Hoà Kairo và cuộc sống đời thường tạo nguồn cảm hứng
(DNTH) - Nhà thiết kế thời trang Hoà Kairo đã từng thiết kế áo cho hoa hậu Pháp và được Ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế mời danh dự là nh...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2022/09/hoa-kairo-va-cuoc-song-oi-thuong-tao.html
(DNTH) - Nhà thiết kế thời trang Hoà Kairo đã từng thiết kế áo cho hoa hậu Pháp và được Ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế mời danh dự là nhà thiết kế trẻ triển vọng tham dự Liên hoan phim Cannes 3 lần vào năm 2017, 2018 và 2019.
Năm 2017, Hoà Kairo tổ chức chương trình từ thiện với đêm diễn thời trang bộ sưu tập do mình thiết kế mang tên Hoà Kairo Fashion - Doanh Nhân Và Lòng Nhân Ái. Chương trình thành công tốt đẹp và cũng là chương trình văn hoá của một cá nhân, người con Phú Yên tổ chức tại tỉnh Phú Yên lớn nhất từ trước tới hiện tại. Đồng thời, Hoà Kairo đã và đang là người đưa tin kết nối các mạnh thường quân trợ giúp các hoàn cảnh trên mọi miền đất nước trên trang Fanpage Cậu Sáu Phú Yên và kênh YouTube Cậu Sáu Phú Yên.
Điều đặc biệt Hoà Kairo đã và đang làm trên kênh YouTube Cậu Sáu Phú Yên của mình là truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, giới thiệu đặc sản ẩm thực, văn hóa lịch sử và con người của các vùng miền cả nước trong các tập video được khán giả yêu thích và ủng hộ.
Sau một thời gian dịch Covid kéo dài làm ảnh hưởng cuộc sống nên Hoà Kairo đang ấp ủ bộ sưu tập mang chủ đề môi trường nhằm truyền tải thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường biển Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung.
Cuối thu, khi miền Trung đón những cơn mưa bất chợt kèm giông gió cũng chính là mùa bông dề đã đến - loài bông lạ lẫm có một không hai ở đất Phú Yên. Tiếng là bông nhưng không phải để chơi mà là để ăn, ăn rất thơm ngon. Ngon tới mức trở thành món ăn “đặc sản” dân dã của vùng đất Phú Yên xứ Nẫu.
Cùng tên Bông Dề được gọi là “Khoai Dề” bởi gốc cây bông dề có củ, ăn được, mát lành. Có điều củ không đặc biệt đáng nói, thứ làm nên “thương hiệu” của cây bông dề chính là Bông và Hương Bông. Và một phần của cây bông dề là lá. Lá bông Dề tuy không ngon như bông nhưng những lá non cũng là một món rau dùng để luộc hoặc nấu canh. Vì mùa hoa bông dề khá ngắn ngủi, nên ăn hết bông rồi người ta sẽ “vớt vát” bằng cách xách rổ ra vườn tìm… lá. Những chiếc lá non xanh nhạt còn cuốn loa kèn vừa đâm lên giữa đọt, đem nấu canh hay luộc, tuy không ngon ngọt như bông nhưng dù sao vẫn có hương bông dề…
Ở Phú Yên, sau những ngày hè dài nắng oi, đất vườn khô tới mức nứt nẻ. Nhưng chỉ một cơn mưa rào cuối thu đổ xuống, hôm sau ra vườn đã thấy những ngòi bông dề hình mũi tên long lanh tím biếc trồi lên, vài ba ngày đã bung cánh tím nhạt, khoe lấp ló bên trong những cánh màu vàng tươi, tỏa hương thơm quyến rủ lòng người nếu ai đã từng thưởng thức món ăn chế biến từ bông dề.
Mùa bông dề nếu ai đó ra vườn vô ý đưa chân giẫm phải bông, lập tức hương bông dề dậy lên thơm phức. Cái mùi hương đánh động khứu giác, gợi ngay liên tưởng tới một tô canh tập tàng nấu với bông dề bốc hơi. Bông dề không chỉ nấu canh vào chính vụ, bông dề vườn nhà ai nhiều thì bán hoặc cho hàng xóm, hay đem luộc cả rổ. Luộc chín vớt ra gắp chấm mắm dằm cá rô đồng ăn cơm thì ngon khỏi phải nói. Món ăn "cao sang” hơn nữa thì đem bông dề thái nhỏ rưới đúc bánh xèo, cùng với thịt, tôm và nhiều gia vị khác.
Thu hoạch bông dề vừa cữ nhất khi ngòi hoa tím chính vừa tách mào, lấp ló cánh vàng bên trong. Hái sớm ăn ngon nhưng hoa chưa đủ độ trưởng thành, phí phạm. Hái muộn thì hoa bị già, xơ, giảm cả hương lẫn vị.
