Tính toán của Nga khi đề xuất lập trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ

(DNTH) - Đề xuất biến Thổ Nhĩ Kỳ thành trung tâm khí đốt cho EU, Moskva dường như muốn lôi kéo Ankara về phía mình, khoét sâu chia rẽ ở châu...

(DNTH) - Đề xuất biến Thổ Nhĩ Kỳ thành trung tâm khí đốt cho EU, Moskva dường như muốn lôi kéo Ankara về phía mình, khoét sâu chia rẽ ở châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/10 nhắc lại đề xuất của ông về việc biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm khí đốt cho châu Âu, sau khi dòng khí đốt tới khu vực thông qua đường ống Nord Stream dưới biển Baltic ngừng hoạt động.

Ông chủ Điện Kremlin đã đưa ra ý tưởng xuất khẩu nhiều khí đốt hơn thông qua đường ống Turk Stream chạy bên dưới Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ khi ông gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Kazakhstan.


Đây là đề xuất năng lượng thứ hai mà Tổng thống Putin đưa ra trong tuần qua, giữa bối cảnh Moskva bị cáo buộc dùng khí đốt như "công cụ chính trị" để gây áp lực lên châu Âu nhằm chia rẽ ủng hộ của khu vực dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Lãnh đạo Nga lần đầu tiên lên tiếng về đề xuất với Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/10, nói rằng Nga có thể tăng khối lượng xuất khẩu khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống ở Biển Đen.

"Chúng tôi có thể xây dựng tuyến ống chính cung cấp khí đốt đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, tạo ra trung tâm khí đốt lớn nhất cho châu Âu ở đây, tất nhiên là với điều kiện các đối tác của chúng tôi quan tâm đến điều đó", Tổng thống Putin nói tại diễn đàn Tuần Năng lượng Nga ở Moskva.

Khi gặp ông Erdogan hôm qua, Tổng thống Nga giải thích rằng một trung tâm khí đốt như vậy sẽ góp phần điều chỉnh giá của mặt hàng này. "Chúng ta có thể dễ dàng điều tiết giá ở mức thị trường bình thường mà không có bất kỳ giọng điệu chính trị nào", ông nói.

Châu Âu đang đối mặt nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng khi mùa đông chuẩn bị đến. Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu cũng làm gia tăng lạm phát, buộc nhiều ngành công nghiệp phải cắt giảm sản lượng và khiến hóa đơn điện của người dân tăng vọt.

Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất áp giá trần khí đốt Nga, như một cách để kiềm chế nguồn thu của Moskva, vừa kiểm soát giá năng lượng khu vực. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng đề xuất lập trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ của ông Putin dường như là một biện pháp đáp trả EU.

Đức trước đó đã từ chối đề xuất của ông Putin về việc đẩy mạnh dòng khí đốt đến châu Âu thông qua một nhánh của đường ống Nord Stream 2 vốn chưa đi vào hoạt động. Moskva đã khóa vòi đường ống khác đang vận hành là Nord Stream 1 với lý do trục trặc kỹ thuật.

"Đây là một nỗ lực nữa của Nga nhằm sử dụng khí đốt như công cụ địa chiến lược để làm suy yếu các nước EU và NATO", Simone Tagliapietra, chuyên gia về chính sách năng lượng tại viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels, Bỉ, nhận xét về đề xuất của ông Putin với ông Erdogan.

Theo ông, Nga đang tìm cách lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, bằng viễn cảnh trở thành một trung tâm năng lượng, trong khi cố gắng tạo ra chia rẽ mới giữa các nước châu Âu.

Các đề xuất của Tổng thống Putin đến nay vẫn còn mơ hồ song dường như ông chủ Điện Kremlin đang cố gắng hồi sinh một phiên bản của đại dự án South Stream, đường ống dẫn khí đốt qua Biển Đen đến miền nam châu Âu mà ông đã loại bỏ vào năm 2014 khi vấp phải phản đối của EU và Mỹ. Sau khi hủy South Stream, Nga đã xây dựng một đường ống nhỏ hơn tới Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp khí đốt cho Hungary và vài nước khác thông qua tuyến này.

Mehmet Ogutcu, chủ tịch Câu lạc bộ Năng lượng London, nhận định đề xuất lập trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Nga "đang ở trong tình thế rất khó khăn" về xuất khẩu năng lượng, sau những động thái quay lưng từ phương Tây. Do hai đường ống Baltic đều không hoạt động, Nga hiện chỉ có thể vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống ở Ukraine, với lưu lượng đã giảm đáng kể.

"Nord Stream 1 và 2 đang đình trệ và sẽ không có khả năng hoạt động trong thời gian dài, sau các sự cố rò rỉ gần đây", Ogutcu nói. "Châu Âu đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không tham gia hợp tác khí đốt với Nga chừng nào xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Thổ Nhĩ Kỳ là lựa chọn duy nhất của ông ấy".

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cũng đã ấp ủ tham vọng trở thành một trung tâm khí đốt của châu Âu. Theo giới quan sát, điều này có thể biến Ankara thành một thế lực mạnh mẽ trên thị trường năng lượng toàn cầu, đóng vai trò trung gian trong dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Tổng thống Erdogan chưa bình luận công khai về đề xuất của ông Putin. Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Fatih Donmez cho biết "còn quá sớm" để đánh giá vấn đề này. "Về mặt kỹ thuật thì điều đó là có thể", Bộ trưởng Donmez nói. "Nhưng với các dự án quốc tế như vậy, cần tiến hành đánh giá kỹ thuật, thương mại và pháp lý cùng các nghiên cứu khác về tính khả thi".

Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc nhiều vào Nga về năng lượng và du lịch. Ankara đã chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng không tham gia vào các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên Moskva. Họ vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Ukraine, định vị mình là trung gian hòa giải giữa hai bên xung đột. Ankara gần đây đã giúp dàn xếp thỏa thuận ngũ cốc quan trọng, cho phép Ukraine xuất khẩu lương thực qua Biển Đen, cũng như thúc đẩy hoạt động trao đổi tù binh giữa Kiev và Moskva.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải rất thận trọng với đề xuất từ phía Nga. "Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn phải hành động một cách tinh tế để đạt được thế cân bằng. Nếu họ nghiêng quá nhiều về Nga, mối quan hệ giữa Ankara và phương Tây sẽ bị ảnh hưởng", Ogutcu nói.

Tagliapietra cũng cho rằng kế hoạch của Tổng thống Putin khó có khả năng thành công. Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý với đề xuất, EU sẽ không bao giờ chấp thuận.

Massimo Di Odoardo, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu khí đốt từ công ty tư vấn Wood Mackenzie, trụ sở ở Edinburgh, Scotland, nhận định các đường ống hiện có hoàn toàn đủ công suất để tăng dòng khí đốt từ Nga đến châu Âu. "Ý tưởng rằng châu Âu cần thêm đường ống để tăng công suất tiếp nhận khí đốt Nga thực sự không đúng", ông nói.

Thiên Long 

Tin liên quan

THẾ GIỚI 2036551340810960377

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item