Đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh: Tâm bớt tạp niệm, bỏ bớt ảo vọng, hạnh phúc sẽ hiện ra

(DNTH) - Đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh bất ngờ trở lại sau thời gian dài hơn 10 năm “mất tích” để tìm lại hạnh phúc bên trong, thư thái an n...

(DNTH) - Đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh bất ngờ trở lại sau thời gian dài hơn 10 năm “mất tích” để tìm lại hạnh phúc bên trong, thư thái an nhiên cùng thi họa mang triết lý Rỗng – gần với “Tánh không”.


Đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh được biết đến với cá tính nổi bật qua nhiều phim điện ảnh và truyền hình cùng nhiều chương trình ca nhạc lớn trong quãng thời gian khoảng hơn 10 năm về trước. Trong một số phim, anh có tham gia đóng chính.

Đoàn Quang Anh Khanh từng được mệnh danh là một đạo diễn mát tay khi thực hiện các chương trình giải trí và phim ảnh. Đình đám nhất là anh làm đạo diễn cho chương trình âm nhạc Duyên dáng Việt Nam, Lễ hội trâu vàng chào SEA Games 22, Đêm Sài Gòn và các bộ phim điện ảnh cũng như truyền hình Tình cha, Cổng địa ngục, Chàng Sửu làm du lịch…

Năm 2011, bộ phim có tựa rất đặc biệt Thằng trớt wớt”(3 tập) do Đoàn Quang Anh Khanh đạo diễn phát sóng vào dịp Tết được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Đây là bộ phim mang triết lý sống đơn giản mà nhân văn, mang tính giáo dục. Trong phim này, Đoàn Quang Anh Khanh đảm nhận luôn vai chính Trần Wớt, một nhân vật gặp phải những chuyện dở khóc dở cười trong cuộc sống nhưng có một trái tim nhân hậu, nhờ đó mà Trần Wớt đạt được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, giới showbiz Việt biết đến vị đạo diễn này bởi anh nổi danh với sự nghiêm khắc trong nghề nghiệp khiến nhiều sao Việt phải e dè, một số sự vụ, đạo diễn mạnh tay cắt vai của một số diễn viên chính do không chịu được thói quen đi trễ, đỉnh điểm có phim Đoàn Quang Anh Khanh đầu tư tốn kém nhưng đã chọn cái kết nghiệt ngã là không làm hậu kỳ và không cần công chiếu.

Sau bộ phim “Thằng trớt wớt” công chiếu hồi Tết năm 2011, đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh đã “mất tích”, hầu như không ai biết anh đang đi đâu, làm gì. Thỉnh thoảng, bạn bè còn giữ kết nối trên mạng xã hội thấy đạo diễn một mình xách ba lô đi khoảng vài chục quốc gia khác nhau trên thế giới.

Đột ngột trở lại với công chúng Việt trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2022, Đoàn Quang Anh Khanh không trở lại phim trường, chẳng có dự án điện ảnh hay truyền hình nào mới, mà bất ngờ giới thiệu tới người đọc một tuyển tập thi họa “nặng ký” mang triết lý Rỗng – gần với “Tánh Không”.



Lý giải về cái tựa sách chỉ một chữ Rỗng, Đoàn Quang Anh Khanh cho hay: “Hạnh phúc, an yên là căn bản, cốt lõi mà vũ trụ đã ban cho loài người nhưng ngày nay loài người tự đánh mất nó, là vì ham lao vào những cuộc đua, thi nhau chế tác niềm vui, cố gắng đoạt lấy mọi thứ, giữ chặt mọi thứ. Tất cả những thói quen đó sẽ tạo nên những “đám mây rác” trong não, làm chật ngôi nhà tâm trí. Cần phải biết lựa chọn để “Rỗng” bớt lại thì hạnh phúc thật sự mới lộ diện”.

Tác giả Đoàn Quang Anh Khanh tâm sự về tuyển tập thi họa “Rỗng”:

Triết lý thiền của anh mang tính chất tự suy nghiệm từ đời sống, với hành trình dài trải qua nhiều bài học lớn và bước qua những vấp váp để thành công chứ không phải thiền theo kiểu học được từ sách vở khô cứng hoặc lặp lại kiến thức của người khác. Thưa tác giả, xin anh giải thích kỹ hơn về quan niệm “Rỗng” trong tuyển tập thi – hoạ Rỗng mà anh vừa cho ra mắt?

Nói về thiền, tôi xin không bàn sâu vì đã có quá nhiều trường phái, sách vở (thiên kinh vạn quyển) nói rồi. Còn chứng ngộ được hay không tùy thuộc vào cơ duyên, căn cơ của từng người. Với tôi, Thiền là phương pháp triệt tiêu cái tôi, cái ngã, đưa tâm trí về tánh không, quay về tìm lại sự an lạc từ bên trong, đơn giản vậy thôi.

