Câu chuyện cuộc sống: Kết hôn muộn, ngại sinh vì áp lực nuôi dạy con
(DNTH) - Câu chuyện cuộc sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Có nên để con trẻ biết vấn đề tài chính của gia đình...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2024/10/cau-chuyen-cuoc-song-ket-hon-muon-ngai.html
(DNTH) - Câu chuyện cuộc sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Có nên để con trẻ biết vấn đề tài chính của gia đình; Kết hôn muộn, ngại sinh vì áp lực nuôi dạy con; Câu chuyện làm trái ngành.
Nhiều bậc phụ huynh thường cho rằng tài chính là vấn đề của người lớn nên ít khi chia sẻ cho con trẻ vì sợ sẽ gây ra áp lực hoặc những ảnh hưởng tiêu cực khác đến con. Tuy nhiên, ngược lại với những lo lắng của cha mẹ thì việc trao đổi với con trẻ về vấn đề tài chính là một phần quan trọng trong việc xây dựng gia đình, hạnh phúc cũng như giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng hữu ích.
Chị Trần Thị Tuyết Lan (TP.HCM) thổ lộ: “Mình cho con biết về vấn đề tài chính rất sớm tuy nhiên mình cũng phải chọn lọc những vấn đề cần nói, những vấn đề không nên nói. Những lúc khó khăn mình cũng chia sẻ khéo léo để cho con hiểu rõ hơn, con biết cách tiết kiệm và chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn”.
Anh Phan Hoàng Quân (Chuyên gia hoạch định Tài chính cá nhân) cho biết: “Trẻ biết về những kỹ năng này sớm là một điều rất là tốt, giúp cho trẻ có cơ hội thiết lập các thói quen từ sớm. Mình thấy rất nhiều gia đình đang cố gắng tránh né với việc giải thích cho trẻ những vấn đề liên quan đến tài chính bằng những câu chuyện khác. Từ đó trẻ sẽ tò mò và trẻ sẽ hỏi sâu hơn nữa. Ngoài ra khi trẻ có kiến thức mới thì trẻ sẽ mong muốn khám phá nhiều hơn”.
Vấn đề tài chính thường khó phù hợp với tất cả trẻ em vì thế khi đề cập đến vấn đề này, cần có sự thay đổi linh hoạt để thích hợp với độ tuổi của con. Việc tiếp xúc với các kiến thức về tài chính và nắm bắt tình hình kinh tế của gia đình chính là cơ hội để con bắt đầu học cách quản lý tài chính và chi tiêu hợp lý. Cha mẹ đem cho phép con đồng hành và hỗ trợ trong quá trình giải quyết vấn đề chi tiêu trong gia đình như tham gia vào việc lập ngân sách đơn giản, lên danh sách đồ dùng cần mua, thức ăn, vật dùng cần thiết. Điều này có phần không nhỏ vào việc phát triển tư duy, giúp con trưởng thành hơn, hiểu chuyện và biết trân trọng công sức làm ra, biết chia sẻ, quan tâm đến những người thân trong gia đình.
Hiện nay vì gánh nặng kinh tế, áp lực tinh thần cùng những lo lắng về trách nhiệm nuôi dạy con đang khiến nhiều người kết hôn muộn và có tâm lý ngại sinh con. Thực tế này đã và đang trở thành vấn đề đáng lo bởi nó sẽ để lại nhiều hệ lụy nhất là trong bối cảnh già hóa dân số.
Bà Trần Thị Ngọc Yến (Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa Gia đình TP.HCM) nhận định: “Áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống dẫn đến xu hướng có một bộ phận người trẻ hiện nay kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con hoặc thậm chí đó là không sinh con. Nguyên nhân thứ hai các gia đình sinh ít con sẽ có được sự đầu tư chăm sóc con cái một cách tốt nhất. Đó là chi phí cho việc chăm sóc nuôi dạy, ăn uống, học hành cũng như chăm sóc về mặt sức khỏe, tinh thần rất lớn”.
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân (Chuyên gia tâm lý): “Chắc chắn là việc nuôi dạy một đứa trẻ trong thời kỳ hiện nay không hề là một câu chuyện đơn giản, nên có những bạn trẻ vẫn chưa thật sự sẵn sàng cho chuyện này cũng là một điều hết sức dễ hiểu. Từ đó chúng ta thấy rằng, mỗi một cặp đôi cần chuẩn bị cho mình về mặt tâm thế, mặt điều kiện và tài chánh trước khi sinh ra một đứa trẻ. Khi đã sẵn sàng, có sự ổn định trong công việc và cả hai đều muốn chung tay để chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ thì lúc đó các bạn trẻ hãy sẵn sàng cho việc sinh con. Cũng đừng chờ đến khi mọi thứ quá đủ đầy rồi mới sinh con, vì lứa tuổi sinh học của người vợ và người chồng cũng là một yếu tố hết sức quan trọng”.
Vấn đề khoảng cách tuổi tác với con cái, sự đối lập về suy nghĩ của hai thế hệ có thể tạo ra nhiều vấn đề trong gia đình. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình nuôi dạy, chăm sóc con trẻ, đặc biệt là khi đã lớn tuổi. Ngoài ra, không sinh con còn có thể tạo ra những gánh nặng về sức khỏe và tinh thần khi về già. Việc kết hôn và sinh con vẫn là quyền tự do của mỗi người, tuy nhiên hãy cân nhắc trước quyết định kết hôn muộn hoặc không kết hôn, cũng như vấn đề ngại sinh con để tránh những hệ lụy về sau.
Tìm được một công việc phù hợp đúng với chuyên ngành đã học sau khi ra trường ắt hẳn là mong ước của hầu hết sinh viên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy không phải ai tốt nghiệp cũng có thể tìm được một công việc như ý muốn. Có rất nhiều người chủ động làm việc trái ngành để phù hợp hơn với điều kiện hiện tại của bản thân, nhưng cũng không ít trường hợp phải tìm cho mình một công việc trái ngành.
Chị Nguyễn Thanh Lam (TP.HCM) chia sẻ: “Với mình khó khăn đầu tiên là mình phải trang bị những kiến thức hoàn toàn mới, học thêm một ngôn ngữ khác. Đôi lúc mình cũng sẽ trong một trạng thái gọi là vô định, không biết là công việc của mình có làm đúng hay không”.
Ông Nguyễn Quang Trường (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM) cho rằng: “Làm trái ngành có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là các bạn chọn ngành, sau đó các bạn phát hiện các bạn chọn sai và các bạn tìm cho mình một hướng đi mới để phù hợp với đam mê, sở thích, năng lực của bản thân mình. Thứ hai là các bạn mong muốn có được sự trải nghiệm nhiều hơn, muốn có được kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đôi khi các bạn đứng núi này trông núi nọ, bạn nghĩ công việc đó tốt hơn công việc ngành nghề của mình. Tuy nhiên lý do quan trọng nhất, đó là các bạn thiếu định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn ngành nghề. Nhiều bạn khi lựa chọn ngành học ở đại học, thì chọn đại hoặc là chọn theo người khác thì dẫn đến khi ra trường các bạn làm trái nghề đã học”.
Như vậy, làm đúng ngành hay trái ngành đều có thể thành công nếu bản thân luôn học tập tích cực, trau dồi kiến thức, kỹ năng và chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng, cũng như một kế hoạch dự phòng. Bởi khi có chuyên môn vững vàng, có đam mê thì chúng ta cũng có thể thử sức ở những môi trường mới và xem đây là cơ hội để phát triển bản thân.
Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.
MT