Những trăn trở của điện ảnh Việt
(DNTH) - Dư luận trái chiều với phim Đất rừng phương Nam ngay trong thời gian đầu ra rạp không khỏi khiến nhiều người làm nghề phải nhìn lại...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2023/11/nhung-tran-tro-cua-ien-anh-viet.html?m=0
(DNTH) - Dư luận trái chiều với phim Đất rừng phương Nam ngay trong thời gian đầu ra rạp không khỏi khiến nhiều người làm nghề phải nhìn lại, rằng điện ảnh Việt có nên làm phim liên quan lịch sử Việt?
Phim trường: “Cửa khó” đầu tiên với phim cổ trang- lịch sử Việt
Với các phim hành động thuộc hàng “bom tấn” (blockbuster) của điện ảnh thế giới ngày nay, chuyện quay phim kiểu bạ đâu quay nấy ở bất kỳ thực địa nào mà không phải ở trong phim trường là điều khó thể chấp nhận, nhất là với những người làm nghề chuyên nghiệp ở các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Với những phim hành động hư cấu ngoại sử có bối cảnh liên quan những khung thời gian quá khứ của nhiều thế kỷ trước, hoặc đặc biệt là với phim lịch sử chính sử, luôn cần phục dựng bối cảnh để quay phim sao cho xác thực nhất có thể với con mắt người xem đại chúng, ắt hẳn phim trường cũng luôn là lợi thế hàng đầu mà dân làm phim ưu ái chọn lựa, nếu có phim trường.
Như với các phim cổ trang cổ sử của điện ảnh Hàn Quốc, khó thể phủ nhận vai trò vị trí của những ngôi làng truyền thống Hàn Quốc hiện diện trên phim. Như với Làng truyền thống Naganeupseong ở thành phố Suncheon, là một trong những ngôi làng cổ được bảo quản khá tốt, đồng thời vẫn còn một số hộ gia đình sinh sống với nghề làm gốm, dệt vải thủ công. Hay với Làng truyền thống Hàn Quốc (Korean Folk Village) ở thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi. Ngôi làng này rộng khoảng hơn 200 hecta với 140 ngôi nhà rơm, 130 ngôi nhà mái ngói cùng các công trình như trường học, làng, quán phố… Có thể dùng phục dựng hình ảnh người dân Hàn Quốc ở triều đại Joseon, trên phim. Hoặc với Cung điện Gyeongbokgung nằm ở phía bắc thủ đô Seoul, bao gồm 330 dinh thự cùng 5.792 căn phòng, đồng thời còn là nơi lưu giữ vô số các tư liệu, hiện vật về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử về hoàng cung Hàn Quốc thời Joseon. Những người làm phim cổ trang Hàn Quốc còn có Cung điện Deoksugung, tọa lạc tại thủ đô Seoul, được xây dựng vào thế kỷ thứ 15 với những nét kiến trúc cực kỳ tinh xảo và độc đáo của thời kỳ Joseon hưng thịnh trong lịch sử Hàn Quốc.
Điện ảnh Trung Quốc vốn dĩ có thế mạnh về phim cổ trang, hẳn nhiên lại càng không thiếu phim trường, theo tiêu chí tái dựng bối cảnh của nhiều triều đại phong kiến, gần với diện tích thật của nhiều công trình lịch sử.
Như với phim trường Tượng Sơn ở tỉnh Chiết Giang, với cảnh sắc thiên nhiên của đất Giang Nam trù phú, các phim cổ trang như Tứ đại danh bổ, Triệu Thị cô nhi, Phong Thần Bảng, Tân thiên long bát bộ đã được quay tại phim trường này. Phim trường Thượng Hải của thành phố Thượng Hải, nơi có thế mạnh về bối cảnh thời Dân quốc ở Trung Quốc, các phim Tân Bến Thượng Hải, Tân Dòng sông ly biệt... cũng được quay phim tại đây. Phim trường Nam Hải ở thành phố Quảng Châu, trực thuộc đài truyền hình CCTV, từng có các phim Thái Bình thiên quốc, Tam Quốc diễn nghĩa, Thiến nữ u hồn… lựa chọn ghi hình. Phim trường Trác Châu ở thành phố Bắc Kinh, là địa điểm quay Tây Du Ký. Phim trường Đồng Lý nơi thành phố Tô Châu, với cổ trấn Đồng Lý được biết đến là một trong những cổ trấn đẹp bậc nhất Trung Quốc, từng là nơi quay phim bộ Như Ý Cát Tường, phim ngôn tình cổ trang ăn khách của màn ảnh nhỏ phim Hoa ngữ. Đặc biệt, không thể không nhắc đến phim trường Hoành Điếm, thuộc tỉnh Chiết Giang. Phim trường lớn nhất Trung Quốc và cũng lớn nhất thế giới này (có diện tích lên đến 30 triệu m², Hoành Điếm rộng gấp 27 lần tổng diện tích hai phim trường lừng danh Hollywood là Universal và Paramount cộng lại), đã từng hiện diện trên 4.000 bộ phim cổ trang lớn nhỏ của giới làm phim Hoa ngữ. Điều thú vị là các công trình trong phim trường Hoành Điếm đều được xây dựng theo tỷ lệ 1:1 so với nguyên bản, từ Tần Vương Cung cho đến Tử Cấm Thành. Mỹ nhân tâm kế, Hậu cung, “Võ Tắc Thiên bí sử, Bộ bộ kinh tâm, Tùy Đường diễn nghĩa, Hậu cung Chân Hoàn truyện... được quay tại phim trường này.