Chia sẻ về khái niệm “Rỗng”, với tôi nhân loại ngày càng trở nên chật chội về không gian sống, cũng như tâm trí của con người ngày càng phức tạp một cách tinh vi, nhiều suy nghĩ buồn đau và rối rắm. Cho nên cần lắm không gian trống trong ngôi nhà của chính mình, cần nhìn ngắm bầu trời, sân vườn và cái chính là tâm trí cũng cần vệ sinh, dọn dẹp gọn gàng trong từng nếp nghĩ để tâm bớt tạp niệm, những nghĩ suy vẩn vơ, ảo vọng…

Tôi cho rằng nếu mình tập sống trong tĩnh lặng, thì chắc chắn sẽ tìm thấy sự an yên của tâm hồn, hạnh phúc sẽ lộ diện không cần phải nỗ lực tìm kiếm, vì nó đã có sẵn sâu tận trong tâm của chúng ta, nó luôn có ở đó. Khi có được sự an nhiên, vui vẻ mà mình cứ một mình đi vào cõi riêng tận sâu từ bên trong, để sống với niềm hoan hỷ của chính mình thì đấy sẽ là một lựa chọn tối ưu.

Tôi nhận thấy, khuynh hướng tâm trí con người đa phần là muốn đoạt được, muốn sở hữu, muốn nắm giữ. Nên tôi mới đưa ra thông điệp “rỗng” thông qua thơ ca và hội hoạ. Hội họa và thơ ca, nó như một sợi dây kết nối chính mình với cộng đồng. Tôi muốn diễn tả cái thông điệp về sự trống không (không dáng vẻ, không hình tướng), sự xa rời với tâm trí, đưa mình về với “Tánh không”.

Bởi vì tâm trí con người mỗi ngày có thể sản sinh tới hàng chục ngàn đến mấy chục ngàn ý nghĩ, nó luôn làm chật chội não bộ, đầu óc rối xoắn, dễ sinh ra stress. Chỉ riêng việc dọn dẹp ý nghĩ, làm rỗng trống không gian của tâm trí, bớt đi những vọng tưởng, ảo ảnh… thì cần phải hướng đến tu tập mới mong tâm trí có trạng thái thong dong được.

“Rỗng” không phải là không làm gì cả, hoặc không phản ứng gì cả trước mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống. Tôi không cổ súy cho sự vô minh, cố chấp mà là hướng về cái lẽ tự nhiên, tránh cho tâm trí bớt sinh ra tạp niệm, ý nghĩ rác rưởi của những khổ đau, tránh bớt việc cố đoạt lấy, cố cầm giữ, ra sức chiếm hữu… bớt đi những thứ đó thì an lạc, hạnh phúc mới sinh ra.



Trên nền tảng đó, tôi không bị một áp lực nào hay có bất cứ một động cơ nào để phải xây dựng tên tuổi của mình, cái chính là tôi muốn chia sẻ cách thức để rũ bỏ bớt đi những tạp niệm trong tâm trí mà thôi. Người ta thường nhầm tưởng rằng có danh tiếng, quyền lực thì sẽ có hạnh phúc, hoặc có nhiều tiền, lắm của hoặc có chồng thông minh, vợ giỏi giang, bồ xinh thì sẽ hạnh phúc. Nó hoàn toàn không như bạn nghĩ mà trái lại có khi còn khổ đau hơn nhiều.

Hạnh phúc luôn ở đó, trong tâm trí của mỗi chúng ta, không cần phải nỗ lực tìm kiếm những cuộc vui bên ngoài. Thực chất, tất cả những thứ đó là niềm vui, chúng ta chỉ có thể lên kế hoạch rượt đuổi niềm vui nhưng không thể sắp xếp, kế hoạch để có được hạnh phúc, vì hạnh phúc nó đến không cần lý do, mà nó cần sự an yên, tĩnh lặng.

Giả sử chiều nay có một cuộc vui thì có thể có được niềm vui tạm thời khi gặp gỡ bạn bè, nhưng hạnh phúc thì không thể chế tác, nó đến từ bên trong, sẽ tự đến khi mình dọn dẹp sạch sẽ cho tâm trí của chính mình. Chỉ khi dọn dẹp sạch sẽ tâm trí thì an nhiên, hạnh phúc sẽ lộ diện. Cũng như khi mặt hồ yên ả thì nước trong hồ mới trong veo giúp cho ta thấy được mọi thứ trong hồ, thấy được tất cả chân tướng của cuộc đời. Tuệ giác sẽ sinh ra từ tâm trí trong trẻo ấy, hãy buông rơi xuống những vọng tưởng đi và hạnh phúc sẽ có mặt ngay.

