Ngày xưa có một chuyện tình - truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim điện ảnh
(DNTH) - Trước dự án điện ảnh Ngày xưa có một chuyện tình, một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim từng gây t...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2023/06/ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh-truyen-dai.html
(DNTH) - Trước dự án điện ảnh Ngày xưa có một chuyện tình, một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim từng gây tiếng vang lớn.
Ngày 19/6, Nhà sản xuất HKFilm, CJ HK Entertainment và SATE đã chính thức công bố những thông tin đầu tiên về dự án phim điện ảnh Ngày xưa có một chuyện tình. Đây là bộ phim được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xuất bản lần đầu tiên vào năm 2016 và tái bản đến hơn 10 lần với các phiên bản bìa sách khác nhau cho đến nay. Tác phẩm nhận nhiều đánh giá tích cực cùng sự yêu mến từ độc giả trên khắp cả nước nhờ câu chuyện nhẹ nhàng, lãng mạn mà thấm đẫm suy ngẫm về tình yêu và sự trưởng thành.
Ngày xưa có một chuyện tình xoay quanh câu chuyện tình bạn, tình yêu giữa hai chàng trai và một cô gái từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, phải đối mặt với những thử thách của số phận. Bộ ba Phúc, Vinh, Miền đã cùng yêu, cùng bỡ ngỡ bước vào đời, va vấp và vượt qua. Câu chuyện thú vị, độc đáo nhờ cách kể qua các góc nhìn của từng nhân vật thay vì một người duy nhất, để độc giả đồng cảm hơn với câu chuyện. Đây không chỉ là cuốn sách về thời thơ ấu và niên thiếu mà còn phản chiếu trải nghiệm tình yêu của những người trưởng thành.
Thông qua bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình, khán giả ở những độ tuổi khác nhau đều có thể nhìn thấy câu chuyện của mình, được gợi nhắc một phần tuổi trẻ tươi đẹp và được an ủi bởi nỗi giằng xé, nuối tiếc khi trưởng thành từ nhân vật trong phim. Những thước phim sẽ vừa thơ, vừa thực, lãng mạn nhưng cũng thật dữ dội như chính thời thanh xuân của mỗi người.
Đồng hành cùng nhà sản xuất trong dự án là đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Được biết đến là một đạo diễn trẻ tài năng, từng thực hiện Thưa mẹ con đi (2019) và Bằng chứng vô hình (2020) cùng loạt phim tài liệu và phim ngắn, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ghi dấu ấn bởi cách kể chuyện riêng biệt, khéo léo lồng ghép nghệ thuật, cài cắm dụng ý trong những điều gần gũi nhất.
Trở lại cùng dự án mới Ngày xưa có một chuyện tình, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ: "Ngày xưa có một chuyện tình mang phong vị rất riêng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tiếp xúc với một phần các tác phẩm của ông, tôi nhận thấy bên cạnh khai thác tinh tế những rung động ở tuổi cập kê, phim còn khai thác sâu sắc những lựa chọn và sự trưởng thành trong tình yêu. Đây là câu chuyện rất đỗi dịu dàng nhưng cũng thật dữ dội và có lẽ là tác phẩm đầu tiên mà nhà văn miêu tả nhân vật trong khoảnh khắc gần gũi một cách gợi cảm đến vậy".
Trước dự án điện ảnh Ngày xưa có một chuyện tình, một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim từng gây tiếng vang lớn như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Cô gái đến từ hôm qua (2017), Mắt biếc (2019). Nhưng đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết, thay vì cảm thấy áp lực, anh hào hứng nhiều hơn về bộ phim tiếp theo trong sự nghiệp: "Tôi nghĩ mỗi đạo diễn khi tiếp nhận kịch bản đều có những lựa chọn riêng và cách xử lý dựa trên nền tác phẩm gốc. Tôi tự tin mình sẽ mang đến những cảm giác, không khí mới, một trải nghiệm điện ảnh thật sự đặc biệt trong lần chuyển thể này".
Nhân dịp công bố dự án Ngày xưa có một chuyện tình, nhà sản xuất và đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cũng tổ chức buổi tuyển chọn để tìm kiếm những diễn viên phù hợp. Sự xuất hiện của những gương mặt trẻ cùng diễn xuất mới mẻ, cách cảm nhận nhân vật và câu chuyện từ mỗi cá nhân tiềm năng sẽ góp phần đem đến làn gió mới cho Ngày xưa có một chuyện tình.
Ê-kíp sẽ tổ chức buổi tuyển chọn diễn viên với các vai: Phúc, Vinh, Miền ở giai đoạn thơ ấu (khoảng 12 tuổi) và giai đoạn trưởng thành (từ 17 cho đến 25 tuổi). Ngoài ra, có một nhân vật đặc biệt - bé Su đòi hỏi diễn viên nhí trong độ tuổi 7 - 8 tuổi.
Minh Tuyền