Nhà báo - Đạo diễn Trương Quốc Phong dành tâm huyết 10 năm để viết cuốn “Khi người già ham học”
(DNTH) - 13 tuổi là ca sĩ nhí duy nhất của dàn nhạc sống chuyên phục vụ văn nghệ tiệc cưới. 14 tuổi đã tập tành sáng tác, cộng tác báo chí v...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2024/05/nha-bao-ao-dien-truong-quoc-phong-danh.html
(DNTH) - 13 tuổi là ca sĩ nhí duy nhất của dàn nhạc sống chuyên phục vụ văn nghệ tiệc cưới. 14 tuổi đã tập tành sáng tác, cộng tác báo chí và tham gia các hội thi Đoàn Hội để kiếm thêm thu nhập… Chàng trai ấy tự nhận mình là một trong những người già ham học vào bậc nhất hiện nay.
Là người trẻ từng thành công rất sớm, có được vị trí công việc và xã hội nhất định trong những công ty, tờ báo và tập đoàn hàng đầu, vì sao anh vẫn quyết định tạm gác mọi thứ để đi học?
Tôi hướng tới sự hoàn thiện và tự nâng cấp bản thân theo cách mình hình dung và muốn. Từ nhỏ, tôi đã mơ ước có cơ hội được học thật nhiều, nghiêm túc và bài bản. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh tôi đã lựa chọn việc đi làm sớm, kiếm tiền sớm. Nói như thế không có nghĩa tôi lao vào đời theo kiểu “tay không bắt giặc”, chẳng có một chút vốn liếng kiến thức hay thành công chỉ là may mắn.
Năm 2000, khi tốt nghiệp phổ thông, tôi phát hiện bản thân mình có đam mê đối với nghề báo và truyền hình. Khi đó, tôi là học sinh chuyên ban, chuyên Toán - Lý - Hóa. Tuy nhiên, có lẽ vì trời cho chút năng khiếu nên khả năng viết lách của tôi rất tốt. Tôi từng thi đạt 9,75 môn Ngữ văn tốt nghiệp khối 12, trở thành hiện tượng hiếm hoi và duy nhất của trường khi học sinh chuyên Toán được cử đi thi Học sinh Văn cấp trường, cấp huyện rồi lên tỉnh. Đậu cùng lúc ngành Báo chí Phát thanh - Truyền hình, Học viện Ngân hàng nhưng rớt ĐH Y Dược TPHCM như gia đình mong muốn, tôi quyết định học nghề báo bởi nhận thấy đây là nghề có thể giúp mình kiếm tiền sớm nhờ năng khiếu.
Trong 10 năm kể từ khi ra trường năm 2003, tôi may mắn được nhận vào các cơ quan báo chí và tập đoàn uy tín, trở thành một cây bút quen thuộc với nhiều nghệ sĩ và độc giả của các tờ báo.
Cũng trong quãng thời gian đó, cũng có lúc tôi được mời xuất hiện như những chuyên gia, thậm chí là giảng viên hướng dẫn, truyền đạt cho nhiều bạn trẻ sinh sau đẻ muộn về kinh nghiệm, thực tế khi làm việc. Quá trình đó, tôi tự cảm thấy dằn vặt bản thân vì thực sự tôi chưa hoàn hảo, chưa đủ vốn kiến thức về mặt học thuật nên đôi lúc sẽ có sự cảm tính, chủ quan trong nhận định và truyền đạt. Tôi nhìn ra, mình giỏi thực chiến nhưng thiếu kiến thức học thuật, quanh quẩn trong bể hiểu của cá nhân mà thiếu cả bầu trời học thuật. Do vậy, tôi xác định, khi có đủ tiền và điều kiện, phải học chứ không thể chần chừ hơn nữa. Tôi có thể lấp liếm sự thiếu hiểu biết về mặt học thuật khi đứng trước mọi người bằng khối kinh nghiệm, trải nghiệm nhưng không thể nào tự dối lòng khi đối diện với chính mình được, nên tôi đi học.
Đúng như anh nói, kinh nghiệm rất quan trọng nhưng hiểu biết chuyên sâu và học thuật cũng rất cần thiết cho bất kỳ ai muốn tiếp tục tiến xa, hài lòng với bản thân. Nhưng nếu dành hẳn 10 năm chỉ để học thì thật quá liều lĩnh và… “ăn hại”?
10 năm là cả thanh xuân của đời người. Có khi, đó cũng là quãng đời đẹp nhất mà ai cũng muốn níu giữ cũng như tận dụng. Tôi cảm thấy mình đã sống thật trọn vẹn và ý nghĩa với 10 năm dành cho học tập, kể từ năm 2013 đến năm 2023.
