Chi phí logistics tạo gánh nặng cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long

(DNTH) - Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu th...

(DNTH) - Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thu mua nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất tiêu thụ ra thị trường. Chi phí này, tạo gánh nặng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lợi thế và hội đủ loại hình vận tải đường sông, đường biển, đường bộ và hàng không, nhưng hiện chỉ có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước, với chi phí logistics vùng ĐBSCL chiếm tới 30% giá thành sản phẩm.

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó kết cấu hạ tầng logistics kém phát triển và thiếu đồng bộ, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế; việc liên doanh, liên kết, kết nối giữa các bên liên quan để khai thác hiệu quả nguồn hàng hóa dồi dào và các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí vận tải, chi phí trung gian của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu cần phải cải thiện nhiều hơn nữa.


Đối với hệ thống hạ tầng cho logistics cho “vựa nông sản” lớn nhất cả nước này còn chưa phát triển, thiếu liên kết và đồng bộ. Trong khi đó hàng nông sản, thủy sản đòi hỏi phải vận chuyển nhanh, hoặc thu hoạch xong có nơi bảo quản, sơ chế đúng - đủ tiêu chuẩn.

Tuy nhiên các kho lạnh, mát hay nơi tập kết hàng nông sản tại ĐBSCL nhỏ lẻ trừ một số doanh nghiệp chuyên về mặt hàng gạo, cám, thủy sản còn lại các mặt hàng trái cây - củ thì chưa có hệ thống xử lý đạt chuẩn. Đa số sản phẩm sau thu hoạch được vận chuyển Đồng Nai sơ chế, bảo quản, lưu kho, đóng hàng vào container để xuất khẩu.

Đến nay, chỉ có một hãng tàu nước ngoài là MAERSK cung cấp lượng vỏ container và chấp thuận cấp CODE tại Cảng Cần Thơ cho nên phương tiện thủy phải nhận rỗng từ TP Hồ Chí Minh, làm tăng chi phí. Hàng hóa tại ĐBSCL mất cân đối vỏ 20' và 40' nên không tận dụng được vỏ kết hợp.

Ngoài ra, các ngành công nghiệp phụ trợ chế biến nông sản tại ĐBSCL chưa đa dạng, các Khu công nghiệp cần thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư, chế biến nông sản, các kho - dây chuyền bảo quản, sơ chế, làm mát... trước khi đóng hàng vào container để sẵn sàng xuất khẩu. Chi phí đầu tư cho kho lạnh, mát tốn kém; hàng hóa trái cây - củ đa số đi theo đường tiểu ngạch nên bị động và rất dễ được mùa nhưng mất giá.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa nông, hải sản xuất khẩu chủ yếu là đường bộ và đường thủy nội địa để xếp lên tàu biển. Hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Vận chuyển hàng hoá chủ yếu bằng đường bộ và thuỷ nội địa, trong khi tình trạng một số cảng trọng điểm tại miền Đông thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng… Vì thế, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng Cát Lái ở TP Hồ Chí Minh và Cái Mép-Thị Vải của Bà Rịa-Vũng Tàu gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Ông Nguyễn Khánh Tùng - Viện trưởng Viện kinh tế, xã hội TP Cần Thơ cho rằng, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình hoạt động của xã hội, đặc biệt là trong sản xuất, lưu thông và phân phối các sản phẩm và dịch vụ. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, dịch vụ logistics chiếm khoảng từ 16-20% GDP và hoạt động logistics mang lại giá trị to lớn cho nền kinh tế của một quốc gia.

Ông Tùng cũng nhận định, đi đôi với thách thức là cơ hội phát triển của ngành logistics. Hiện nay, ngành logistics Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận được thị trường logistics rộng lớn với những ưu đãi thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, địa hình nước ta rất phù hợp để phát triển cơ sở hạ tầng logistics như phát triển cảng nước sâu, sân bay quốc tế, các trung tâm logistics.

Việc hội nhập logistics quốc tế cũng tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển quan hệ đối tác, thị trường xuất khẩu được mở rộng, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây tổn thất đến mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, du lịch đến đời sống con người trên toàn cầu. Đặt biệt, đại dịch đã gây áp lực nặng nề lên khả năng sản xuất cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu hay còn là ngành dịch vụ logistics.

Có thể nói, điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế ĐBSCL chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thu mua nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ ra thị trường. Chi phí logistics tại đây đang là gánh nặng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm.

Thái Cường

Tin liên quan

BẤT ĐỘNG SÀN 8234351324924773056

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item