Sau khi tham thiền để trở về “Tánh Rỗng”, dường như cá nhân anh đã tìm được con đường đúng để đi, đó là tìm về với bản thể Hạnh phúc ở tận sâu bên trong mỗi con người chúng ta, nên anh đang rất hào hứng chia sẻ điều này với nhiều người để có thể cùng nhau đạt tới niềm hân hoan đó?

Câu chuyện ở đây không thể nói đúng đường hay sai đường, ai cũng có cuộc đời, ai cũng có lối đi về… nhưng cơ bản chúng ta đi như thế nào? Bằng con đường nào để có được sự thong dong và an yên trên chuyến hành trình trở về ấy, thế mới đáng để suy ngẫm. Tôi thiết nghĩ với nhiều người luôn mắc phải những suy nghĩ định kiến, những giáo điều khuôn mẫu và tâm trí của họ hay bị mắc kẹt trong các hệ quy chiếu sáo rỗng, cấu trúc của những luận lý so sánh khập khiễng, và như thế đường về sẽ chông gai và tâm can sẽ mệt nhoài.

Ngày xưa, người ta dạy nhau cách săn bắn, hái lượm, tìm kiếm thức ăn. Thời bây giờ trong xã hội 4.0 để đạt tới thành công, người ta mở đủ trường, dạy đủ kiểu nhằm đạt được những mưu cầu, khát vọng trong cuộc sống, đạt được nhiều vật chất, được nhiều quyền lợi, phải có được quyền lực trong tay… Và như thế sinh ra đủ loại chiêu trò, mưu lược nhằm đạt được những thứ kể trên, nên tâm trí con người ngày càng khổ đau hơn nhiều, mặc dù vật chất, thiết bị máy móc có thể dư thừa và hiện đại. Cho nên bạn thấy đấy, không có một ngôi trường nào dạy cho con người hạnh phúc cả. Họ đề cao thành quả đạt được vật chất hơn là sự giàu có về tâm hồn, hạnh phúc của tâm trí, nên khổ cứ chồng khổ vậy đấy. Ai lớn lên cũng tự động bị guồng chảy này đẩy vào những “đường đua”. Vì mọi người thường “đánh tráo khái niệm” là đạt được những thứ như thành công tiền bạc, địa vị, vật chất… là sẽ có được hạnh phúc. Nhưng thực ra kể cả người về nhất hay về nhì chưa chắc đã hạnh phúc, còn những người về chót thì chắc chắn là khổ đau nhiều rồi trong cuộc đua bể dâu này.


Khi bạn đạt được những thành quả đó chỉ là hình ảnh bóng bẩy của bạn trong mắt người khác thôi, vật chất cũng chỉ là thứ nằm ngoài thân xác. Bạn đang tham gia vũ hội của đám đông, bạn đang tham gia trò chơi, có khi lại là quân cờ nữa cơ chứ! Bạn còn chưa được tham dự vũ hội của chính mình, chưa đóng vai đúng trong cuộc đời của chính bạn, chưa có những phút giây thực sự trở về với chính mình, quay vào tận sâu bên trong chính tâm trí của bạn, hạnh phúc và miền hoan lạc đang ngự trị ở đó. Xã hội được tạo ra với cơ chế đua chen, tranh giành chiếm hữu. Trong khi hạnh phúc thực sự chỉ là khi quay về với sự bình yên bên trong, chỉ khi “Rỗng” sạch đi cái bản ngã ngớ ngẩn kia thì an nhiên mới xuất hiện.

Rỗng không phải là không làm gì cả mà là làm những thứ thuần khiết và làm trong trạng thái hồn nhiên, hết mình với đam mê lý tưởng, nhưng đừng quá nỗ lực cầu mong. Hãy nhảy điệu nhảy của chính bạn, sống với vũ hội của chính mình, trong vai diễn của chính bạn, không cần chạy theo bất cứ một cuộc đua với bất kỳ ai khác, đừng so sánh thiệt hơn vậy thôi.

Được biết anh đã rời bỏ showbiz Việt hơn 10 năm nay. Xin anh cho biết anh đã đạt tới sự “Rỗng” từ bao giờ? Thời điểm đó cách bao lâu sau khi anh rời khỏi giới showbiz Việt?

Ngày trước, nếu tôi có được người dẫn dắt thực sự về mặt tâm linh thì tôi sẽ sớm quay về tìm thấy bản ngã của chính mình. Nhưng là vì tôi tự mò mẫm, tự dò đường đi nên cũng qua nhiều cung bậc truân chuyên lắm mới thấy được an yên trong tâm. Nếu tu tập đúng cách, tinh tấn trong chánh pháp mình lựa chọn, thì dù có ở trong thị phi, nhiễu nhương bạn cũng sẽ chứng ngộ. Nhưng vì thời điểm đó tôi không đủ năng lực, không ai chỉ đường nên tôi phải bước ra ngoài showbiz mới có thể tu tập, tìm nơi vắng lặng để hành thiền mới dễ lắng lòng được, nên hôm nay cũng đã rũ bỏ bớt đi lo sợ, phiền não để cho ra mắt tuyển tập thi – hoạ Rỗng. Đấy cũng là một cơ duyên dễ thương giữa cuộc đời trần trụi này!