Trong 10 năm ấy, không giống như mọi người nghĩ tôi chỉ biết “ăn hại” và xài tiền của gia đình. Thật ra, từ sau năm đầu tiên lên Sài thành là tôi đã không còn cơ hội nhận tiền trợ cấp của gia đình, bởi cha mẹ tôi không có điều kiện dư dả về mặt kinh tế, các anh chị cũng không ai lo hay cho tôi được một đồng nào kể từ khi tôi đặt bước lên thành.
Tôi là một chàng trai tự lập về kinh tế và biết lăn xả kiếm tiền từ khi rất nhỏ. Tôi từng làm ca sĩ nhí duy nhất hát dàn nhạc sống đám cưới, tham gia các Hội thi Đoàn Hội để săn giải thưởng, làm thơ viết văn, thậm chí từng sáng tác như “máy đẻ” các mẩu chuyện cười với 1001 bút danh chỉ để kiếm được tiền nhuận bút lo ăn học cho tương lai của mình.
Trong hành trình 10 năm tiếp tục học và nâng cao kiến thức, học thuật cho bản thân, tôi tự lo bằng chính những đồng tiền tích góp, thậm chí cày ngày lẫn đêm để có đủ trang trải học hành.
Trong 10 năm này, có những lúc tôi học cùng lúc 2 trường hệ chính quy, đồng thời còn trở thành nhân viên chính thức của một số công ty, tập đoàn. Có thời điểm, lịch học, lịch thi và làm việc của tôi dày đặc, phải ghi chép và lên kế hoạch mỗi ngày mới không thể sót và thu xếp nổi. Hình ảnh tôi với chiếc xe cà tàng chạy như con thoi từ Quận 7 sang khu vực Thống Nhất (Quận Gò Vấp), Tô Ký (Quận 12), Đầm Sen (Quận 11), Trần Nhân Tôn (Quận 5) để học và chiều tối cập rập chạy ra Quận Bình Thạnh để dạy, Quận 1 để làm việc là rất thường xuyên, bình thường trong mắt bạn bè. Đến giờ khi ngẫm lại, tôi cũng không hiểu tại sao bản thân mình có đủ sức khỏe và quyết tâm để hoàn thành khối công việc và nhiệm vụ dày đặc như vậy.
Khi đi học, xác định kiến thức là quan trọng nên thái độ tập trung học của tôi rất nghiêm túc. Không chỉ tránh việc bỏ tiết, đi học cho có, tôi còn quyết tâm phải đạt được học bổng hoặc ghi tên mình vào Top đầu sinh viên ở mỗi trường. Ơn trời, nhìn vào bảng điểm và những học bổng đứng đầu lớp hoặc Top đầu, có lẽ mọi người cũng rất bất ngờ. Còn tôi thì nghĩ đơn giản, kết quả phản ánh sự nỗ lực và việc săn học bổng giúp tôi đỡ đần phần nào chi phí đầu tư cho việc học.
Trong 10 năm qua, tôi đã học được rất nhiều khóa, nhiều ngành, nhưng nếu để nói về trái ngọt mà tôi đã đạt thì đó là sự kiên trì đúng 7 năm để theo học ngành Quản trị Kinh doanh, khoa Kinh tế Quốc tế hệ chính quy liên tục từ năm 2014 đến 2021, từ bậc học Cử nhân đến Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Ngoài ra, tôi cũng đã hoàn tất bậc học Cử nhân ngành Đạo diễn Điện ảnh - Truyền hình 5 năm sau rất nhiều khó khăn và biến cố.
Điều ít ai biết, trong 10 năm đó, tôi còn đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các công ty truyền thông, tập đoàn lớn ở các cương vị: Giám đốc Thương hiệu, Giám đốc Khối nội dung, Giám đốc Marketing, Chuyên viên truyền thông tư vấn chiến lược… cho nhiều doanh nghiệp, doanh nhân nổi tiếng. Dĩ nhiên, đi kèm với chức danh công việc là thu nhập đáng mơ ước của nhiều người mà tôi không tiện bật mí.
Với những gì đã trải qua, có bao giờ anh định viết nó thành một cuốn sách?
Tôi đã có ý định đó và đang ấp ủ hơn 1 năm qua, hy vọng quyển sách “Khi người già đi học” sẽ mang đến những cảm hứng tích cực nào đó cho các bạn trẻ trên hành trình hoàn thiện bản thân hoặc thậm chí cho những ai đang lay hoay chưa bước qua được những trói buộc khó khăn để hoàn thành nguyện ước của đời mình.