Người Phú Yên ví bông dề là một loài bông nặng nghĩa với đất quê. Đúng thế, dù trải qua ba mùa mưa nắng gió, cứ đúng hẹn dịp trời trở tiết lập thu, trời bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa, các vùng đất ở quê xứ Nẫu dịu mát lại thì những búp bông dề bắt đầu nhô lên khỏi mặt đất rồi nở rộ.
Chia sẻ về tình yêu mến loài hoa này, nhà thiết kế Hoà Kairo tâm sự: "Có nhiều cách hiểu về tên gọi của loại bông này. Theo cách giải thích của ngoại và cậu tôi, vì loài bông này đến mùa nhú bông mọc thành từng đám, từng dề trên mặt đất nên người ta gọi là bông dề. Bông dề khi nhô lên khỏi mặt đất còn búp có hình nhọn, màu đỏ tím. Sau đó một hai ngày nếu không có người hái thì những búp bông này nở bung sặc sỡ, bên trong những cánh hoa có nhụy vàng trông thật đẹp và tỏa ngát hương.
Bông dề ngoài hình thức nhỏ thon, màu sắc đẹp, bông dề có mùi thơm dịu đặc trưng, nên từ lâu được xem là một loại rau nêm đặc sản ở các vùng quê Phú Yên xứ Nẫu, được các bà các cô ưa thích.
Tôi còn nhớ lúc tuổi thiếu thời, cứ đến mùa thu, mờ sáng sớm, tôi thường tranh thủ thức dậy sớm ra các doi đất của nhà Ngoại, nhà dì gần nhà tôi để nhổ bông dề. Những hôm có được bông dề nhiều, ngoại, má và mợ thường chọn làm thức ăn cho gia đình dài ngày. Nào là bông dề nêm canh, bông dề luộc, xào, bông dề đúc bánh xèo. Ăn nhiều ngày thế mà lúc đó cuộc sống còn kham khổ ai nấy cũng thấy ngon, hết cả mùa bông dề vẫn thấy còn thèm, còn nhớ.
Bông dề chỉ mọc độ ba bốn tuần rồi hết mùa. Tuy nhiên, khi hết mùa bông thì những kèn lá có màu xanh non mơn mởn lại tiếp tục nhô lên, sau đó vài ngày lá bông dề mọc thành từng bụi xanh rờn trên mặt đất. Đặc biệt lá bông dề non dùng làm rau nêm cũng có mùi thơm ngon không kém như bông. Rồi hết mùa lá, cả bọn nhỏ con cháu nha ngoại chúng tôi lại cùng cậu mợ và mấy anh chị đua nhau ra rẫy nhà ngoại đào củ bông dề về luộc ăn, loại củ này có rất nhiều tinh bột, dẻo thơm, ăn mát. Hết mùa, cả bông lá rụi rồi tiêu mất, không để lại một dấu vết gì trên mặt đất. Cứ thế mùa bông dề cứ tuần hoàn đúng hẹn theo những mùa thu năm tháng.
Ngày còn sống cậu nói, rẫy vườn nhà ngoai rộng, đất thịt, lại nhiều bóng mát, nên rất “thiên thời địa lợi” để trồng cây bông dề. Bông dề trừ trường hợp tới mùa đào lấy củ thì mới phải trồng lại; còn nếu trồng để lấy hoa thì chỉ cần trồng một lần, cứ đến hẹn cuối mùa thu, mỗi đầu mùa mưa cây lại tự động trồi lên.
Thú thật. Thủa nhỏ tôi không thích hương bông dề gì mấy, do nhà ngoại trồng nhiều bông dề, ăn quá nhiều đâm ngán. Vậy nhưng, đó là chuyện xa lắc. Lớn lên, khi bắt đầu thấm thía, “nghiện” hương vị bông dề thì cũng là lúc bông dề ngày càng ít đi và ngoại với cậu tôi cũng không còn, nên tôi nhớ, nhớ lắm mỗi khi bưng chén cơm với thức ăn có hương bông dề.
Giờ ở quê bà con trồng bông dề lấy củ không còn nhiều như ngày trước, chỉ trồng để tới mùa hái bông đem ra chợ bán và ăn, hoặc có những gốc cây sót lại từ ngày xưa vẫn âm thầm sống, nhẫn nại cho hoa cho lá mỗi đầu mùa mưa. Và hiện tại ở ban công nhà tôi, cũng có hai chậu cây bông dề được người quen tặng, để tôi ghi nhớ nhiều kỷ niệm đẹp liên quan tới loài bông này và vườn bông dề nam xưa của ngoại, cậu trồng.
Bông dề ngày nay có ở khắp các chợ quán, nhà hàng, có trong nhiều bữa ăn của những gia đình. Và mỗi lần tôi được thưởng thức món ăn có mùi thơm của loại bông này, tôi lại nhớ, nhớ nhiều lắm những năm tháng của tuổi thơ bên ngoại, bên cậu và gia đình quay quần bên mâm cơm, có nồi canh bông dề thơm đậm tình quê Phú Yên xứ Nẫu của thủa nào".
Mi Ty