Với phim Việt, những phim trường như Hàn Quốc và Trung Quốc hiện có, xem chừng vẫn đang là giấc mơ xa của người làm nghề xứ Việt từ bấy lâu nay. Nhất là với những dự án phim Việt thuộc thể loại cổ trang, lịch sử.
Cổ phục: Một vấn nạn khác của phim cổ trang, lịch sử Việt
Một trong những bộ phim lịch sử Việt thuộc hàng cộm cán nhất về mức ngân sách sản xuất từng có, chính là phim Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long, với 100 tỷ đồng đã được đầu tư, nhằm chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm 2010. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định phim Quốc gia đã không thể cấp phép thông qua cho bộ phim đình đám này. Bởi phim đã bị dư luận chung phản ánh về phục trang cùng bối cảnh phim Việt mà hoàn toàn giống phim Trung Quốc, khi những người làm phim chọn ghi hình ở phim trường Hoành Điếm, cùng với đội chế tác người Trung Quốc.
Vào năm 2015, phim Mỹ nhân với câu chuyện loạn luân của Tống Thị, một cái nhìn mới về lịch sử của nhà biên kịch Văn Lê, cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi chọn trang phục lẫn tạo hình nhân vật của các vị quan triều Lê. Dư luận khi ấy đã soi vào từng họa tiết trên ống tay áo của trang phục nhân vật.
Đến năm 2016, phim Tấm Cám: Truyện chưa kể cũng tiếp tục bị dư luận mổ xẻ về trang phục nhân vật, liên quan một số chi tiết cách tân áo tứ thân truyền thống, cùng những đòi hỏi “chín người mười ý” về áo yếm. Cho dẫu phim này cũng chỉ là phim cổ tích, hoàn toàn không phải là phim lịch sử.
Mới gần đây, vào năm 2021, dự án phim cổ trang Quỳnh Hoa Nhất Dạ cũng gặp phải góc nhìn phán xét tương tự, từ dư luận chung, liên quan đến trang phục nhân vật huyền sử Thái hậu Dương Vân Nga của thời Đinh và Tiền Lê (Đại Việt sử ký toàn thư chỉ cho biết bà họ Dương, không nói bà tên là gì và cũng không biết xuất thân của bà ra sao). Trang phục chủ đạo của nhân vật nữ chính (do siêu mẫu, diễn viên Thanh Hằng thủ vai) với bộ phượng bào được cho là mang đậm hơi hướng cung đình Mãn Thanh (Trung Quốc), từ màu sắc rồi kiểu dáng cho đến họa tiết trên trang phục. Bất kể ekip sáng tạo của nhà thiết kế Thủy Nguyễn (thiết kế phục trang phim Cô Ba Sài Gòn) phải cần tới 6 tháng để hoàn thành bộ phượng bào này, trong đó có hơn 1.000 giờ để các nghệ nhân cùng dệt, thêu nhiều lớp áo... vẫn chưa được dư luận ghi nhận, đón nhận và nhìn nhận. Thậm chí, cùng với sự quy chụp về sai lệch lịch sử của thiết kế phục trang phim này, có những góc nhìn diễn dịch theo kiểu nước Việt thuở ấy là nước nông nghiệp lạc hậu, triều đình xứ Việt sao có thể áo mão cân đai rực rỡ bề thế xa hoa đến độ vậy. Dường như có một bộ phận dư luận tại xứ cố tình quên rằng, nghệ thuật điện ảnh luôn nhất thiết phải có vô vàn cái đẹp cần phải mở rộng biên độ sáng tạo từ chính các nhà làm phim, hoàn toàn không phải đơn thuần là “văn bản chép sử”.