Tôi thấy không chỉ showbiz mà bất kể thị trường nào, thế giới nào đi nữa trong cái ta bà này, cả cuộc đời này, cái được và cái mất luôn là hai mặt của đồng xu. Giả sử nếu bây giờ tôi có ít của cải hay tài chính đi nữa, tôi cũng không khổ đau như ngày xưa lúc chưa tỉnh thức, chưa tìm được sự rỗng của tâm trí thì chắc chắn sẽ bộn bề và khổ sở lắm. Nếu đã dọn dẹp được tâm trí thì nghịch cảnh có tới, mình cũng dễ dàng chấp nhận nó và thành công có tới thì mình cũng coi đó là điều điều nhẹ nhàng, mọi thứ luôn thuộc về dòng chảy bao la ngoài kia.

Anh có một sự đảm bảo về tài chính có thể thấy rõ. Liệu có phải nền tảng tài chính này đã được tạo ra chính từ khi anh “cởi” chiếc áo đạo diễn, xa lánh giới showbiz với các chương trình và các bộ phim nhiều ngôi sao?

Ở đây tôi không muốn so sánh mình với bất cứ ai, cũng không muốn so sánh con đường này với con đường khác. Tôi cũng không thể biết được nếu tôi còn ở lại trong giới showbiz đến giờ có khi tôi lại gặt hái được nhiều thành quả hơn thì sao? Tôi không thể nói rằng vì nhờ rời xa giới showbiz mà tôi có ngày hôm nay.

Chỉ đơn giản là đến lúc đã phải tu tập thiền định thì dòng chảy an yên sẽ tuôn trào. Hạnh phúc mới là điều cần của cuộc đời này, còn mọi thứ cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Tôi chỉ có thể nói là từ khi thiền để trở về “tánh không” thì tôi chủ động hơn, cân bằng hơn, có thể làm bất cứ điều gì mà mình thích và thấy được bóng dáng của an yên, hạnh phúc của tự do. Đây cũng là đang trên đường diệt đi cái bản ngã, cái tôi của bản thân mà thôi. Tôi bây giờ không còn “ngủ mê” như ngày xưa nữa, tôi hạnh phúc trong thực tại, có thể ngồi vẽ hàng giờ, viết lách hàng giờ. Và điều đó khiến tôi thấy ý nghĩa cuộc sống đã xuất hiện.

Tôi vẫn nhắc lại là không phải mình buông xuôi, buông tay mà là buông bỏ những tạp niệm, những phiền não trong tâm và vẫn luôn luôn hành thiền, tu tập để giữ được nhịp sống quân bình.

So sánh bản thân mình ở thời điểm hiện tại với triết lý “Rỗng”, anh tự thấy mình khác biệt thế nào so với thời điểm của đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh sống cùng giới showbiz ngày xưa?

Hồi đó tôi còn trẻ, cuộc sống rất bận rộn, suy nghĩ luôn rối xoắn cả lên, mọi thứ cứ cuốn theo dòng chảy rộn ràng đó. Tâm thức cũng khác xa. Hồi xưa tôi cũng ngủ vùi, ngu mê trong dòng chảy bận rộn, cũng sân si theo đuổi nhiều thứ, cũng khát vọng đủ kiểu. Còn hiện nay, tôi đã bớt bộn bề, tâm trí luôn trống rỗng, sống được theo ý mình thích, có nhiều thời gian thư giãn, sống rất chậm. Cái gì đến thì cứ đón nhận, cái gì đi thì cứ cho nó trôi đi… Tôi đang thấu rõ từng giây phút trong hiện tại, tôi đã vén hết, rũ bỏ các tạp niệm để bầu trời hạnh phúc bên trong lộ diện. Tôi hiện nay không còn căng gồng, không còn mông má, tô điểm sơn phết cho cái tôi to đùng ngu si nữa, thế thôi.

Nếu có người nhắc lại những câu chuyện cắt vai của một số diễn viên trong quá khứ, và những scandal khác, anh sẽ nói gì về chuyện này?

Những chuyện đó thì quá thường trong showbiz mà, con người tôi lúc đó sân si công việc với tâm thức vẫn ngủ say vậy đấy, thấy cái gì không được thì ồn lên, bởi những lo lắng nghĩ suy. Tôi thấy chuyện cũ đã qua rồi, tôi không hào hứng lắm khi cứ bàn về chuyện của quá khứ!

