Trình Quốc hội xem xét đầu tư vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội

(DNTH) - Sáng 6/6/2022, trong chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và dự án...

(DNTH) - Sáng 6/6/2022, trong chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.


Theo tờ trình của Chính phủ, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34km, đi qua các địa phương gồm TP.HCM với chiều dài 47,51km, Đồng Nai 11,26km, Bình Dương 10,76km và Long An 6,81km. Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Đường Vành đai 3 được đầu tư thành đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 80km/giờ với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75m, được phân kỳ đầu tư theo nhu cầu vận tải và sự phát triển đô thị hai bên đường.

Dự án sơ bộ có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách trung ương và địa phương, trong đó ngân sách trung ương bố trí 38.741 tỷ đồng (TP.HCM 24.011 tỷ đồng, Đồng Nai 1.934 tỷ đồng, Bình Dương 9.640 tỷ đồng, Long An 3.156 tỷ đồng). Ngân sách địa phương bố trí 36.637 tỷ đồng (TP.HCM 24.011 tỷ đồng, Đồng Nai 1.934 tỷ đồng, Bình Dương 9.640 tỷ đồng, Long An 1.052 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 2021-2025, ngân sách trung ương bố trí 31.380 tỷ đồng; ngân sách địa phương bố trí 36.637 tỷ đồng.

Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Chính phủ dự kiến năm 2022-2023 chuẩn bị dự án; bắt đầu từ quý III/2022 thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quý IV/2023 xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành, cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027.

Với tính chất là dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về nguồn vốn, tổ chức thực hiện dự án, cơ chế chỉ định thầu, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường… Sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn đầu tư. Chính phủ tổ chức thực hiện xây dựng phương án, tổ chức thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Với dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án được xác định có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư đối tác công - tư (PPP) với sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 28.200 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 28.203 tỷ đồng (Hà Nội 23.594 tỷ đồng, Hưng Yên 1.509 tỷ đồng, Bắc Ninh 3.100 tỷ đồng), vốn BOT 29.410 tỷ đồng.

Nhằm giải quyết các giao cắt hai bên tuyến, Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài đường Vành đai 4 đi trên cao. Còn khoảng 39,13km (Hà Nội 10,53km, Hưng Yên 8,4km, Bắc Ninh 20,2km) được thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Mỹ Cảnh

Tin liên quan

BẤT ĐỘNG SÀN 5391320391809506266

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item