Với cuốn sách này, tôi không chỉ lo kể về câu chuyện của mình mà đâu đó sẽ có bóng dáng những người anh, người chị, người bạn hoặc các cô chú lớn tuổi khác với tinh thần hiếu học và hoàn thiện rất đáng nể. Qua đó tôi muốn nâng niu, trân trọng hành trình mà bản thân tôi đã trải qua cũng như tri ân những Mạnh Thường Quân đã lặng lẽ, âm thầm đứng sau cổ vũ và giúp đỡ cho tôi. Cuốn sách không viết cho tôi mà viết cho tất cả mọi người, bởi bức tranh thật sự tôi muốn mang đến hoặc ho mọi người nhìn thấy đó chính là những người tốt, việc thiện luôn tồn tại ở đời, ở xung quanh mình.
Nhưng nếu chỉ để học, hoàn thiện học vấn và ước mơ mà không tiếp tục làm gì tiếp theo, liệu anh có ngại sự thất bại?
Thất bại thì ai cũng ngại và ở độ tuổi nào, bậc học nào ai cũng sợ. Nhưng một khi đã đi qua mọi trở ngại, thậm chí sinh tử, bạn sẽ hiểu thành công hay thất bại nó chỉ mang ý nghĩa tương đối khi bạn tự áp đặt, trói buộc bản thân phải thế này hoặc thế khác. Nếu bạn biết đâu là điểm dừng, thế nào là hạnh phúc thì kết quả có ra sao, bạn cũng vui vẻ đón nhận. Đâu phải cứ thật nhiều tiền và được nhiều người ca tụng thì đó mới gọi là thành công. Đâu phải cứ được ăn mặc lung linh, vẻ ngoài sang chảnh thì đó mới gọi là may mắn và hạnh phúc.
Hiện tại, tôi cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc khi mỗi ngày đều có nhiều thứ để lo, có việc để làm và biết khi nào bản thân mình cần ngơi nghỉ. Sau một trận nhất sinh thập tử vì Covid-19, tôi nhận thấy việc mình biết bản thân mình cần gì, đâu là đích đến cho sự hạnh phúc, hài lòng mới là điều quan trọng nhất ở cuộc đời.
Vậy anh định nghĩa thế nào là… giàu?
Theo tôi, giàu là khi bản thân mình thấy đủ. Giàu có nhiều thứ lắm. Người giàu kiến thức thì không đi so đo với hiểu biết của người khác hoặc không cay cú miệt thị người khác theo kiểu “học cho lắm tắm cũng ở truồng”. Thực sự có nhiều người khá kỳ lạ, họ tự kỷ ám thị vì sự yếu kém của bản thân nên hay tìm cách chê bai, hạ bệ những điều người ta đạt được mà bản thân mình không có. Chẳng hạn, anh thi nhiều lần không đậu, học hoài không vô được sẽ hay cười nhạo chê bai những người kiên tâm, dày công nghiên cứu. Cái lý của họ đưa ra thường là những người học nhiều chỉ có kiến thức nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tế trong khi điều đó không có gì để minh chứng cả. Bởi có rất nhiều người ngoài trải nghiệm, làm việc thực tế họ vẫn chọn cách nghiên cứu chuyên sâu, học thuật. Cá nhân tôi nhận thấy, may nhờ mình có học tập, nghiên cứu nên những trải nghiệm, làm việc thực tế mới mạng lại cho bản thân mình nhiều bài học, rút tỉa kinh nghiệm đáng giá. Nếu tôi không chịu học mà chỉ biết lao đầu đi làm, có khi bây giờ mọi thứ còn tệ hơn. Có học và nghiên cứu chuyên sâu, ít ra tôi cũng hơn tôi của một hình thái khác là chỉ tự huyễn hoặc bản thân và vô cùng lười biếng.
Giàu kiến thức, giàu nhân nghĩa, giàu tiền bạc hay lẽ sống, cái giàu nào cũng quan trọng hết. Điều đáng quan tâm ở đây là tôi muốn giàu cái gì, bạn muốn giàu cái gì. Ai cũng có cái lý và lựa chọn của mình. Nhưng hãy nhớ rằng, lựa chọn nào cũng được, miễn giúp chúng ta cảm thấy tự do, hạnh phúc và không quan tâm, sân si trước hạnh phúc, thành công của người khác. Giàu như thế mới đáng nể. Chứ đôi ba đồng bạc hay mấy cái bằng cấp nào có ý nghĩa gì đối với người không cần nó.
Được biết thời gian gần đây ngoài làm việc như anh hay nói đùa là “lấy lại những gì đã mất” khi dành hẳn 10 năm đầu tư hoàn thiện học vấn, anh còn quay lại với vai trò giáo viên hướng dẫn và trao truyền kiến thức cho các bạn trẻ, sinh viên mong muốn các bạn sớm trưởng thành và phát triển. Xem ra nghề giáo cũng đặc biệt và lý tưởng để anh dành nhiều tâm huyết cho nó?