Tại sao chúng ta không nói chuyện giữa hiện tại? Mọi thứ đang bày biện ra đây; Tôi ở đây, bạn có mặt ở đây… và cả cuốn sách Rỗng nhỉ?! Vì với tôi, chuyện cũ không giúp gì được cho hiện tại, mà tương lai cũng không thể biết được sẽ ra sao, nên sống đúng với hiện tại là tốt nhất, hãy hiện hữu trong giây phút này đây!

Thói quen bình thường một ngày của anh là thế nào để có thể sống trong khái niệm “Rỗng” trong khi cuộc đời bản chất của nó là lúc nào cũng bộn bề, chật chội?

Thực sự cuộc đời vốn dĩ không bộn bề như bạn nghĩ đâu, nó cứ luôn luôn vận hành như thế. Chỉ có quá nhiều con người sân bận, rối trí gặp nhau trên đường đua thôi.

Nếu bình thản không đua, không tham gia thi thố thì chúng ta sẽ không bị cuốn theo, bị va đập. Nếu tâm trí của mình luôn nằm trong trạng thái nhẹ nhàng trống không, thì chắc chắn mình sẽ không vướng đến những chỗ mắc kẹt được?

Rối rắm hay mắc kẹt là cũng chính do tâm mình tạo ra thôi! Nếu có thể làm được theo cách mình không muốn bộn bề thì mình hãy nhảy ra khỏi cái bộn bề. Nếu tâm trí của mình “Rỗng”, thì sẽ không bị ngoại cảnh tác động, việc lệ thuộc và trông chờ ngoại cảnh thì chắc chắn chính chúng ta sẽ mất đi tự do thôi! Kẹt xe, kẹt giao thông thì cũng phải tìm đường ra thôi, nhưng mắc kẹt tâm trí thì khốn khổ lắm! Cần phải tu tâm từng sát na mới mong an yên được!

Còn một ngày của tôi cũng đơn giản lắm! Cứ để mọi thứ trôi theo quy luật tự nhiên, tâm trí luôn sẵn sàng trống trơn, nên tôi chẳng cố phải khát khao đạt được mục đích mục ruột, cố trở thành cái thứ gì đó và không quá mưu cầu nhiều thứ. Những người cố gắng tranh đua, chiếm hữu thì sẽ vướng phải bộn bề, rối rắm. Tôi không chọn cách đó, tôi tự nhảy ra khỏi sự bộn bề, chộn rộn. Vậy thì thong dong sẽ lộ diện, thế đấy!

Thực sự, không có gì ghê gớm bằng sự tự lừa dối tâm trí của chính mình. Nếu người ta nói rằng người ta đang hạnh phúc với sự bận rộn đó thì cũng kệ người ta thôi, cứ mà cố gắng ngụp lặn ở trong đấy! Đôi khi tài sản của một số người là sự bận rộn, rối bời và phiền não, tình cảnh này thì xem như hết thuốc. Họ luôn ôm nỗi khổ của họ như là cái phao của tâm trí họ, thế thôi. Nhưng họ có hạnh phúc thật hay không thì chính họ phải tự lắng lòng lại mà nghe thấy khổ đau của chính mình. Còn tôi, tôi không thích sự rối rắm, bận rộn của tâm trí!

Tôi có thể cô đơn, lạc bước… nhưng vẫn không thích nhảy lên đường đua rối xoắn của tâm trí đó, với tôi đó chẳng khác nào một đời sống ngớ ngẩn, chẳng để làm gì ngoài sự mệt nhoài, sao phải đau khổ vậy? Tôi không cần phải thành tựu, phải trở thành, những thứ đó có thể mất đi ngoài tầm kiểm soát. Còn mình hiểu chính mình, ung dung tự tại chắc chắn mình sẽ thấu hiểu được nỗi buồn, sự khổ đau, hay thậm chí là mất mát. Nó luôn hiện hữu và có vẻ đẹp của riêng của nó và vẫn yêu nó. Để có được sự can đảm này thì phải dám không bận rộn để đối diện thẳng của vấn đề của chính mình.

Thời đại nào, dòng chảy cuộc đời vẫn như vậy thôi. Không ai thức tỉnh giùm mình đâu. Chỉ có mình tự thức tỉnh mình thôi. Ngoại cảnh luôn ở đó, nhưng khi người ta biết chấp nhận, biết yêu lấy khổ đau thì tự nhiên tâm trí an nhiên sẽ xuất hiện.



Trong thực tế cuộc sống, có lẽ sẽ có nhiều khoảnh khắc khó đạt tới sự “Rỗng”, vậy anh đã có giải pháp gì để luôn cân bằng giữa triết lý sống với thực tế trong công việc, kinh doanh, các mối quan hệ?

