Nam nghệ nhân hơn 30 năm thăng trầm giữ lửa nghề làm đèn lồng truyền thống khiến MC Hồng Phúc, Huỳnh Hồng xúc động
(DNTH) - Trong tập 9 chương trình Bách nghệ kỳ thú (chiếu HTV7), MC Hồng Phúc đưa diễn viên Huỳnh Hồng Loan tìm hiểu về làng nghề làm lồng ...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2023/09/nam-nghe-nhan-hon-30-nam-thang-tram-giu.html
(DNTH) - Trong tập 9 chương trình Bách nghệ kỳ thú (chiếu HTV7), MC Hồng Phúc đưa diễn viên Huỳnh Hồng Loan tìm hiểu về làng nghề làm lồng đèn truyền thống tại Quận 11, TPHCM.
Cách đây hơn 50 năm, theo chân di cư của những nghệ nhân làm lồng đèn ở Bác Cổ, tỉnh Nam Định, nghề làm lồng đèn giấy đã đến với mảnh đất phía Nam và trải qua nhiều thế hệ với người dân xóm Phú Bình (Quận 11, TPHCM).
Đèn lồng Phú Bình nổi tiếng với giấy căng bóng, khung đèn uốn lượn tinh xảo, màu sắc tươi thắm và hoa văn trang trí mềm mại. Mỗi chiếc đèn lồng đều được chế tác bằng tay, từ việc chẻ tre, kết kẽm, tạo hình, dán giấy cho đến việc vẽ hoa văn trang trí.
Mỗi dịp trung thu, xóm Phú Bình cung cấp khoảng 4.000 chiếc lồng đèn ra thị trường. Với những chiếc đèn lồng tinh xảo, đẹp mắt được chế tác thủ công bởi những đôi tay khéo léo cùng niềm đam mê của những người thợ tại xóm lồng đèn đã khiến nơi đây không chỉ là nơi sản xuất và kinh doanh đơn thuần, mà còn là nơi gìn giữ, truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.
Đến đây, MC Hồng Phúc và diễn viên Huỳnh Hồng Loan háo hức khi được dịp khám phá và trải nghiệm các công đoạn để tạo ra một chiếc lồng đèn thủ công thành phẩm qua sự hướng dẫn nhiệt tình của người thợ làm nghề.
Ghé thăm cơ sở làm lồng đèn Trọng Bình Cổ Đăng, hai nghệ sĩ gặp gỡ anh Nguyễn Trọng Bình, một nghệ nhân tại làng nghề. Là truyền nhân đời thứ 3 làm lồng đèn tại Phú Bình, anh Bình cho biết, từ đời ông bà dời vào đây lập nghiệp thì nghề này đã làm được khoảng hơn 70 năm.
Riêng anh đã có hơn 30 năm làm nghề. Từ khi mới 12-13 tuổi, anh học từ cha mẹ, cứ tự nhiên người làm nghề đời trước truyền cho đời sau và được lưu giữ cho đến tận ngày nay. Với nam nghệ nhân, làm lồng đèn giấy thủ công là đam mê và cũng là điều mà anh đã theo đuổi từ nhỏ nên nếu chỉ nói đến chuyện tiền bạc, vật chất thì không đủ để đáp ứng thu nhập.
“Làm lồng đèn thủ công rất cực, phải làm từng chi tiết, từng công đoạn rồi ráp lại với nhau không dễ dàng. Thậm chí, có nhiều mô hình lồng đèn quá to mà nhà nhỏ quá không làm được, tôi phải thức trắng đêm làm lồng đèn ở ngoài đường” - anh nói thêm.
Bên cạnh đó, vào những năm 1990-1995, lồng đèn điện tử mới xuất hiện và rất được các bạn nhỏ thời đó thích thú nên việc tiêu thụ lồng đèn truyền thống trở nên khó khăn khiến anh Bình phải bỏ nghề mất 8 năm.
Anh kể, thời điểm đó sản phẩm làm ra ít nhất là 5.000 lồng đèn nhưng bán chưa được một nửa, không hoàn được vốn nên phải bỏ nghề. Nhưng vì yêu nghề nên anh quyết định quay lại, đồng thời tìm hiểu nhiều hơn về thị trường, nâng cấp sản phẩm lên để “chạy đua” với lồng đèn điện tử.
Trò chuyện cùng 2 nghệ sĩ, nam nghệ nhân không giấu được niềm vui vì các con dù còn nhỏ nhưng đã rất thích thú với nghề truyền thống gia đình. Anh khoe con gái 10 tuổi đã biết vẽ các họa tiết trang trí đơn giản trên lồng đèn.
Bên cạnh công việc làm lồng đèn truyền thống, anh Bình còn được biết đến là một nghệ nhân tâm huyết phục dựng thành công nhiều sản phẩm lồng đèn cổ xưa của nước nhà. Anh cho biết, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách là người khó tính, làm sai là phải làm lại vì vậy 1 năm anh chỉ phục dựng được 1 sản phẩm lồng đèn cổ.
MT