươi, những con cá suối, những cây rau rừng làm phong phú bữa ăn lẫn làm thuốc trị bệnh… Đó là lý do, ngay từ khi khởi thủy ở vùng đất này, người Cơ Tu đã ra quy định cho dân làng: Chỉ được khai thác những cánh rừng nào đã cho phép làm nương rẫy, săn bắn…
Trong vô số những cây Pơ mu lâu năm ở đây có A’Vụa (hay còn gọi là già A’Vụa), hình dáng như con rồng, tuổi đời hơn 1.000 năm tuổi, được xem là biểu tượng cho sức sống của vùng đất trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử này. Ngoài già A’Vụa còn có già A’Mộ, hình dáng như con hổ. Cả hai đều được người dân tôn kính như Thần Cây phù hộ, bảo vệ dân làng.
Sự trường tồn của già A’Vụa và già A’Mộ qua năm tháng phần nào nhờ vào sự gìn giữ của người Cơ Tu. Với người dân làng nơi đây: “Chỉ được sử dụng những cây ngả, đổ để làm củi hay quan tài, còn những cây còn sống thì tuyệt đối không được phép đụng vào!”. Củi với người Cơ Tu không chỉ dùng để nấu ăn, sưởi ấm trong mùa đông… mà còn một nhiệm vụ linh thiêng nữa là sưởi ấm cho người chết trước khi đưa xuống mồ. Trong văn hóa của người Cơ Tu, cây cối hay củi đều có linh hồn như con người.
Sự tồn tại của rừng rất quan trọng đối với người Cơ tu trên nhiều khía cạnh tín ngưỡng và nhân sinh. Đây là triết lý và là cách ứng xử bao đời của người Cơ Tu đối với mẹ rừng, với môi trường tự nhiên. “Sống rừng nuôi, chết rừng chôn”. Niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo đó đã giúp họ bảo tồn và phát triển những khu rừng nguyên sinh trong quá trình lịch sử tộc người.
Cũng chính vì tình yêu và tín ngưỡng thờ thần Rừng của người Cơ Tu mà ekip Mẹ Rừng đã chọn Lễ khai năm – Tạ ơn Rừng để làm bối cảnh chủ đạo, xuyên suốt 22 phút của phim. Lễ hội là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào người Cơ Tu, được tổ chức vào những ngày đầu năm mới. Ngoài việc khai năm cầu may, lễ Tạ ơn rừng cũng chính là nguyện ước của người Cơ Tu, mong cho mùa màng bội thu, mong cho sức khỏe đầy đủ, không thiên tai, dịch bệnh… Và nhất là mong cho khu rừng vẫn vững chãi thêm từng ngày! Tuy có phần hơi đáng tiếc vì năm nay do dịch bệnh COVID-19 nên lễ hội có quy mô nhỏ. Dẫu vậy, người xem vẫn khá thích thú và bị cuốn theo từng điệu múa Da Dá của những phụ nữ, từng nhịp nhảy Tân Tung của đàn ông trong làng… hòa trong tiếng trống, tiếng chiêng và âm thanh của núi rừng xung quanh… Trải qua từng hình ảnh, từng lời chia sẻ, từng nét văn hóa của lễ hội Tạ ơn Rừng… người xem có thể hiểu được lý do vì sao người Cơ Tu lại yêu thương khu rừng của họ đến thế. Rừng vừa là nguồn cội đồng thời là nguồn sống của con người. Đó là lý do để con người và tự nhiên phải sống hài hòa cùng nhau, không thể tách rời!
Ngoài tín ngưỡng thờ thần rừng, phim tài liệu Mẹ Rừng cũng giúp người xem hiểu thêm về văn hóa tâm linh của người Cơ Tu. Họ coi hình tượng con Gà trống (tiếng Cơtu là A tưch) như một linh vật đem lại sự may mắn, bình an cho thôn làng. Khi dựng Gươl hay cổng làng, người dân đều tạc tượng gà và đặt ở vị trí cao nhất để bày tỏ sự kính trọng, biết ơn, đồng thời thể hiện ước mơ vươn cao, vươn xa, cuộc sống ngày càng ấm no.
Điểm đặc biệt nhất của Mẹ Rừng có lẽ là ở chỗ phim chọn ngôn ngữ chính cho câu chuyện bằng tiếng Cơ Tu. Những khó khăn trong việc phiên dịch và thấu hiểu tiếng Cơ Tu, nhất là tiếng Cơ Tu cổ được bù đắp lại bởi vẻ đẹp của một thứ ngôn ngữ độc đáo đang bị mai một và cần được gìn giữ, bảo tồn này. Chính việc để cho ngôn ngữ Cơ Tu vang lên trong suốt chiều dài của bộ phim, càng làm cho câu chuyện của Mẹ Rừng ý nghĩa. Ý nghĩa không chỉ đối với người Cơ Tu hôm nay mà cho thế hệ trẻ người Cơ Tu nói riêng và người Việt nói chung sau này. Bởi tiếng nói và chữ viết chính là linh hồn của mỗi dân tộc, là công cụ tốt nhất để bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.
Với thời lượng 22 phút, có lẽ là quá ngắn để Mẹ Rừng chuyển tải hết câu chuyện giữ rừng của người Cơ Tu. Vẫn còn nhiều kỳ vọng và chờ đợi mà khán giả muốn gửi gắm ở bộ phim. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, Mẹ Rừng đã mang đến cho khán giả một thước phim chỉn chu, đầu tư về mặt hình ảnh với những khung hình đẹp mắt, tiết tấu nhanh gọn, hấp dẫn, cách dàn dựng mới lạ… là một điều đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, những thông điệp ý nghĩa mà Mẹ Rừng chuyển tải đến khán giả cũng là những điều đáng ghi nhớ về phim.
Mẹ Rừng đã gieo vào lòng thế hệ trẻ một tình yêu sâu sắc về văn hóa truyền thống, góp phần truyền lửa cho người xem về việc chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ cây rừng. Ngọn lửa ấy chính là hình ảnh ngọn lửa của lễ hội Tạ ơn Rừng mà ekip đã “cài cắm” ở đầu phim. Ngọn lửa ấy tượng trưng cho sự ấm áp, tươi vui, đầy hy vọng mà Mẹ Rừng gửi đến người xem.
Không “đao to búa lớn”, phần kết của Mẹ Rừng không có những “khẩu hiệu” mà chỉ có những chia sẻ chân tình, những lời tri ân từ đáy lòng của người Cơ Tu về những gì mà rừng đã ban cho họ. Và sau những lời nhắc nhớ ấy là hình ảnh bước chân của người Cơ Tu tiếp tục tiến vào rừng, như nói thay cho lời kết: người Cơ Tu vẫn bền bỉ đời trước truyền đời sau, gắn bó với Rừng, gìn giữ rừng và những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, như những tán cây cổ thụ bao đời vẫn bám chặt trên dải đất Trường Sơn.
Minh Tuyền