Cái Rỗng ở đây không phải rỗng tuếch, trống trơn mà mình nên dọn dẹp những ý nghĩ rác rưởi khỏi tâm trí, để bầu trời trong tâm trí lộ diện, tuệ giác nở hoa, mình sẽ thấy rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh này, đâu là thứ cần cầm nắm, đâu là thứ cần buông bỏ, cái gì cần cho qua thì cho qua đi, cái gì đang đến thì đừng cố khước từ.

Trên đời chỉ có một số ít người giác ngộ hoàn toàn thoát khỏi khổ đau. Còn tôi thì chỉ là được chứng ngộ để bớt vọng tưởng, bỏ bớt khổ đau, từ chối sự quá rối rắm để chọn lại sự sắp xếp ngăn nắp trong tâm trí, và có được tự do thong dong giữa cuộc đời rối xoắn này.

Tôi vẫn sống bình thường, ăn uống bình thường, đi lại gặp gỡ mọi người bình thường nhưng không còn bị vướng víu bởi những quan hệ hay công việc không mang lại cho tôi niềm vui. Nếu lỡ có những quan hệ hay con người không hợp thì tôi có thể cắt bớt, dám từ bỏ một số thứ vật chất, một số quan hệ hay công việc để cuộc sống đỡ rối rắm hơn. Dám từ bỏ cũng là một dũng cảm không phải ai cũng có và không phải ai cũng làm được.

Nỗ lực “Rỗng” để bớt cầm nắm, bớt tham, sân, si, bớt hận thù, yêu thương nhiều hơn chứ không phải về đến tận cùng “Không”. Với tôi là “Rỗng” để đến gần với “Tánh Không” thôi chứ không phải là ngồi không và không làm gì cả. Có nhiều người dù không vui vẫn cố gắng níu giữ, cố gắng theo đuổi, từ tài chính đến tình cảm, vá víu, rối rắm, cuối cùng chỉ dẫn đến khổ đau. Quan trọng là có dám cắt đứt, thôi đeo bám, dám bước ra khỏi những rối rắm đó hay không?

Vẽ tranh và làm thơ đối với anh có phải là một trong những nỗ lực bung phá cảm xúc bên trong?

Đã hướng tới sự trống “Rỗng” bên trong mình rồi nên tôi không cố làm điều gì cả. Vẽ tranh và làm thơ đều là do tôi yêu thi ca, yêu hội họa thì tôi làm. Bây giờ cả xã hội đã yêu 4.0, yêu smartphone, yêu sự kết nối với người khác bằng mọi giá. Còn tôi vẫn yêu con đường một mình, sự lãng đãng chiều tà, nghe chim hót trong bình minh muốn ghi lại một ý thơ, một nét vẽ thì tôi làm, làm trong tĩnh lặng và hân hoan với vũ hội một mình.

Tranh tôi vẽ ra không đặt giá và cũng không mưu cầu bán. Tôi làm thơ và vẽ tranh đều để bay qua khổ đau của cuộc đời này, thi ca, hội hoạ là một trong các phương tiện để đi đến chỗ tối thượng. Ai muốn đọc thơ và hiểu thơ tôi, liên lạc tới thì tôi sẽ tặng, ai yêu tranh của tôi, tôi cũng sẽ vẽ tặng. Còn những trọc phú mà mua tranh tôi cả triệu đô la tôi cũng không bán!

Thưa tác giả, anh cũng biết rằng vẽ tranh ở Việt Nam không phải một công việc “ngon ăn”, cũng như làm thơ càng khó “có đất sống” trong đời thực, vậy tại sao anh chọn chung sống với cả thi và họa ở thời điểm này?

Tôi đâu có lấy hội họa và thơ ca làm phương tiện kiếm sống đâu? Trí tuệ của tôi cho thấy cái gì được thì tôi làm. Tôi có tư duy mà, làm thơ là vì tôi thích giai điệu của cuộc sống, vẽ tranh cũng là bởi vì tôi rất thích màu sắc của trí tưởng tượng. Không giống như những người ảo tưởng nghĩ rằng mình làm thơ để đạt được cái này cái kia, tôi không có ảo tưởng ảo vọng gì hết.

Với hội họa cũng vậy thôi. Tôi vẫn cho rằng, ở đời đâu phải cái gì cũng phải bán được mới có giá trị. Mình làm ra nó để thụ hưởng, chia sẻ, cho tặng những giá trị về hạnh phúc chứ không phải từ nó mới làm ra tiền bạc hay cuộc sống cho mình.