Nhiều thầy cô và các anh chị đi trước có nhận xét tôi thích hợp để làm người trao truyền kiến thức và lan tỏa cảm hứng tích cực trong việc học tập cho các bạn trẻ. Trước đây, khi nghe nhận xét như thế tôi chỉ cười vì biết tính cách của mình rất thẳng thắn và đôi khi nóng tính. Sau này, tôi nghiệm ra và hiểu vì sao các thầy cô và anh chị lớn nói như vậy, nên tôi nhận lời đi dạy và hướng dẫn trở lại. Quan trọng hơn, tôi đã có đủ kiến thức và kinh nghiệm để soạn và lên một giáo án sao cho hay, hấp dẫn và thiết thực nhất đối với các em. Trước đây tôi không được như thế, vì bản thân hay đưa ra những yêu cầu, mong muốn và áp đặt các em phải làm thế này, triển khai như thế kia hơn là đặt mình vào vị trí các em để khơi dậy tiềm năng các em đang sẵn có. Tôi tự nhận thấy bây giờ bản thân mình có đủ sự bình tĩnh, hiểu biết kinh nghiệm thực tế và có đủ nền tảng kiến thức để làm thầy dạy cho các em những điều bản thân mình đã đạt đến mức độ chuyên gia.
Vậy chính xác thì anh đang tìm gì ở phía trước khi đã hoàn thiện về kiến thức và hướng về tương lai?
Sự tự tại và an nhiên đạt đến mức độ của một vị sư. Khi đó, tôi sẽ chẳng mảy may quan tâm ai đang theo dõi và nghĩ về tôi tốt xấu như thế nào. Khi đó, tôi đã có đủ sự tự tin vào cách sống, lựa chọn và trải nghiệm của mình dù rằng thời gian qua cũng đón nhận không ít những dòng suy nghĩ tiêu cực hướng về phía mình khi xuất hiện những thước đo thành công bằng sự xênh xang, hào nhoáng hoặc sự giàu có của tiền bạc.
Còn hiện nay, tôi vẫn còn đời lắm. Khi một ai đó nói tôi chỉ có biết học, tôi chỉ cười và bảo với họ rằng, ngoài kia rất nhiều người có bằng cấp cao và nhiều hơn tôi. Nhưng hãy tin tôi đi, hiếm ai dám khoe ra hành trình họ đã đạt được và vì sao họ đạt được. Còn nếu chê tôi không có thực tế, chỉ biết học thì tôi hỏi ngay liệu họ có thật sự từng đi làm thuê, kiếm tiền chính thống - chính thức và đóng thuế, bảo hiểm xã hội trong 10 năm qua tốt hơn tôi chưa. Nếu chưa thì hãy công nhận sự cố gắng hoàn thiện, nỗ lực của người khác, thay vì hướng sự đả kích hay châm biếm.
Xem ra dù rất nỗ lực hoàn thiện kiến thức, học vấn như nguyện ước anh vẫn chưa hoàn toàn hạnh phúc?
Đúng rồi. Nhất là khái niệm hạnh phúc đối với mỗi người rất khác nhau và yêu cầu để đạt đến trạng thái hạnh phúc của mỗi chúng ta đều khác nhau. Mà sự buông bỏ, suy cho cùng thật không bao giờ là dễ dàng. Vậy nên chúng ta mới phải tu tập bằng cách tự nhắc nhở bản thân, rèn giũa bản thân.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Nhà báo - Đạo diễn Trương Quốc Phong- Tốt nghiệp chuyên ngành BTV Báo chí Phát thanh & Truyền hình, Quản trị Kinh doanh, Đạo diễn Điện ảnh - Truyền hình,…- Hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Thần Tốc Media & Event- Đạo diễn phim “Đò qua sông vắng” cùng nhiều chương trình, sự kiện, viral clip, TVC quảng cáo cho các cá nhân, đơn vị- Nguyên PV, BTV và Cộng tác viên các báo: Khoa học & Đời sống, Zing.vn, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Công An TPHCM, Phụ nữ TPHCM… Nguyên là bút trưởng Bút nhóm Cỏ Lạ, anh từng đoạt nhiều giải thưởng các cuộc thi viết về tản văn, bút ký…- Nguyên Giám đốc Khối nội dung, Giám đốc thương hiệu, Giám đốc Marketing & Chuyên viên truyền thông tại các công ty, tập đoàn như Vingroup, Nam Hương Media & Event, Thảo Tây Group, Sparkling, SAM Communications, Thần Tốc Media & Event…- Tác giả của nhiều cuộc thi, chương trình, format sự kiện: Viet Fashion Icon, Dạ tiệc Xuân, Nhà báo & Nghệ sĩ hát, Chạm tay cùng sao, Những người thầy trong nghệ thuật, Ký ức người Nghệ sĩ tôi yêu…- Đặc biệt, tập sách dạng hồi ký “Khi người già ham học” của Nhà báo - Đạo diễn Trương Quốc Phong dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2024.
P.V