Singapore cùng với các nước láng giềng muốn xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa vững chắc
(DNTH) - Một quan chức kinh tế Singapore ngày 14/9/2023 cho biết, Singapore đang hợp tác với Malaysia và Indonesia để xây dựng chuỗi cung ứn...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2023/09/singapore-cung-voi-cac-nuoc-lang-gieng.html
(DNTH) - Một quan chức kinh tế Singapore ngày 14/9/2023 cho biết, Singapore đang hợp tác với Malaysia và Indonesia để xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ và bền vững trong khu vực, nhằm tận dụng tối đa các thay đổi trong dòng chảy sản xuất hàng hóa toàn cầu.
Theo bà Jacqueline Poh - Giám đốc Điều hành Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB), đảo quốc sư tử đang hưởng lợi nhờ các khoản đầu tư ngày càng tăng từ Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Singapore cũng tăng cường hợp tác với những nước xung quanh để thành lập các trung tâm sản xuất trong vùng, nằm trên lãnh thổ của mình, bang Johor phía Nam Malaysia và quần đảo Riau của Indonesia gần đó.
Bà Poh thông tin như vậy tại một sự kiện kinh tế do LSEG và Reuters tổ chức. Bà Poh nói: “Cùng với Malaysia và Indonesia, chúng tôi có thể hình thành một vùng sản xuất hàng hóa mạnh mẽ để tăng cường chuỗi cung ứng từ khu vực Đông Nam Á”.
Theo một số chuyên gia, những nỗ lực này sẽ giúp nâng cao vị thế của Singapore như một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, trong bối cảnh tài sản toàn cầu tiếp tục đổ về châu Á. Singapore đang tận dụng sự thay đổi đó, bằng cách biến mình thành trung tâm quản lý tài sản cho giới siêu giàu.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong khu vực đang ngày càng khốc liệt, bởi nhiều nền kinh tế đã thoát khỏi tình trạng khó khăn vì Covid-19.
Cũng trong buổi chia sẻ, bà Poh dự đoán nguồn vốn nước ngoài đổ về Singapore năm 2023 có thể ít hơn năm 2022.
Một năm trước, đảo quốc sư tử nhận 16,5 tỷ USD vốn nước ngoài đầu tư vào tài sản cố định, trong đó 66% là tới những dự án sản xuất thiết bị điện tử. Có thể nói, động lực cho các nguồn vốn này tìm đến Singapore, do nhu cầu chất bán dẫn toàn cầu cao. Dẫu vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, nhu cầu chip và chất bán dẫn trên thế giới đang giảm, kéo theo các nguồn vốn cũng đi xuống.
Từ lâu, Singapore là một trung tâm hàng điện tử quan trọng, khi chiếm tới 11% thị trường chất bán dẫn toàn cầu và xuất khẩu 20% ra thế giới.
Bà Poh cũng chia sẻ, EDB đang ưu tiên và khuyến khích đầu tư vào tài chính xanh, cùng với năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện.
Thời gian qua, Singapore tiếp tục khẳng định mình là nơi an toàn cho những người giàu khi muốn thành lập các văn phòng gia đình để quản lý nguồn quỹ của họ ở bên ngoài đất nước, nhằm tránh bất ổn kinh tế và chính trị. Theo cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS), số lượng các văn phòng gia đình như vậy đã tăng lên 1.100 vào cuối năm 2022, so với khoảng 400 vào cuối năm 2020.
Bà Poh cũng nhắc đến những nỗ lực của Chính phủ Singapore, nhằm tạo điều kiện cho các văn phòng gia đình này, như phổ biến chương trình giáo dục quản lý tài sản và lập kế hoạch tài chính. Bà thông báo: “Chúng tôi đã làm việc với viện quản lý tài sản trực thuộc MAS, để triển khai khóa học dành cho các văn phòng gia đình, nhằm giúp họ cùng những bên liên quan hiểu rõ hơn cách quản lý, duy trì và triển khai vốn”.
PV