Nghệ nhân Trương Đình Chiếu kể chuyện phát hiện 2 bộ đàn đá cổ quý hiếm của người dân tộc S’tiêng ở Sóc Bom Bo
(DNTH) - Trong chương trình Kính đa chiều, nghệ nhân Trương Đình Chiếu tiết lộ loại đá dùng để chế tác thành đàn là đá núi lửa, được hình th...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2024/07/nghe-nhan-truong-inh-chieu-ke-chuyen.html
(DNTH) - Trong chương trình Kính đa chiều, nghệ nhân Trương Đình Chiếu tiết lộ loại đá dùng để chế tác thành đàn là đá núi lửa, được hình thành từ nham thạch của núi lửa và trải qua hàng triệu năm mới có thể phát ra âm thanh.
Trương Đình Chiếu vốn là một nghệ nhân nổi tiếng tài hoa trong lĩnh vực âm nhạc nhạc khi biết chơi 100 loại nhạc cụ và phối khí cùng lúc 10 loại nhạc cụ khác nhau, bao gồm cả đàn đá. Nam nghệ nhân được Trung tâm UNESCO Văn hóa thông tin truyền thông công nhận là người có thể biểu diễn nhiều nhạc cụ cùng một lúc nhất Việt Nam vào năm 2012.
Dẫu am hiểu nhiều loại nhạc cụ là thế, song nghệ nhân Trương Đình Chiếu đặc biệt dành nhiều tâm huyết với âm nhạc dân tộc, đặc biệt là nhạc cụ đàn đá. Hơn một thập kỷ qua, nam nghệ nhân đi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm và nghiên cứu về loại nhạc cụ truyền thống độc đáo này.
Xuất hiện trong chương trình Kính đa chiều, nghệ nhân Trương Đình Chiếu chia sẻ sau nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực văn hóa dân tộc, ông được biết đàn đá là một loại nhạc cụ cổ xưa của toàn nhân loại trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.
Hiện nay nhiều tỉnh thành trong nước như Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, Bình Phước),… đã đăng ký công nhận đàn đá của địa phương. Riêng các tỉnh huyện như Khánh Sơn, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Yên,… là nơi phát hiện ra nhiều bộ đàn đá cổ và được trưng bày trong nhà bảo tàng của các tỉnh này.
Đàn đá thường được tìm thấy ở những vùng núi hay những nơi có đá đặc trưng. Đá dùng để làm đàn là loại đá núi lửa, có độ rắn chắc và khả năng phát ra âm thanh tốt. “Sau khi núi lửa hoạt động, hình thành những nham thạch kết dính với nhau và rơi xuống chân núi. Hàng triệu năm sau thì tạo ra loại đá có khả năng kêu”, nghệ nhân Trương Đình Chiếu cho biết.
Thời gian gần đây khi nghệ nhân Trương Đình Chiếu đến một số tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Sơn La để nghiên cứu các loại đá như cao nguyên đá Đồng Văn thì phát hiện từ miền Trung đến những tỉnh vùng cao phía Bắc đa phần là đá non và dường như không thể làm đàn đá.
Loại đá có thể chế tác thành đàn là đá núi lửa, đặc biệt là ở tỉnh Đắk Lắk vì đây là là nơi núi lửa hoạt động hàng triệu năm trước. Địa danh Sóc Bom Bo (Bình Phước) cũng là nơi có nhiều bộ đàn đá cổ. Với kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm, chỉ cần quan sát bằng mắt thường, nghệ nhân Trương Đình Chiếu có thể xác định được viên đá có tạo ra âm thanh hay không.
Theo nam nghệ nhân, trong quá trình ông thực hiện bảo tồn văn hóa dân tộc ở Sóc Bom Bo thì phát hiện trong nhà của một người dân tộc S’tiêng nọ có hai bộ đàn đá rất xưa. Sau đó, nam nghệ nhân cùng chính quyền địa phương vận động trưng mua lại hai bộ đàn này. Hiện, hai bộ đàn đá cổ này đang được đặt tại bảo tàng của tỉnh Bình Phước.
Cũng theo nghệ nhân Trương Đình Chiếu, đàn đá có ở nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng về âm thanh cơ bản đều giống nhau. Riêng về hình dáng cấu trúc, tùy mỗi vùng mà khác nhau hoàn toàn. Từ hàng ngàn năm trước, đàn đá đã xuất hiện và được sử dụng trong các nghi lễ cầu mưa gọi gió hay dùng trong các lễ hội, tiệc cưới. Vào thời điểm đó, âm nhạc chưa phát triển nên dù các bộ đàn đá phát ra âm thanh nhưng chưa chuẩn về thang âm.
Nghệ nhân Trương Đình Chiếu tiết lộ sau khi thẩm định các bộ đàn đá cổ, ông phát hiện không có bộ đàn nào chuẩn cả. Điều này chứng tỏ khi đó chưa có âm nhạc vì thang âm chưa chuẩn thì chắc chắn chưa thể làm ra nhạc cụ biểu diễn. Vì vậy, nam nghệ nhân đã nghiên cứu và chế tác lại các loại đàn đá theo thang âm quốc tế. Tương tự đàn piano, đàn đá cũng có thanh dáng và có thể biểu diễn chung với tất cả các dàn nhạc, kể cả dàn nhạc giao hưởng trên thế giới, tạo ra âm thanh sống động.
Những chia sẻ của nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã góp phần lan tỏa giá trị và tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển đàn đá. Bởi vì đây không chỉ là không chỉ là một nhạc cụ cổ xưa mà còn là bảo vật quốc gia.
Kính đa chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính đa chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính đa chiều chủ đề tiếp theo Hát bội với sự tham gia của host Lê Hoàng và Thạc sĩ Vương Hoài Lâm sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 23/7 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Mi Ty