Câu Chuyện Cuộc Sống: Những câu chuyện dành cho con trẻ

(DNTH) - Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Dạy trẻ ứng xử trước các trào lưu trên mạng xã hội, L...

(DNTH) - Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Dạy trẻ ứng xử trước các trào lưu trên mạng xã hội, Lan tỏa năng lượng tích cực cho con, Làm gì khi trẻ “ăn vạ”.


Hiện nay mạng xã hội trở thành công cụ truyền thông, môi trường giải trí được nhiều người ưa thích. Và trên môi trường này có rất nhiều trào lưu tích cực và dĩ nhiên cũng có không ít những trào lưu độc hại, phản cảm gây ra những hậu quả khó lường, nhất là với các bé ở độ tuổi thiếu nhi. Nếu không có sự giám sát định hướng từ phụ huynh thì trẻ rất dễ sa vào những trào lưu độc hại, ảnh hưởng đến nhận thức và cả sức khỏe của các em.

Anh Nguyễn Nhật Tân (TP.HCM) chia sẻ: “Khi vào Tiktok thì mình thấy nội dung không có ưng gì mấy. Chính mình cũng thấy rất khó chịu. Một hôm đó mình thấy con mình nó mặc áo hở eo, quần ngắn nhảy theo những động tác trên Tiktok. Mình thấy không ổn cho nên mình kêu con xóa ứng dụng điện thoại”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu (Chuyên gia Tâm lý) cho biết: “Khi mình giao iPad hay điện thoại thì trẻ cũng sẽ lướt một cách tự động và có thể là trẻ bắt gặp một số trend hoặc những câu chuyện mà trẻ cảm thấy vui, thấy thú vị và bắt chước theo. Khi mà các em tiếp xúc hình ảnh, âm thanh, thông điệp, hành vi tiêu cực mà cứ tiếp xúc kiểu mưa dầm thấm lâu thì thật sự thì nó sẽ ảnh hưởng tới tâm trí, cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của trẻ”.

Thực tế, việc nắm bắt trào lưu trên mạng xã hội là không xấu. Quan trọng là bản thân những người làm về sáng tạo nội dung phải ý thức được nội dung có đảm bảo văn minh, lịch sự và đem lại những hiệu ứng tích cực cho cộng đồng hay không. Đồng thời, phụ huynh cũng có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ chọn lọc nội dung phù hợp, nhận thức đúng đắn khi sử dụng mạng xã hội.

Đôi lúc vì những áp lực từ công việc, cuộc sống bên ngoài hay những kỳ vọng đối với con cái không được như mong muốn, cha mẹ đã có những lời nói, những cảm xúc không mấy vui vẻ. Điều này không chỉ khiến bầu không khí gia đình trở nên nặng nề, mà còn gián tiếp truyền tải những năng lượng tiêu cực đến với các con. Và về lâu dài có thể mang đến những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ.

Em N.M.H (TP.HCM) thổ lộ: “Con sợ ba lắm nên con phải luôn điểm cao. Nếu con bị điểm thấp con sẽ bị ba mẹ la và ba mẹ sẽ không thương con nữa”. Em N.G.B (TP.HCM) tâm sự: “Việc học tập mà áp lực quá thì cứ nói cho ba mẹ biết thôi ạ. Ba mẹ em cũng rất thoải mái và tâm lý, đặc biệt là mẹ em khá hài hước nên thường mẹ em sẽ động viên và cổ vũ em cố gắng. Mẹ em sẽ thường hỏi lý do, vì sao, để giúp em cải thiện điểm số”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu (Chuyên gia Tâm lý) cho biết: “Cảm xúc không bao giờ ở bên trong mà luôn luôn có biểu hiện ra bên ngoài bằng những lời nói hay là những hành động. Cho nên khi bố mẹ có trạng thái tinh thần, cảm xúc tích cực ở bên trong, thì thông qua lời nói và hành vi của bố mẹ với con cái trong đời sống hàng ngày, ví dụ như bố mẹ cũng sẽ dễ có khuynh hướng nói lời cảm ơn con hoặc bố mẹ có thể ghi nhận một điểm gì đó tốt trong hành vi của con hoặc bố mẹ có thể khen ngợi con khi mà con có làm một việc gì đó mà bố mẹ cảm thấy rất là hài lòng. Việc này diễn ra thường xuyên thì cũng làm cho đứa trẻ có cảm giác tự tin và tự hào về bản thân, cũng như có một cảm xúc tích cực về chính bản thân mình”.

Bên cạnh sự thay đổi từ chính suy nghĩ, hành động của cha mẹ, thì sự gắn kết, tình cảm trong gia đình cũng giúp tạo ra những nguồn năng lượng tích cực. Những hoạt động gắn kết có thể cùng nhau nấu ăn, tập thể thao, tham gia các hoạt động cộng đồng, cùng nhau kết nối, chia sẻ sẽ phần nào giải tỏa tâm lý, nuôi dưỡng năng lượng tích cực cho cả cha mẹ và con cái.

Nuôi dạy trẻ chưa bao giờ là việc dễ dàng, bởi sẽ có nhiều tình huống mà cha mẹ không thể kiểm soát, nhất là khi trẻ thường ăn vạ. Trong những trường hợp này, nhiều người thường bất bình tĩnh và đôi khi đưa ra những quyết định không phù hợp ảnh hưởng đến tinh thần và cảm xúc của bé. Vậy thì các bậc cha mẹ nên ứng xử như thế nào khi trẻ ăn vạ?

Anh Nguyễn Công Bình (Chuyên gia đào tạo về Thái độ sống, Kỹ năng sống) cho biết: “Đôi khi chúng ta sẽ thấy là chính bố mẹ sẽ phải là người đầu tiên tiết chế cảm xúc khi đang đối diện với con, chúng ta tôn trọng những cảm xúc của con. Bởi vì đôi khi chúng ta nói là con không tôn trọng bố mẹ, không tôn trọng cảm xúc của bố mẹ, con cãi, con hỗn, thì về bản chất thì chúng ta đã lắng nghe cảm xúc thực sự của con chưa. Ví dụ như con đang ăn vạ, con đang khóc, thì điều đầu tiên chúng ta kiểm soát cái hành vi đó. Tất nhiên là không phải bằng cách cấm đoán, quát con, mắng con, yêu cầu con phải dừng lại cái việc đó. Mà chúng ta bằng một cách nào đó có những sự kết nối, ví dụ một cái ôm, một cái nắm tay và hỏi con xem hiện tại cảm xúc của con như thế nào”.

Quan sát, đồng hành và yêu thương một cách có kỷ luật sẽ tạo ra những đứa trẻ biết lắng nghe, biết sẻ chia và cảm thông, thay gì luôn muốn làm theo ý mình. Đây cũng là yếu tố cần và đủ để tật ăn vạ của trẻ không còn là vấn đề ở nhiều gia đình. Mỗi tình huống cụ thể có thể đòi hỏi các phương pháp giải quyết khác nhau, nhưng quan trọng nhất là cha mẹ cần phải lắng nghe và thấu hiểu trẻ, thảo luận cùng và tạo ra môi trường tích cực, thoải mái cho trẻ hướng con trở thành một em bé hạnh phúc, tự tin và thành công.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

MT

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 7278210918698455142

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item