Giá thuê văn phòng hạng A, B đều ghi nhận mức giảm nhẹ trong Quý 1/2023
(DNTH) - Theo báo cáo Quý 1/2023 g iá thuê văn phòng hạng A, B đều ghi nhận mức giảm nhẹ trong Quý 1/2023. Trong Quý 1/2023, thị trường văn ...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2023/04/gia-thue-van-phong-hang-ab-deu-ghi-nhan-muc-giam-nhe.html
(DNTH) - Theo báo cáo Quý 1/2023 giá thuê văn phòng hạng A, B đều ghi nhận mức giảm nhẹ trong Quý 1/2023.
Trong Quý 1/2023, thị trường văn phòng TP.HCM chỉ có một tòa nhà mới đi vào hoạt động là tòa nhà OfficeHaus tại khu đô thị Celadon City, đây là tòa văn phòng hạng B đầu tiên tại quận Tân Phú. Tòa nhà được thiết kế hiện đại với mặt sàn diện tích lớn và đạt chứng chỉ LEED Gold, cung cấp gần 15.000 m2 sàn cho thuê mới cho thị trường. Hiện tại, tòa nhà mới này đã có khách thuê đầu tiên là công ty Mercedes-Benz. Dự kiến trong tương lai gần TP.HCM sẽ ngày càng có nhiều tòa nhà văn phòng chất lượng cao được xây dựng và hoàn thành tại các quận ngoài trung tâm, nhất là tại các vị trí có kết nối thuận tiện và tiện ích đầy đủ.
Về tình hình hoạt động, giá thuê văn phòng của cả hai hạng A, B đều ghi nhận mức giảm nhẹ trong Quý 1/2023. Trong đó, giá thuê trung bình hạng A đạt 45,6 USD/m2/tháng, giảm 0,7% so với Quý 4/2022 nhưng vẫn ghi nhận tăng 1,6% so với cùng kì năm ngoái. Mức giá thuê này cho thấy các chủ nhà tòa văn phòng hạng A đã bắt đầu thận trọng hơn với các chính sách cho thuê để đối phó với tình hình suy thoái kinh tế hiện tại. Đối với hạng B, mức giá trung bình đạt 25,6 USD/m2/tháng, giảm 0,8% so với quý trước và 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của CBRE, trong thực tế, mức giá chào thuê và mức giá chốt trên hợp đồng có thể chênh từ 15% - 20% tùy vào điều kiện chào thuê và diện tích thuê.
Quý 1/2023 ghi nhận sự trở lại của các giao dịch thu hẹp và trả mặt bằng với quy mô lớn, đặc biệt đến từ nhiều doanh nghiệp là chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn về tài chính. Ngoài ra, nhiều giao dịch đang trong quá trình thương thảo cũng phải trì hoãn tạm thời do cắt giảm ngân sách hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, một số chủ nhà cũng chào thêm các mặt bằng đã giữ lại trong giai đoạn trước ra thị trường. Những yếu tố trên cùng với khó khăn kinh tế trước mắt đã gây áp lực lên thị trường văn phòng khi lần đầu tiên sau giai đoạn đại dịch, diện tích thuê mới rất hạn chế, trong khi đó diện tích khách lại trả mặt bằng và thu hẹp tăng nhiều, dẫn đến diện tích trống của hạng A tăng 3.500 m2 và diện tích cho thuê mới của hạng B cũng chỉ hơn 2.200 m2 (trong đó đã bao gồm gần 3.800m2 của dự án mới đi vào hoạt động). Theo đó, tỷ lệ trống văn phòng hạng A và hạng B lần lượt là 6,9% và 9,8%, tương đương với mức tăng 0,7 điểm phần trăm và 1,1 điểm phần trăm so với quý trước.
Về mục đích cho thuê, dịch chuyển mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn với hơn 70% tổng diện tích giao dịch tại TP.HCM trong Quý 1/2023, gia hạn hợp đồng chiếm 14% và cho thuê mới chiếm 7%. Đáng chú ý trong quý này, tỷ lệ thu hẹp và trả mặt bằng chiếm 5% tổng diện tích giao dịch, cao hơn tỷ lệ mở rộng mặt bằng, với chỉ 3% tỷ trọng.
Nhóm ngành Tài chính/ Ngân hàng, Dịch vụ và Công nghệ thông tin là các ngành có hoạt động thuê tích cực nhất trong Qúy 1 với tỷ lệ diện tích thuê lần lượt là 37%, 17% và 13%.
Trong năm 2023, thị trường dự kiến sẽ có thêm sáu tòa nhà văn phòng mới với khoảng 170.000m2 sàn và hạng A vẫn sẽ chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 80% tổng nguồn cung.
Đánh giá về thị trường, bà Thanh Phạm – Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn của CBRE Việt Nam cho biết: “Nguồn cung mới dồi dào cùng với ngân sách thắt chặt của các công ty trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế sẽ đặt nhiều áp lực lên tình hình hoạt động của thị trường văn phòng TP.HCM. Các chủ đầu tư cần phải thận trọng khi đưa ra các chính sách chào thuê, nhất là những dự án mới cần phải thật sự linh hoạt trong điều khoản thuê để đạt tỷ lệ lấp đầy như kỳ vọng.”
Khải Hoàng