Đấy là một cách đi trên đường đời chứ tôi cũng không cần nỗ lực cho đi. Chỉ là trên những chặng đường, tôi cảm nhận được nhiều giá trị từ tỉnh thức mà nhiều người do cứ ngủ vùi nên không nhận ra. Ngày xưa còn nhỏ hay lúc còn chưa tỉnh thức thì mình luôn phải chờ đợi người khác tặng quà cho mình còn bây giờ thì tự mình gói quà tặng cho bản thân mình đi. Tôi cũng không bận tâm ai đánh giá tôi thế này thế nọ… cứ trôi đi trong sự “Rỗng” an nhiên sẽ xuất hiện ngay thôi.

Được biết anh làm công việc kinh doanh và rất thành công trong việc kinh doanh, vậy mối liên quan giữa công việc kinh doanh với vẽ tranh và làm thơ là gì?

Tôi chưa bao giờ tôi thấy mình thành công trong kinh doanh, cũng chưa bao giờ tôi thấy mình là cái thớ gì trong cuộc đời này cả. Chỉ là lúc nào thấy tiền ít thì xài cho vừa phải, tiền đủ thì có thể làm điều này điều kia. Ai cũng có hành trình cuộc đời và đoạn cuối sẽ như nhau hết, đều phải bước vào cái hòm, bây giờ có khi vào cái hũ nữa, thế thì suy cho cùng cũng chỉ còn lại một nắm tay nho nhỏ, chẳng mang theo được gì.

Trên đời có nhiều người thành công trong kinh doanh, có thể nuôi cả ngàn nhân viên, và rất bận rộn trong kinh doanh. Tuy nhiên từ một góc nhìn khác, chưa chắc họ đã là những người cống hiến nhiều cho xã hội, biết đâu họ còn phá nát cái xã hội này ra nhiều hơn? Chắc gì họ đã biết đến những con đường trượt dài, những mối tình vỡ tan, những gia đình chia cắt, nói gì đến những “nguyên liệu” rất chi tiết khác của cuộc đời như những vẻ đẹp khắc nghiệt mà nó đang có. Nhiều khi quan sát những người giàu có, tôi thấy họ còn khổ hơn người nghèo, vì có quá nhiều tiền mà không dám xài, không biết xài cho đúng cách cũng khổ. Và chắc chắn họ lại có nhiều vấn đề lớn để khổ tâm hơn chứ hay ho gì!

Còn tôi, nếu gọi là thành công nhất, chắc là tôi thành công về mặt tâm trí, giàu có về tâm hồn, bây giờ chỉ một chiếc lá rơi cũng làm tôi cảm thấy được hạnh phúc. Tôi được tự do trong đời sống, tôi có thể tiếp tục kinh doanh và thu về lợi nhuận, cũng có thể bỏ ngang, ra cánh đồng hay lên núi thiền định một thời gian dài. Đứng là tự do mới là điều tối thượng.

Cho đến hiện tại anh vẫn đang lựa chọn sống độc thân. Anh có thể “bật mí” lý do chính của lựa chọn này? Để có thể tự do và kinh doanh tốt nhất hay làm nghệ thuật tốt nhất hay còn những nguyên nhân nào khác nữa?

Tôi nhận thấy, khi ta đi vào bất cứ mối quan hệ nào cũng có cái được, có sự sẻ chia và đồng hành, nhưng đồng thời cũng có cái mất, đó là sự ràng buộc, lệ thuộc nhau quá lớn. Tôi quan sát chỉ thấy mang đến cho khổ đau nhiều hơn là hạnh phúc, nên tôi chọn sống không kết hợp, không lệ thuộc nhau chi cho mệt, cho nên tôi ở vậy, không thích lập gia đình!

Tình yêu tự do của tôi lớn hơn tình yêu giới tính, tôi không muốn bất cứ điều gì cản trở mình. Loài người thường hay đánh lừa nhau bởi tình yêu nhưng thực chất là chỉ ý muốn sở hữu nhau nhiều hơn. Những năm tháng yêu đương ngày xưa, tôi chẳng thấy có chút tự do nào cả. Còn đến hiện tại thì tôi cũng chưa biết có tình yêu nào mà người ta có thể cho nhau sự tự do hay không. Giả sử có thì tốt quá còn hễ cứ xuất hiện sợi dây xích là tôi muốn cắt luôn. Phải tỉnh táo và sáng suốt trong vấn đề này, dễ “mắc bẫy” lắm.

Còn nếu đến ngày nào đó cơ duyên đưa tới một cô gái nào có thể đồng điệu và có tự do trong tình yêu thì tốt quá nhưng tôi không có bất cứ nỗ lực nào để tìm kiếm điều đó. Hai bàn tay không thể bắt bốn năm con thỏ được. Không thể có tình yêu tự do mà lại được rong chơi, tự tại được, nên buông bỏ bớt đi. Ai muốn nhảy vào cái biết rồi đó thì cứ nhảy vào, còn tôi đang muốn nhảy vào cái không biết, nhảy ra cái đã chán. Tôi không biết người phù hợp với tôi đang ở đâu và làm cách nào để tìm ra cô ấy, cho nên tốt nhất khỏi tìm là khoẻ nhất.

