Nữ giảng viên thành công mô hình rau organic áp dụng tiêu chí độc lạ '6 không'
(DNTH) - Từ một giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, vốn không biết gì về nông nghiệp, chưa từng trồng bất cứ loại rau quả nào, chị N...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2023/03/nu-giang-vien-thanh-cong-mo-hinh-rau.html
(DNTH) - Từ một giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, vốn không biết gì về nông nghiệp, chưa từng trồng bất cứ loại rau quả nào, chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên bén duyên với nông nghiệp và thành công với mô hình rau hữu cơ.
Vốn là giảng viên một ngành nghề không liên quan nhưng chị Quỳnh Viên lại vô tình bén duyên với nông nghiệp khi theo đuổi đề tài Tiến sĩ vào năm 2018 về việc nghiên cứu khống chế sâu bệnh bằng phương pháp vi sinh.
Thời sinh viên, chị từng thành công với nghiên cứu xử lý nước rỉ rác bằng phương pháp vi sinh, phát hiện khả năng làm sạch nước nhiễm bẩn rất hiệu quả và an toàn của vi sinh vật so với phương pháp hóa học thuần túy.
Học về hóa, chị thấy có nhiều cái khoa học không làm được mà vi sinh làm được. Cuộc cách mạng vi sinh là cuộc cách mạng của tương lai. Vì phân hóa học không thể giải quyết triệt để, gây ra tồn dư hóa học. Nếu biết kết hợp giữa vi sinh và hóa học sẽ bổ trợ cho nhau rất tốt. Chị đã bước vào nông nghiệp với tư cách của một người nghiên cứu, và muốn biến nghiên cứu ấy thành hiện thực.
Năm 2010, khi chuẩn bị làm luận án Tiến sỹ, chị đã chọn đề về sử dụng vi sinh để khống chế sâu bệnh trên rau xanh, thay cho phun thuốc trừ sâu. Và vườn rau hữu cơ đã ra đời trong quá trình làm những nghiên cứu này.
“Năm 2012 khi đưa rau hữu cơ Happy Vegi chào hàng các cửa hàng thực phẩm, chúng tôi bị từ chối vì giá quá mắc. Thời điểm đó, giá các loại rau khác có 10.000 đồng/kg, còn rau Happy Vegi là 60.000 đồng/kg. Phải mất thời gian dài, Happy Vegi mới thuyết phục được nhà phân phối và cả khách hàng.
Ban đầu, chị thử trồng rau ở Long An nhưng kết quả thất bại. “Xung quanh mảnh vườn tôi làm, những người nông dân trồng rau khác vẫn phun xịt thuốc bình thường, vườn rau của tôi hiển nhiên trở thành “miếng mồi ngon” của sâu bệnh”, Quỳnh Viên nhớ lại. Sau đó, chị thuê được 1 mảnh đất cằn cỗi, cỏ mọc um tùm ở Tân Bình và trải qua 8 năm không lợi nhuận, cùng với sự đồng hành của chị Trần Ngọc Diệp, chuyên gia xây dựng thương hiệu, để có được ngày hôm nay.
Bằng những nỗ lực không ngừng, chị thành lập công ty trồng và cung cấp rau hữu cơ vào năm 2012, tiếp tục phát triển nên vào năm 2016, thương hiệu Happy Vegi chuyên cung cấp rau sạch, rau hữu cơ,... chính thức được người tiêu dùng đón nhận.
Đặc biệt, để đảm bảo đầu ra cũng như gia tăng sản lượng rau mà không giảm chất lượng, khu vườn của chị được ứng dụng công nghệ số hóa với tiêu chí “6 không” vào quá trình sản xuất: Không thuốc trừ sâu - Không trồng trên đất nước ô nhiễm - Khôngdùng phân hóa học - Không dùng chất bảo quản - Không kích thích tăng trưởng -Không dùng giống biến đổi gen.
Vào những ngày cuối tuần, vườn rau hữu cơ của chị Quỳnh Viên còn thường xuyên đón những đoàn học sinh, sinh viên, những người thích trồng rau… đến tham quan, chăm sóc rau. Chị đã xây dựng được một mô hình chuẩn, nhằm chứng minh rằng nhà nông nào cũng có thể trồng rau hữu cơ, và sẵn sàng chuyển giao công nghệ ấy cho mọi người cùng làm.
Không ngại khó khăn vất vả, chị Viên chỉ hướng đến giá trị cuối cùng đó là tạo ra một sản phẩm tốt cho người dùng lẫn môi trường, đem mô hình này được mở rộng, cải thiện và tiếp cận đến nhiều người hơn. Tuy vậy, để hiện thực hóa khát khao đó, chị cũng đã từng gặp không ít trắc trở, nhất là chị phải khẳng định cho khách hàng thấy sản phẩm của mình là hữu cơ thật và an toàn cho sức khỏe. Bằng những kiến thức và sự sáng tạo của mình, Quỳnh Viên đã cho in mã QR code lên sản phẩm để khách hàng có thể tự quét và kiểm chứng chất lượng qua chứng nhận hữu cơ.
“Ba giá trị tạo cảm hứng cho tôi để quyết liệt tới cùng với nông nghiệp hữu cơ, trước tiên là vì 70% nông dân của đất nước này. Chưa nói tới sản phẩm, hàng ngày chính họ mới là người hít phải chất độc nhiều nhất từ phân thuốc trừ sâu trong khi canh tác. Dù họ có trồng luống rau để ăn riêng nhưng trong môi trường dùng hóa chất, họ hít nhiều hơn người ăn rất nhiều. Thứ hai là chỉ có hữu cơ mới giúp cho đất đai không bạc đi, môi trường trong lành.Thứ ba sản phẩm hữu cơ đưa tới tay người tiêu dùng an toàn tuyệt đối".
Đến nay, Happy Vegi có 3 vườn rau với tổng diện tích 30.000m2 sản xuất hơn 30 loại rau củ quả và trái cây theo mùa tại TP.HCM, Măng Đen (Kon Tum) và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau 8 năm gia nhập thị trường, Happy Vegi mới thiết lập hệ thống 21 cửa hàng tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, bên cạnh các chuỗi siêu thị trong cả nước”, – Chị Quỳnh Viên chia sẻ. “Hiện lượng rau chúng tôi sản xuất không đủ bán, vì các đối tượng mua họ hiểu giá trị của mình, nên tiêu thụ không có gì khó khăn”.
Bên cạnh việc đưa mô hình rau sạch được phát triển mạnh mẽ hơn, chị còn muốn số hóa trong nông nghiệp sẽ ứng dụng nhiều hơn ít nhất là trong vòng 5 năm tới.
Minh Tuyền