Thuận vợ thuận chồng: Đình Toàn trầm trồ trước câu chuyện tình yêu của thời “ông bà ta”

(DNTH) - Thuận vợ thuận chồng tuần này là câu chuyện về cuộc đoàn tụ đầy nước mắt sau 8 năm vì chiến tranh qua lời kể của Anh hùng lực lượng...

(DNTH) - Thuận vợ thuận chồng tuần này là câu chuyện về cuộc đoàn tụ đầy nước mắt sau 8 năm vì chiến tranh qua lời kể của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Chuyền.


Câu chuyện của chú Nguyễn Đức Chuyền và cô Phùng Thị Đức, quen nhau trong những ngày chiến tranh loạn lạc, mọi quyết định lớn bé đều phải được bí thư Đoàn thông qua, chuyện tình yêu nam nữ cũng không ngoại lệ. Cho đến ngày đất nước gọi tên, chàng thanh niên Nguyễn Đức Chuyền ngày ấy đành phải gác lại gia đình và hai con nhỏ để đi theo tiếng gọi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

"Thời ấy chúng tôi không có khái niệm gì về tình yêu, độc lập dân tộc và miếng cơm manh áo đặt lên hàng đầu, thậm chí khi đã yêu nhau rồi, gặp nhau ở nhà tập thể chỉ dám ngồi nhìn nhau cười thầm", chú Chuyền kể lại.

Tiếp lời chồng, cô Đức cũng thích thú khi nhắc lại những ngày son trẻ, cô cho biết hoàn cảnh cả hai bên gia đình đều nghèo, cả hai đều làm chung cho một xưởng công nghiệp gần đó. Trong khi chúng bạn đồng tuổi thì làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu vì sợ chiến tranh không rõ tương lai. Cả cô và chú đều cùng nhau tiết kiệm để mong có một đám cưới đàng hoàng.

"Anh và tôi đều cùng nhau mỗi người dành ra 40 đồng mỗi tháng để tiết kiệm, ở xưởng không có bao cơm ăn, phần cơm trưa của chúng tôi chính là phần cơm trắng mà buổi sáng vợ chồng tôi xén lại, anh một nửa, tôi một nửa cả hai ngồi nhìn nhau ăn", kể đến đây, cô cười tít mắt.

Đám cưới trong thời chiến tranh loạn lạc, không có những phong bì dày xấp, hay những món quà xa xỉ đắt tiền, thời ấy, quà cưới mà vợ chồng cô chú nhận được là cái khăn rằn, cái chén cái tô, người nào khá hơn thì tặng phích nước hay radio, họ mừng cưới bằng những vật dụng cần trang bị cho một gia đình nhỏ, đơn sơ, giản dị.

Năm 1966, cô Đức hạ sinh người con trai đầu tiên, trong bối cảnh bom của địch rải trực tiếp xuống nhà máy, may mắn cả gia đình được an toàn, chú Chuyền quyết định đặt tên cho con là Chiến. 

Khi cô Đức mang bầu người con thứ 2, cũng là lúc chú Chuyền tham gia lực lượng thanh niên xung phong, trực tiếp tham gia vào mặt trận kháng chiến miền Nam. Biết trước cuộc hành quân từ Bắc vào Nam lành ít dữ nhiều, chú đặt tên cho đứa con trai thứ hai là Trung, với ý nghĩa người ra đi thì trung với nước, hiếu với dân, còn người ở lại thì chung thủy với chồng, và thế là người chồng, người cha và cũng là người lính ấy đi biệt suốt 8 năm.

Trên đôi mắt đã hằn nhiều vết chân chim, cô Đức hồi tưởng lại từng khung cảnh ngày chồng lên đường nhập ngũ, cô kể: "Anh tham gia đào tạo lúc tôi sắp sinh, vừa sinh xong vài ngày tôi vội vã chạy đến khu đóng quân để tìm anh, sợ không kịp gặp mặt. Anh không cho tôi tiễn mà tiễn ngược lại tôi 5 cây số đường về nhà, dặn tôi nếu sống hợp với mẹ chồng thì cứ sống với nhau, còn nếu không thì đợi các con chững chạc hãy để mẹ về. Nếu anh không trở về được nữa…tùy em quyết định".

Suốt 8 năm ròng rã, cô Đức vẫn hiếu dưỡng với mẹ chồng, đặc biệt là vẫn chờ đợi ngày giải phóng với lời hứa "Độc lập anh sẽ về". "Trong chiến tranh có người mất người còn, nếu không may anh mất đi, tôi vẫn sẽ nuôi các con và vẫn sống với mẹ chồng", cô Đức nhấn mạnh.

Những bức thư hồng - là tên gọi cho phương tiện liên lạc từ gia đình đến các chiến sĩ bộ đội ngày ấy. Theo lời chú Chuyền, mất 8 tháng để một bức thư được đưa từ bắc vào nam và ngược lại, có những lá thư còn chữ, cũng có những lá thư đã phai mờ chữ, thậm chí là dính cả máu của người giao liên trong đó.

Trong những bức thư đó, có một lá thư được cô cất kỹ, để dành cho những ngày cuối năm, khi ấy độc lập đang đến gần, cả nhà quây quần bên mâm cỗ được chuẩn bị kỹ càng. "Mẹ con tôi chuẩn bị mọi thứ kẹo, bánh,.. để chờ anh trở về theo lời của anh trong thư, thế nhưng chờ mãi không thấy đâu, các con hỏi tôi rằng bố bảo giải phóng Sài Gòn 1975 bố về… nhưng sao bố không về, thế là cả ba mẹ con ngồi khóc cả đêm giao thừa", cô Đức nghẹn ngào kể lại.

Giải thích lý do thất hẹn với ba mẹ con, chú Chuyền cho biết lẽ ra các anh em chiến sĩ giải phóng xong có thể về với gia đình, nhưng cá nhân chú vì có bằng cử nhân chế tạo máy, nên được cấp trên điều đi làm giảng viên tại trường Nông Lâm Súc. Chú nghĩ sẽ ở lại trước sau đó sẽ đón mẹ con vào sau, vì nếu làm ở đây sau này sẽ có tương lai cho con.

Tháng 3/1976, sau khi nhận được điện đàm từ gia đình hối thúc, chú Chuyền không thể ở thêm được nữa mà lập tức trở về Bắc. Gia đình đoàn tụ trong nước mắt sau 8 năm xa cách. Cả hai lần lượt có thêm hai người con được chú đặt tên là Hiếu và Thảo để cảm ơn vợ vì vẫn giữ lời hứa năm xưa.

Minh Tuyền

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 559891421290555149

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item