Phim lịch sử Việt giai đoạn mới
Vừa qua, phim điện ảnh Việt thể loại cổ trang lịch sử Hồng Hà nữ sĩ vừa chính thức ra mắt báo giới. Đây được xem là phim lịch sử duy nhất năm 2023, do Bộ VHTTDL đặt hàng, hãng Hồng Ngát film sản xuất. Phim do Nguyễn Đức Việt làm đạo diễn, nhà biên kịch kỳ cựu Nguyễn Thị Hồng Ngát chấp bút. Bà cho biết, từ khi đặt bút viết kịch bản Hồng Hà nữ sĩ đến khi phim công chiếu ra mắt là tròn 4 năm. Hồng Hà nữ sĩ xoay quanh cuộc đời nhiều thăng trầm của nhà thơ Đoàn Thị Điểm – nữ sĩ thơ Nôm nổi tiếng thời Lê trung hưng (thế kỷ 18), tác giả của tập thơ Nôm kinh điển Chinh phụ ngâm.
Trước đó, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Lương Đình Dũng cũng đã công bố chính thức với việc thực hiện phim lịch sử Anh hùng, có câu chuyện liên quan đến “Lệ Chi Viên kỳ án” nổi tiếng trong lịch sử Việt, và với danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Chấp bút cho kịch bản phim này là nhà biên kịch kỳ cựu Lê Ngọc Minh. Nhà làm phim hé lộ sẽ dựng lại sự kiện “tru di tam tộc” liên quan đến danh thần Nguyễn Trãi (1380- 1442), một trong những bậc khai quốc công thần của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Nhà làm phim Lương Đình Dũng cũng chia sẻ thêm, rằng ở những môi trường điện ảnh chuyên nghiệp hàng đầu thế giới như Hollywood, chuyện tranh cãi liên quan yếu tính lịch sử về các nhân vật lịch sử vẫn thường xuyên xảy ra. “Tôi không sợ điều đó và không quan tâm đến những ồn ào xung quanh bộ phim. Nếu chưa gì đã sợ thì sẽ không làm được phim đâu!”.
Gần đây, hãng phim Thiện Production của nhà sản xuất Bá Cường (đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim hành động võ thuật Võ sinh đại chiến, ra mắt năm 2021) cũng vừa hé lộ một dự án phim sử thi hành động lịch sử Việt: Chiến bào. Kịch bản được chấp bút từ cặp đôi biên kịch đoạt giải Cánh Diều Vàng là Lương Kim Liên và Nguyễn Thị Ngọc Bích. Được biết dự án phim lịch sử này có câu chuyện về anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở rừng núi Lam Sơn- Chí Linh (Thanh Hóa), kháng Minh, trong bối cảnh thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư (còn gọi là thời Minh thuộc) trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ năm 1407 khi đế quốc Minh đánh bại nhà Hồ- Đại Ngu. Đến mùa đông năm 1416, Lê Lợi cùng 18 người bạn cùng chí hướng đã tổ chức “Hội thề” tại Lũng Nhai (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay), làm lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức đánh đuổi ách thống trị của quân Minh. Và đến năm 1418 thì Lê Lợi chính thức khởi nghĩa, với lực lượng ban đầu chỉ khoảng vài nghìn người. Trải qua nhiều trận đánh khốc liệt, thậm chí có nhiều lần bị giặc Minh vây khốn dồn vào tuyệt lộ, cuối cùng đến năm 1427 thì cuộc kháng chiến dưới sự dẫn dắt của Lê Lợi cũng thành công, quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi nước Nam, từ đó Lê Lợi thống nhất và tái thiết đất nước Đại Việt, dựng nên nhà Hậu Lê. Lê Lợi được các sử gia đánh giá cao ở tài năng chính trị, quân sự, kinh tế, là một trong hai vị thánh trung hưng của dân tộc Việt (người đầu tiên là Ngô Quyền).
Với kinh phí dự kiến tầm khoảng 6 triệu USD để thực hiện phim sử thi hành động Việt Chiến bào, nhà sản xuất Bá Cường chia sẻ là e rằng cũng còn chưa đủ, nếu so với ngân sách làm phim cổ trang và phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc hiện nay. Nhưng xem ra đó vẫn sẽ là mức đầu tư kỷ lục với phim điện ảnh Việt từ trước tới nay.
Dẫu sao, đó cũng là những tín hiệu đẹp hiện có của điện ảnh Việt. Dường như phim lịch sử Việt đã bắt đầu mở sang trang khác, bước đầu tạo lập chương mới của dòng phim tưởng chừng mãi xa tầm tay với của giới làm nghề quê xứ.
Phước Châu