Giá nhiều mặt hàng "nhảy múa", làm gì để kiểm soát lạm phát dưới 4%?
(DNTH) - Trong bối cảnh giá thịt lợn và nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm khác trên thị trường bắt đầu "nhảy múa", Tổng Cục Th...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2022/07/gia-nhieu-mat-hang-nhay-mua-lam-gi-e.html
(DNTH) - Trong bối cảnh giá thịt lợn và nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm khác trên thị trường bắt đầu "nhảy múa", Tổng Cục Thống kê cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm nay.
Tại Việt Nam, việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm luôn được đảm bảo. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên giá cả thời gian qua tương đối ổn định.
Tuy nhiên, việc thế giới có nguy cơ đối diện với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ tạo áp lực lên tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, giá thịt lợn đang có xu hướng tăng lên, chỉ số giá nhóm thịt lợn tháng 6/2022 tăng 0,87% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng.
Theo đó, thịt chế biến tăng 0,69% (thịt quay, giò chả tăng 0,67%; thịt hộp tăng 1,08%; thịt chế biến khác tăng 0,28%). Đáng lưu ý, nhóm hàng lương thực, thực phẩm có quyền số (để tính chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất, là tỷ trọng (%) chi phí trung gian của từng nhóm nguyên, nhiên liệu)khá cao, gần 28% trong rổ hàng hóa tính CPI. Do đó, biến động giá của nhóm hàng này sẽ có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế.
Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, Tổng Cục Thống kê cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới. Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ xăng dầu trong nước, quản lý và kiểm soát chặt chẽ sử dụng xăng dầu nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân.
Cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu. Đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu.
Đồng thời chủ động các biện pháp bình ổn giá các mặt hàng, không để xảy ra các trường hợp tăng giá bất hợp lý.
Để đạt mục tiêu CPI bình quân năm 2022 khoảng 4%, trong bối cảnh áp lực lạm phát cao, phụ thuộc rất lớn vào việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, Tổng cục Thống kê đề xuất nên giãn việc tăng học phí giữa các địa phương. Không điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vào cùng một tháng.
Ngoài ra, cần điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đồng thời góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.
Tuấn Tú