Ngày hội 'Sống trọn vẹn' 2022: Xoá bỏ kỳ thị người nhiễm HIV
(DNTH) - Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), ngày 30/11, Hội Phòng, ch...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2022/11/ngay-hoi-song-tron-ven-2022-xoa-bo-ky-thi-nguoi-nhiem-hiv.html
(DNTH) - Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), ngày 30/11, Hội Phòng, chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội “Sống trọn vẹn”.
Theo khảo sát 1.623 người nhiễm HIV của mạng lưới người sống với HIV, giai đoạn từ năm 2011- 2020, ghi nhận chỉ số kỳ thị tại Việt Nam còn ở mức rất cao. Trong đó có hơn 50% người nhiễm HIV cho biết, việc tiết lộ tình trạng nhiễm đã dễ dàng hơn theo từng giai đoạn; 27,2% người bỏ lỡ việc điều trị vì sợ người khác biết tình trạng bệnh; 69,2% người nhiễm lo ngại người khác phát hiện tình trạng nhiễm, trì hoãn việc xét nghiệm, điều trị.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chỉ thị, tổ chức các lớp tập huấn nhằm chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người HIV/AIDS cùng đó là việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, cung cấp dịch vụ dự phòng như thuốc Arv, Prep và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ngày hội nhằm kêu gọi giới trẻ ủng hộ những nỗ lực phòng chống HIV, chung tay xoá bỏ kỳ thị đối với người nhiễm HIV, hoạt động này cũng nằm trong tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2022 và kỷ niệm ngày thế giới phòng chống AIDS.
Tại ngày hội, hơn 200 bạn trẻ cũng đã tham gia các hoạt động truyền thông về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử những người nhiễm HIV/AIDS, tham quan các gian hàng của các đội nhóm đến từ các tỉnh thành.
Ngày hội “Sống trọn vẹn” năm 2022 diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa như hội thảo “Kỳ thị đối với người sống với HIV: Còn hay không?”, hội thảo “Vai trò của cộng đồng trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế về HIV”, chương trình “Hội ngộ cộng đồng phía Nam: Thách thức và Cơ hội”, tọa đàm “Người có HIV cần biết”, tọa đàm “Vì hiểu mà đến”. Đặc biệt là chương trình gala “Sống trọn vẹn” tổng kết các trao đổi trong các hội thảo và chia sẻ những thông điệp của chính những người trong cuộc và thông điệp động viên đến từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Gian hàng chia sẻ kiến thức về HIV/AIDS cho các bạn học sinh, sinh viên tham dự Ngày hội.
Thông qua Ngày hội, Ban Tổ chức hy vọng sẽ vận động được các bạn trẻ tìm hiểu thêm kiến thức để bảo vệ chính mình và người thân khỏi HIV; đồng thời kêu gọi sự phối hợp của các cấp, ngành, các cơ quan báo chí, truyền thông và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ xã hội thực hiện “ngưng kỳ thị” người sống với HIV.
Bà Tiêu Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội phòng chống HIV/AIDS TPHCM cho biết, từ năm 2008, việc hỗ trợ người nhiễm chủ yếu do chi hội trực thuộc các cơ sở y tế công lập đảm nhiệm. Đến năm 2013, với sự tài trợ của các nguồn lực trong và ngoài nước, TPHCM đã xây dựng được các nhóm cộng đồng hỗ trợ người nhiễm HIV, không chỉ hoạt động tại TPHCM mà còn hỗ trợ ở các tỉnh thành khác, qua đó nhằm tìm ra những bệnh nhân mới, giúp họ tiếp cận các dịch vụ điều trị, đẩy nhanh tiến độ kết thúc đại dịch vào năm 2030.
Bà Susan Burns - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh
Người sống với HIV thì “sống trọn vẹn” nghĩa là phải có thuốc duy trì, phải tuân thủ điều trị dù trong hoàn cảnh nào, không bị kỳ thị phân biệt đối xử, cũng như được bảo vệ quyền và sống có trách nhiệm. Nhiều nhóm cộng đồng người sống với HIV tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã có sự chuyển mình, tiến bộ rất nhiều; vượt qua mặc cảm, tự ti để trở thành người sống có ích cho xã hội và đem kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để giúp đỡ, hỗ trợ những người cùng hoàn cảnh. Do đó, họ càng nên nhận được sự tôn trọng, chia sẻ từ xã hội - Bà Tiêu Thị Thu Vân nói thêm.
Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Susan Burns đánh giá cao khả năng thích ứng và quyết tâm của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác chăm lo cho cộng đồng người sống với HIV tại Việt Nam. Bà Susan Burns hy vọng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống y tế, cộng đồng tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, cũng như đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người sống với HIV.
Khải Hoàng