Ngược dòng lịch sử tìm về văn hoá của dân tộc Ainu – Nhật Bản

(DNTH) - “Khám phá thời trang Nhật Bản” tập 3 đi tìm nền văn hoá lâu đời của dân tộc thiểu số Ainu tái hiện qua trang phục Attus và hé lộ nh...

(DNTH) - “Khám phá thời trang Nhật Bản” tập 3 đi tìm nền văn hoá lâu đời của dân tộc thiểu số Ainu tái hiện qua trang phục Attus và hé lộ những “bí ẩn” chưa được giải mã.

Tiếp nối hành trình khám phá các bí ẩn đằng sau những bộ trang phục độc đáo của xứ sở Phù Tang, “Khám phá thời trang Nhật Bản” tập 3 đưa khán giả đến thăm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ tại hòn đảo Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản. Đồng thời, lần theo những vết tích còn sót lại ven bờ hồ Akan, MC Hiền Shino và Minh Dũng đã mở ra bản đồ khám phá nền văn hoá bí ẩn lâu đời của người Ainu – một trong những dân tộc thiểu số tại xứ sở hoa anh đào.


Được biết, người Ainu là dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở Hokkaido, sử dụng tiếng nói riêng của dân tộc, phát triển nền văn hoá độc đáo của riêng mình và tin vào tín ngưỡng: mọi thứ trong tự nhiên đều có linh hồn. Ngày nay, mặc cho sự phát triển mạnh mẽ của thời đại, người Ainu vẫn lưu giữ truyền thống từ xa xưa như nghi lễ gửi lời cầu nguyện đến các vị thần Kamuynomi, lễ hội Marimo ở hồ Akan, điệu múa Ainu truyền thống Akan – di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận,…


Theo chân Hiền Shino và Minh Dũng – hai MC và cũng là khách mời trải nghiệm của “Khám phá thời trang Nhật Bản”, đến một cửa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, cả hai lấy làm ngạc nhiên khi nhìn những nét hoa văn quen thuộc lặp đi lặp lại trên các sản phẩm. “Đây là hoa văn trên trang phục của người Ainu, phần nhọn của hoa văn được gọi là Aiushi và phần tròn của hoa văn là Moreu. Người Ainu thêu hoa văn trên cổ tay áo và gấu quần để tránh những điều xấu do ma quỷ mang lại như bệnh tật” – ông Masaki, chủ cửa hàng cho biết.

Ông Takiguchi Kengo, một nghệ nhân khắc gỗ, người hiểu biết về văn hoá, thực vật xoay quanh người Ainu và luôn nỗ lực truyền bá văn hoá Ainu đến thế giới cũng nói thêm về loại hoa văn đặc biệt này: “Từ thời không có biên giới quốc gia, tôi cho rằng có sự cạnh tranh giữa các dân tộc để xem ai là chủ nhân của loại hoa văn này vì nhiều dân tộc vùng Okhotsk (vùng biển phía Tây Bắc Thái Bình Dương) cũng ở hữu những hoa văn dạng xoắn như thế này”.


Qua lời hướng dẫn của ông Takiguchi Kengo, khán giả được biết người Ainu làm tơ sợi từ lớp vỏ cây. Giải thích cho chiếc túi dệt thưa trên tay Minh Dũng, Hiền Shino chia sẻ: “Chiếc túi này là người Ainu cố tình dệt sợi thưa như vậy, bất cứ đồ vật nào để trong giỏ bị rớt xuống thì có nghĩa chúng là của thần, được lựa chọn để trở về với đất mọc thành cây và mang lại nhiều hạt hơn cho họ”. Được biết, từ xa xưa người Ainu luôn cố gắng để đưa ra những sáng kiến sử dụng tài nguyên bền vững nên thiên nhiên xung quanh luôn được bảo tồn toàn diện.

Tại nhà hàng truyền thống Poronno, khán giả được khám phá quy trình làm bánh Potce Pizza, một loại bánh kết hợp giữa nguyên liệu truyền thống và món ăn hiện đại. Bà Fukiko – chủ nhà hàng, cho biết: “Đây là loại bột khoai tây được đông lạnh vào mùa đông rồi được phơi ở bên ngoài trong thời tiết ấm áp mùa xuân. Sau đó, chúng lên men và tráng qua với nước rồi đưa qua rây lọc, lặp lại nhiều lần như vậy. Cuối cùng phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Loại bột này có thể bảo quản đến 40 năm”. Sự thật về chiếc bánh này khiến cô nàng Hiền Shino và anh chàng Minh Dũng trầm trồ về nhiều giai đoạn kì công mà cũng đầy bất ngờ khi biết đến thời gian bảo quản của nó.

Điểm đến tiếp theo của hành trình là làng Nibutani ở thị trấn Biratori, Hiền Shino và Minh Dũng đưa khán giả đến khám phá ngôi nhà truyền thống được làm thủ công và bảo tàng văn hoá Ainu. Tại đây, khán giả được chiêm ngưỡng những đồ vật lịch sử đặc biệt của dân tộc Ainu được lưu giữ đến ngày nay: giày được làm từ da cá hồi, giày được làm từ lòng bắp chân hươu, vải dệt Attus,….

Lần theo những dấu vết từ bảo tàng dân tộc Ainu, hai người bạn trẻ đã đưa khán giả tìm đến xưởng dệt của nghệ nhân Yukiko Kaizawa – người đã dệt Attus trong 60 năm, đạt giải thưởng Văn hoá dành cho uỷ viên phụ trách văn hoá và giải thưởng Văn hoá Hokkaido cho việc quảng bá văn hoá Ainu, để tìm hiểu về quá trình kiên nhẫn của người thợ dệt để cho ra đời loại vải truyền thống Attus từ việc đun sôi và làm mềm vỏ cây rồi tách thành từng sợi nhỏ để dệt thành một bộ trang phục hoàn chỉnh. Được biết, người phụ nữ có thể dành đến 1 năm cho các công đoạn để dệt thành một chiếc áo như thế khiến hai bạn trẻ vỗ tay khâm phục.

Khoác lên người bộ trang phục của dân tộc Ainu, cô nàng xinh đẹp Hiền Shino và anh chàng Minh Dũng cho biết hạnh phúc khi được học kỹ thuật thêu Ohokar – một kỹ thuật khá giống mũi thêu móc xích của Việt Nam và tự tay làm ra chiếc bùa may mắn cho chính mình dưới sự giúp đỡ của nghệ nhân Takano Keiko. Bà Takano Keiko cũng chia sẻ về những cảm xúc khi thêu hoa văn Ainu: “Vật này cho dù nhỏ bé, nhưng khi nghĩ đến việc ai đó sử dụng nó thì sẵn sàng đặt cả tấm lòng của mình vào việc thêu thùa. Từ xưa chúng tôi đã được dạy phải nghĩ như thế để làm ra bộ trang phục hoàn hảo”.

Với niềm đam mê tìm hiểu và sáng tạo của các bạn trẻ, nền văn hoá truyền thống đang từng bước hồi sinh và chuyển mình mạnh mẽ. “Khám phá thời trang Nhật Bản” đồng hành cùng tình yêu văn hoá của người trẻ gồm 5 tập với sự đồng hành của các khách mời trải nghiệm trẻ trung Hiền Shino, Minh Dũng và Hot TikTok Snoop.pi.

Minh  Tuyền  

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 7822034854515617092

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item