Thần Tài gõ cửa: Cảm phục nghị lực phi thường của người đàn ông khuyết tật gồng gánh nuôi mẹ già 99 tuổi

(DNTH) - Chương trình Thần tài gõ cửa tuần này mang đến câu chuyện của người đàn ông ở vùng quê Bến Tre, dù thiếu đi cánh tay phải từ sau ta...

(DNTH) - Chương trình Thần tài gõ cửa tuần này mang đến câu chuyện của người đàn ông ở vùng quê Bến Tre, dù thiếu đi cánh tay phải từ sau tai nạn thuở nhỏ nhưng với tính kiên trì, ham học hỏi, đã trở thành thợ sửa xe đáng tin cậy, có nhiều sáng chế độc đáo.

 
Chương trình Thần tài gõ cửa tuần này giúp khán giả gặp gỡ với anh Nguyễn Văn Hải, ngụ xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Tại đây, câu chuyện đời đầy nghị lực của người đàn ông khuyết tật đang chở che cho gia đình 5 thành viên đã được hé lộ.

Chỉ vừa học hết lớp 9, anh Hải phải bỏ học để đi đào đất mướn để phụ gia đình kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thế nhưng, sau một vụ tai nạn anh đã mất đi cánh tay phải khiến cuộc sống của anh thuở đó rơi vào khó khăn, mặc cảm.

Năm 1985, khi có được chiếc xe đạp đầu tiên, anh Hải bắt tay vào nghiên cứu, tự sửa chữa các lỗi hỏng hóc bởi đó cũng là niềm đam mê của anh. Cứ như vậy, tiếng lành đồn xa, bà con khắp nơi tìm đến nhờ anh sửa mỗi khi xe có vấn đề. Nhận thấy nhu cầu của bà con ngày càng nhiều, anh Hải đã mở một cửa tiệm nhỏ trước nhà chỉ bằng vài vách lá chắn tạm để mưu sinh.

Không những sửa xe đạp thành thạo mà đến các hỏng hóc của xe máy cũng không làm khó được anh Hải. Anh Hải chia sẻ: "Vì mình cũng có cái máu tò mò nên hay tìm sách để đọc, đọc xong rồi tự lấy xe nhà ra thực hành. Từ từ thì biết, chứ ngày xưa nghèo, đâu có tiền đâu mà được đi học cho bài bản".

Năm 2006, cơn bão đổ bộ về Bến Tre khiến cho vùng quê của anh chìm trong u tối, không có điện sinh hoạt, bà con càng thêm khó khăn. Nhanh trí nghĩ đến việc tận dụng mô tơ từ xe máy, thay đổi hiệu điện thế để phát sáng đèn, mở ti vi, sạc pin các thiết bị điện tử... Nhờ 5 tháng ròng tự học hỏi nghiên cứu đã mở ra cho anh Hải một niềm đam mê mới bên cạnh việc sửa chữa các loại xe. Từ đó, anh tìm cách thay đổi, cải tiến các loại đồ nghề hỗ trợ cho việc sửa chữa điện cơ sao cho phù hợp với những người khuyết tật chỉ còn thao tác được một tay như mình.

Anh Hải kể: "Tôi làm được máy quấn mô-tơ phù hợp cho người còn 1 tay, chế xe đạp thủ công thành xe điện, làm bình xịt thuốc bằng điện... Nhờ có vợ phụ giúp đỡ thêm mà tôi cũng tự mày mò sửa được nhiều thứ. Ngay cả xây nhà cũng tự 2 vợ chồng chế ra máy ép cừ, tự chế luôn đòn bẩy dựa vào sức nước. Đến nay, nhà tôi xây được 10 năm rồi mà thấy vẫn ổn nên cũng mừng".

Không chỉ sửa chữa máy móc, đồ dùng, anh Hải còn nhận mua đồ cũ về tân trang và bán với giá hợp lý cho bà con vùng quê. Tuy nhiên, không có nhiều vốn liếng trong tay nên cửa tiệm nhỏ của anh không thể nào cạnh tranh được với các cửa tiệm lớn khác.

Ngôi nhà được xây cất bằng tất cả sự chắt chiu của hai vợ chồng nghèo đã bắt đầu xuống cấp. Nhất là hai bên vách tiệm cũ mục, thường xuyên chịu cảnh gió tạt mưa lùa khiến cho máy móc điện cơ, điện tử nhanh hư hỏng. Người thợ khiếm khuyết chỉ ước sao đủ vốn để sửa sang lại căn nhà để yên tâm làm ăn. Thế nhưng, gánh gia đình còn nặng trĩu khi mẹ của anh năm nay đã 99 tuổi và cần phải hỗ trợ thuốc thang mỗi ngày; còn hai con lại đang tuổi đến trường cần thêm chi phí ăn học.

Thương chồng đau đáu ước mơ với nghề, chị Nguyễn Thị Thủy (1971) vợ anh Hải tranh thủ đi tìm hái rau vườn, thu mua trái cây, tự làm bánh mứt rồi mở sạp nhỏ buôn bán trước nhà.

Hai vợ chồng cứ thế nương tựa cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Cảm động trước nghị lực ấy, chương trình quyết lòng ra tay giúp đỡ, giúp gia đình anh có thêm niềm vui và niềm tin trong cuộc sống.

Minh Tuyền 

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 2058851011267294859

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item