Tuy sống một mình rất khỏe, an nhiên, hạnh phúc, nhưng tôi không khuyến khích người khác chọn sống một mình giống tôi, hoặc khuyên các cặp đôi bỏ nhau ra sống một mình. Đây chỉ là sự lựa chọn phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh, cá tính riêng. Nếu “duyên” chưa đủ thì đừng ép nhau cưới hỏi, ép buộc sinh con, rồi “quăng” đứa bé ra cho xã hội như những nhân cách chưa được hoàn thiện, những “sản phẩm lỗi”, vừa tội cho nó, mà cũng tội cho chính mình vì không làm tròn được trách nhiệm.

Cũng như ánh sáng có mặt trái là bóng tối, mặt trời tồn tại ban ngày vẫn phải cần mặt trăng tỏa sáng ban đêm, xin anh cho biết những mặt nhược điểm của “Rỗng”? Liệu duy trì tâm thế “Rỗng” có khiến anh xa lánh cuộc sống thường nhật của mọi người xung quanh?

ĐQAK: Hai mặt hay ba mặt là dành cho vật chất, còn với tâm trí thì không phải thế. Tâm trí đã bước vào cái “Rỗng” là tự tại, là an nhiên. Còn bạn muốn nhảy vào cái rối xoắn, bận rộn thì chắc chắn tâm trí sẽ khổ sở, mệt nhoài. Tôi có bao giờ xa rời cuộc sống đâu? Trái lại tôi đang sống rất sâu giữa cuộc đời đầy nhục dục này chứ. Tôi đang đi và sống trong tỉnh giác, tôi là một cá thể tan trong cái toàn thể và tôi chọn cách tan của riêng tôi. Có người chọn sự chật chội, tranh đua làm chất liệu cuộc sống. Còn tôi chọn sự “Rỗng” vì giá trị của sự an nhiên là vô giá. Chẳng qua là những người mắc kẹt chưa thể có được sự lựa chọn kiểu như tôi, có thể họ chưa thức dậy hoặc đang ngái ngủ nên họ không nhận ra niềm vui của an lạc, tự do.

Sống đúng với hiện tại là điều tốt đẹp nhất nhưng không phải ai cũng tu tập và có thể đạt được. Anh muốn nói điều gì với bạn đọc về thông điệp để sống đúng với hiện tại?

Tôi thấy quy luật của cuộc sống là nếu mình ham muốn nhiều, kỳ vọng nhiều, sân hận nhiều, chiếm hữu nhiều thì khổ đau chắc chắn là đến nhiều, còn nếu mình biết tu tập, biết bỏ bớt những thứ đó thì an nhiên sẽ đến, hạnh phúc sẽ lộ diện, cuộc đời sẽ nở hoa.

Ông trời cho con người cái tâm trí để mà tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc sống chứ đâu có phải sản sinh ra những ý nghĩ vớ vẩn, còn tâm trí cứ đem ra bận rộn những vọng tưởng đó là phải gánh lấy khổ đau ngay, sân hận, chiếm giữ, tham lam. Nhưng đó là sự tự lựa chọn của mỗi người. Nhiều người bảo bỏ bớt xuống cho đỡ nặng cũng không bỏ được, có khi bỏ vài ngày thấy trống trải quá rồi lại vác lên. Ôm nhiều thì mau mỏi, dễ đau nhưng không muốn bỏ bớt thì sẽ không ai làm thay mình được. Bận rộn không sai, ôm đồm không xấu nhưng nỗ lực tỉnh thức phải là tự thân. Hạnh phúc cũng trong tâm mình, khổ đau cũng trong tâm mình mà sinh ra chứ đâu?

Cứ lao ra ngoài, kiếm tìm niềm vui do những nguyên nhân bên ngoài đem tới là sự lệ thuộc, hay cao hơn là nô lệ bởi đối tác. Đời sống tâm trí con người ngày xưa đơn sơ hơn nên dễ chứng ngộ, dễ hạnh phúc. Còn bây giờ tâm trí con người phức tạp lắm, nhiều người đang đóng vai hạnh phúc, đóng vai ngộ và đóng luôn cả vai chứng ngộ. Tôi nghĩ, ước mơ chân chính nhất là biết mình mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào, có thể thực sự làm được điều gì. Và quan trọng nhất là hãy có can đảm nhảy ra khỏi vị trí đang bị mắc kẹt.

Xin cảm ơn anh rất nhiều!

Mi Ty

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 2486299853539311927

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item