Câu chuyện cuộc sống: Đừng để nỗi sợ ‘năm tuổi’ cản bước thành công
(DNTH) - ‘Câu chuyện cuộc sống’ tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Từ bỏ thói quen không tốt để thành công hơn, gửi tiền về cho...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2024/01/cau-chuyen-cuoc-song-ung-e-noi-so-nam.html
(DNTH) - ‘Câu chuyện cuộc sống’ tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Từ bỏ thói quen không tốt để thành công hơn, gửi tiền về cho cha mẹ ăn Tết – Con cái đừng áp lực, Tết không lãng phí, đừng để nỗi sợ ‘năm tuổi’ cản bước thành công.
Ai cũng có những thói quen, một số đem lại lợi ích tốt, ngược lại những thói quen xấu làm gián đoạn cuộc sống và cản trở chúng ta hoàn thành mục tiêu của mình, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe. Chúng ta thường đặt ra mục tiêu với mong muốn loại bỏ những tật xấu của bản thân nhưng đa phần đều không thực hiện được. “Thay vì tập trung vào các hành vi xấu của bản thân, chúng ta nên liệt kê hành vi tốt mình sẽ làm trong tuần tới là gì, chỉ với 3 điều đơn giản như: dậy đúng giờ, hoàn tất công việc trước 9 giờ tối, và dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi. Kể từ đó, các hành vi xấu của bản thân dần được cải thiện và thay đổi”, thạc sĩ – chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bích Phượng chia sẻ.
Để từ bỏ thói quen xấu, quan trọng nhất là phải ý thức rõ ràng về tác động tiêu cực của thói quen đó đối với đời sống và sức khỏe của mỗi người. Chúng ta có thể bắt đầu từ việc thiết lập mục tiêu rõ ràng, kèm theo việc lập kế hoạch cụ thể để thực hiện chúng. Trong thời gian thực hiện, nếu gặp khó khăn trở ngại không thể giải quyết, cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè hoặc chuyên gia nếu cần thiết. Quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì khi bắt đầu xây dựng cho bản thân những thói quen tích cực để hướng tới sự thành công.
Ngoài những gia đình có con nhỏ, khi vừa phải lo cho gia đình riêng, lo cho nội ngoại hai bên, việc chi tiêu dịp Tết đối với người trẻ chưa có gia đình cũng có nhiều nỗi lo. Ngoài ra, tâm lý Tết một năm chỉ có một lần, nên ai cũng muốn có một cái Tết đủ đẩy lo cho cha mẹ, người thân chu toàn. Dẫu đó là những mong muốn kỳ vọng chính đáng nhưng trong hoàn cảnh cuộc sống, công việc gặp nhiều khó khăn, kinh tế eo hẹp, nhiều người sẽ cảm thấy rất lo lắng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu – Chuyên gia Tâm lý cho biết: “Chúng ta nên tính toán chi tiêu thực tế với mức thu nhập của bản thân trong dịp Tết. Chỉ nên chi tiêu mua sắm những thứ nằm trong nhu cầu của bản thân, cũng như gia đình của mình. Chúng ta nên biết đâu là giới hạn, trong khả năng của mình. Chúng ta có thể chia sẻ với bố mẹ hay hỗ trợ bố mẹ bao nhiêu tiền để họ cảm thấy yên tâm, cảm thấy vui và chính bản thân chúng ta sẽ không cảm thấy áp lực, để tận hưởng không khí vui vẻ và trọn vẹn thời gian hạnh phúc bên gia đình”.
Không nên cảm thấy áp lực hay tự trách bản thân. Bởi điều cha mẹ mong muốn là một cái Tết quây quần bên các con, một cái Tết đơn giản nhưng cũng đủ ấm áp và hạnh phúc.
Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt là thời điểm cận Tết Nguyên đán, ngoài mua sắm phương tiện đi lại, các sản phẩm thương mại điện tử, đồ gia dụng. Không ít gia đình có thói quen mua và tích trữ rất nhiều thực phẩm, điều này xuất phát từ thói quen lẫn truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt. Tuy nhiên hiện nay xu hướng mua sắm tiết kiệm vào dịp Tết ngày càng được chú trọng hơn.
Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh – Nhà sáng lập Trường Quản trị kinh doanh BizUni cho biết, Tết là một dịp chi tiêu lớn cho cá nhân, gia đình cho hưởng thụ và theo phong trào. “Chúng ta thường lầm tưởng việc chi tiêu ngày Tết là quan trọng, nhưng xét trong hoàn cảnh cuộc sống và kinh tế khó khăn thì việc chi tiêu ngày Tết được cho là không quá quan trọng. Theo truyền thống và văn hóa, Tết chúng ta thường phải mua sắm thật nhiều. Nhưng ở thời điểm hiện tại khi kinh tế khó khăn chúng ta cần hạn chế và tính toán chi tiêu hợp lý, chỉ nên mua sắm những thứ cần thiết”. Để tránh gây lãng phí và mất cân bằng tài chính, bởi sau những ngày Tết chúng ta sẽ phải quay lại cuộc sống hằng ngày với rất nhiều khoản chi tiêu. Nếu không cân nhắc, việc chi tiêu quá đà sẽ khiến chúng ta rơi vào khó khăn ngay sau khi Tết vừa kết thúc.
Năm tuổi được xem là năm trùng con giáp với tuổi của mình, và được lặp lại sau 12 năm. Theo một số quan niệm xưa, “năm tuổi” được xem là năm sẽ gặp nhiều điều kém may mắn và khó đạt được những dự định của mình. Đáng nói nhiều người còn có xu hướng mê tín dị đoan sẵn sàng chi không ít tiền để làm lễ cúng giải hạn với mong muốn sẽ vơi bớt vận xui.
Trên thực tế, nhiều người vẫn thuận buồm xuôi gió khi vào năm tuổi, thậm chí thành công hơn những năm khác. Việc tin vào năm tuổi có thể gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, cảm xúc cá nhân, người tin vào nó có thể trở nên lo lắng và sợ hãi về tương lai, tạo nên áp lực không cần thiết. Nỗi sợ này sẽ làm giảm sự tự tin và khả năng đối mặt với thách thức, hơn nữa việc nhìn nhận cuộc sống dựa trên năm tuổi có thể dẫn đến một tư duy tiêu cực.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Khoa – chuyên gia Tâm lý cho biết: “Quan trọng là do cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống, nếu chúng ta gặp điều xui xẻo, vậy điều may mắn nhất trong sự xui xẻo đó là gì? Là chúng ta sẽ gặp điều may mắn vào ngày hôm sau. Khi chúng ta chuẩn bị tâm lý đó, tâm thế của chúng ta sẽ luôn luôn giữ được sự bình an”.
“Câu chuyện cuộc sống” phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.
MT