Việt Nam có 5 doanh nghiệp trúng thầu 300.000 tấn gạo xuất sang Indonesia
(DNTH) - Vinfood 1, Vinfood 2, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Lương thực Phát Tài và Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang là 5 d...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2024/02/viet-nam-co-5-doanh-nghiep-trung-thau.html
(DNTH) - Vinfood 1, Vinfood 2, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Lương thực Phát Tài và Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang là 5 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu 8/17 gói thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo tại Indonesia, theo thông báo mới nhất từ Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) được công bố vào ngày 31/1/2024.
Theo danh sách của Bulog, Vinfood 1, Vinfood 2 và Tập đoàn Lộc Trời là 3 doanh nghiệp của Việt Nam trúng thầu đến hai lô mỗi đơn vị. Trong đó, Vinfood 1 trúng lô số 15 và 16, Vinfood 2 trúng lô số 3 và 9, còn Tập đoàn Lộc Trời trúng lô 8 và 14. Riêng Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang trúng lô thầu số 12 và Công ty TNHH Lương thực Phát Tài trúng lô 11.
Vinfood 1, Vinfood 2, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Lương thực Phát Tài và Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang là 5 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu 8/17 gói thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo tại Indonesia.
Việt Nam cũng là nước duy nhất có nhiều doanh nghiệp tham gia và thắng thầu với số lượng lớn (trên 2 lô). Ngoài Việt Nam, một đơn vị thương mại là R&S Trader PTE, Singapore thắng thầu 3 lô 10, 13 và 17.
Vào đầu năm nay, Bulog đã cho biết Indonesia muốn nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong tháng 1 để tăng dự trữ lương thực. Indonesia cũng có kế hoạch nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo trong năm 2024. Vào năm ngoái, Indonesia đã trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2023, chỉ sau Philippines, với sản lượng 1,16 triệu tấn, đạt 640 triệu USD, tương ứng tăng lần lượt 877% và 992% so với năm 2022.
Thông qua gói thầu 500.000 tấn mà Indonesia vừa công bố nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam chiếm số lượng khoảng 2/3 sẽ là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta ngay từ đầu năm.
Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, với giá 642 USD/tấn, chỉ thấp hơn Thái Lan (655 USD/tấn) và Pakistan (638 USD/tấn). Mặc dù giá gạo Thái Lan hiện tại cao hơn, nhưng Việt Nam vẫn đang thu hút sự chú ý với chất lượng và khả năng cung ứng ổn định. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng thị trường và củng cố vị thế trong lĩnh vực xuất khẩu gạo trên thị trường quốc tế, nhất là tại khu vực ASEAN.
Năm ngoái, Việt Nam đã trải qua một năm đạt kết quả xuất khẩu lúa gạo cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo với sự bứt phá chưa từng có về sản lượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong năm 2023 đạt 8,1 triệu tấn, trị giá 4,68 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với năm trước.
Bên cạnh ASEAN là thị trường xuất khẩu chính của lúa gạo Việt Nam, ciếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước. Gạo Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc đạt 917.000 tấn, tăng 8%; Ghana đạt 587.000 tấn, tăng 32,9% so với năm trước.
Khải Hoàng