Luật sư Trương Thị Hòa giải thích tính nhân đạo trong pháp luật Việt Nam

(DNTH) - Trong tập 47 chương trình ‘Kính đa chiều’, đạo diễn Lê Hoàng và luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn luật sư TP.HCM vừa có những bàn luận ...

(DNTH) - Trong tập 47 chương trình ‘Kính đa chiều’, đạo diễn Lê Hoàng và luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn luật sư TP.HCM vừa có những bàn luận về tính nhân đạo trong pháp luật Việt Nam.

Mở đầu cuộc trò chuyện, đạo diễn Lê Hoàng nhận định “Pháp luật sinh ra không phải trả thù”, vì vậy tính nhân đạo xuất hiện trong pháp luật rất nhiều ở các nước trên thế giới và cả Việt Nam.

Đồng tình với đạo diễn Lê Hoàng, luật sư Trương Thị Hòa đánh giá: “Bất cứ nền pháp luật nào cũng có tính nhân đạo. Tính nhân đạo rất quan trọng vì làm rõ tính ưu việt của pháp luật. Pháp luật không phải trả thù mà để giải quyết, đem đến sự công bằng cho xã hội. Tôi nghiên cứu khá nhiều thì thấy luật nào cũng có tính nhân đạo rất rõ ràng. Theo tôi, xuyên suốt các nền pháp luật đều có tính nhân đạo và khuynh hướng nhân đạo khi quy về những quyền rất cơ bản của con người. Mặc dù người đó có vi phạm gì đi nữa nhưng vẫn nhìn theo hướng có thể giáo dục và cải tạo họ”.

Chia sẻ về khuynh hướng các nước trên thế giới bỏ án tử hình, luật sư Trương Thị Hòa cho biết: “Theo tôi biết hiện nay có trên 100 nước bỏ án tử hình. Trong đó, có khoảng 50 nước có án tử hình nhưng không xử tử hình. Hiện, Việt Nam còn án tử hình, tuy nhiên khi nhìn xuyên suốt luật hình sự của Việt Nam thì sẽ thấy ngày càng giảm án tử hình, cho nên tính nhân đạo rất rõ ràng”.

Luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ: “Nói đến tính nhân đạo thì thường đề cập đến hình sự, án tử hình, án chung thân,… Với án tử hình, ngoài việc giảm điều luật tử hình thì còn quy định về đối tượng không bị án tử hình”.

Cụ thể, hiện nay người từ đủ 75 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người dưới 18 tuổi dù phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn không áp dụng mức hình phạt tử hình.

Tính nhân đạo không chỉ thể hiện trong bộ luật hình sự mà còn có cả trong bộ luật lao động. Luật sư Trương Thị Hòa lấy ví dụ: “Người lao động gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường. Tuy nhiên người sử dụng lao động cũng phải xem xét mức thu nhập của người lao động, nên không phải bồi thường đầy đủ. Vì tiền lương của họ mỗi tháng phải lo cho bản thân, cho gia đình nên không được trừ nhiều, trừ tối đa 30%”.


Ví dụ của luật sư Trương Thị Hòa khiến đạo diễn Lê Hoàng liên tưởng đến trường hợp những người giữ xe với mức lương ít ỏi lại chẳng may làm mất xe máy của khách hàng. Khi ra tòa, người giữ xe đồng ý bồi thường trong một khoảng thời gian nhất định vì nếu đền bù thiệt hại ngay lập tức thì không đủ khả năng. Đó cũng là một trong những điều chứng minh tính nhân đạo trong pháp luật Việt Nam.

Luật sư Trương Thị Hòa tán đồng khi cho rằng về mặt pháp luật, xét xử người có hành vi phạm tội bằng một hình phạt nào đó không phải không nhân đạo. Đó chính là việc bảo vệ quyền lợi công dân khi bị xâm phạm, trả lại sự công bằng trong xã hội. Tuy nhiên, còn phải xem xét mức độ nó như thế nào.

Và chính hội đồng xét xử cũng là người quan tâm đến tính nhân đạo khi động viên, phân tích và khuyên nhủ người bị mất xe thông cảm cho khó khăn của người giữ xe để đồng ý giảm mức bồi thường. Khi đó, chính những cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án là người nhìn theo tính nhân đạo và làm cho tính nhân đạo ngày càng được phát triển và áp dụng trong thực tế.

“Kính đa chiều” – chủ đề tiếp theo sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 22/3 trên kênh VTV9.

MT

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 8529161569814874450

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item