Cựu sinh viên RMIT tạo ra doanh thu hơn 3 tỷ/ 1 năm nhờ hướng đi khác biệt trong nông nghiệp

(DNTH) - Khát Vọng Mùa Vàng – Tập 86: Câu chuyện về cô gái trẻ cựu sinh viên trường RMIT, có nhiều cơ hội việc làm ở Hà Lan với mức thu nhập...

(DNTH) - Khát Vọng Mùa Vàng – Tập 86: Câu chuyện về cô gái trẻ cựu sinh viên trường RMIT, có nhiều cơ hội việc làm ở Hà Lan với mức thu nhập cao nhưng lại quyết định quay về quê hương và gắn bó với ngành nông nghiệp.

Chương trình với sự góp mặt của đạo diễn – NSƯT Vũ Thành Vinh đóng vai trò là người kết nối với nhân vật chính. Hai MC dẫn dắt chương trình là Dương Thanh Vàng, Hữu Đằng.

Ca sĩ Quỳnh Như mở đầu chương trình với ca khúc “Bình Dương một khúc tình quê”, đây cũng là mảnh đất mà cô gái trẻ Mỹ Tiên và những thành viên trong gia đình đang phát triển sự nghiệp làm nông với cây cam, quýt.


Mỹ Tiên từng là sinh viên trường đại học RMIT danh tiếng, sau đó đi du học và tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh ở Hà Lan. Cô gái trẻ có nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập cao, tuy nhiên Mỹ Tiên lại lựa chọn quay về quê hương của mình để gắn bó và phát triển lĩnh vực nông nghiệp. “Được tiếp xúc và học hỏi nhiều kiến thức mới mẻ, thú vị ở Hà Lan, tôi rất khao khát đem những kiến thức đó về để cùng gia đình phát triển và nâng tầm giá trị nông sản hơn tại quê nhà”, cô chia sẻ.

Bằng những nền tảng về nông nghiệp mà gia đình đã xây dựng từ trước đó, cùng với sự hiểu biết và kiến thức đã học hỏi được từ nước ngoài, hiện nay, Mỹ Tiên có hơn 10 hecta trồng các loại nông sản như cam sành, cam xoàn, quýt hồng, quýt đường, mang lại doanh thu hơn 3 tỷ đồng 1 năm. Để đạt được doanh số đó, Mỹ Tiên cùng gia đình phải nghiên cứu và cho ra những giống cam, quýt có hương vị khác biệt với những giống đã có ở thị trường.

Ngoài ra, cô cũng quan sát và thấy được rằng, ở nước ngoài những trái cam, quýt,… không bán hết thì tận dụng chế biến làm thực phẩm, còn tại Việt Nam, khi sản phẩm không bán hết thì chỉ lấy lột vỏ và làm thành thức ăn cho cá. Không để lãng phí tài nguyên, Mỹ Tiên cùng gia đình quyết định cho chế biến thành các sản phẩm khác nhau.


Cuối cùng, với những suy nghĩ mới mẻ của thế hệ trẻ, Mỹ Tiên cũng đã có những định hướng mở rộng truyền thông cho các sản phẩm của mình dưới nhiều hình thức khác nhau. “Hiện tại, tôi đã bắt đầu đẩy mạnh thương hiệu lên các nền tảng xã hội, kết hợp với câu chuyện vùng miền để không chỉ cây cam, quýt nói riêng, mà ngay cả hình ảnh của quê hương được biết đến rộng rãi hơn”. Cũng nhờ vào hướng đi này, Mỹ Tiên đã giúp cho những sản phẩm của gia đình mình được biết đến nhiều hơn, không còn phụ thuộc vào thương lái mà còn mở ra hướng đi mới cho nông dân tại Bình Dương.

Để có được những thành tựu ở hiện tại, thời gian đầu Mỹ Tiên đã phải đối diện rất nhiều khó khăn về việc môi trường làm việc khác biệt. Từ một cô gái làm việc mảng Quản trị Kinh doanh ở nước ngoài, trở thành nông dân suốt ngày phải ở ngoài đồng đã khiến cuộc sống của Tiên bị thay đổi hoàn toàn. Thời gian đầu Tiên và ba của cô cũng gặp không ít lần có những ý kiến trái chiều và nảy sinh những mâu thuẫn khi bàn về hướng đi.

Tuy nhiên, bằng những nỗ lực, kiên trì và không ngại thay đổi, sau hai năm Mỹ Tiên tạo nên nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ và chứng minh được rằng, dù là môi trường trong hay ngoài nước chỉ cần không từ bỏ và kiên định với hướng đi của mình thì ở nơi nào bản thân cũng có thể phát triển.


Chia sẻ về những định hướng trong tương lai, Mỹ Tiên cho biết: “Tôi rất mong muốn với những hướng đi này, có thể tạo ra được một dấu ấn không chỉ với sản phẩm mà còn phải gắn liền với hình ảnh quê hương”. Cô cũng mong muốn trong thời gian gần nhất, với phương pháp chế biến lại các sản phẩm đang có, sẽ có thể đem sản phẩm ra thị trường nước ngoài để được phổ biến rộng rãi hơn.

Tinh thần dám thử sức, dám thay đổi của Mỹ Tiên cùng với khát khao cống hiến cho nền nông nghiệp nước nhà chính là nguồn cảm hứng của cho nhiều bạn trẻ được đem sức lực và hiểu biết tạo ra giá trị cho quê hương của mình.

MT

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 6398109434440290939

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item