Luật sư Trương Thị Hòa: “Luật sư không phải là đồng phạm hay đồng lõa với thân chủ”
(DNTH) - Trong chương trình Kính Đa Chiều, luật sư Trương Thị Hòa kể lại nhiều vụ án đáng nhớ trong suốt quá trình làm nghề luật sư, trong đ...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2024/11/luat-su-truong-thi-hoa-luat-su-khong.html
(DNTH) - Trong chương trình Kính Đa Chiều, luật sư Trương Thị Hòa kể lại nhiều vụ án đáng nhớ trong suốt quá trình làm nghề luật sư, trong đó có vụ việc nữ luật sư giúp hàn gắn tình cảm mẹ con cho nữ phạm nhân đầy xúc động.
Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều mới đây, luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn Luật sư TP.HCM vừa có những chia sẻ về những giá trị cốt lõi của đạo đức trong nghề luật sư. Khi được host chương trình là đạo diễn Lê Hoàng hỏi về mối quan hệ giữa đạo đức con người và đạo đức luật sư, luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh rằng hai khía cạnh này không hề có mâu thuẫn.
Bởi đạo đức con người và đạo đức nghề nghiệp của một luật sư đều dựa trên sự thương người, chân chính và trung thực. Theo luật sư Trương Thị Hoà, luật sư không phải là đồng phạm hay đồng lõa với thân chủ mà là người đồng cảm và chia sẻ.
Âm thanh từ lời nói của luật sư tại tòa phải xuất phát từ cảm xúc, sự chân thành và tư duy chân chính mới có thể chạm đến người nghe. Dù kết quả không như mong đợi nhưng thân chủ vẫn cảm nhận được sự cố gắng, nỗ lực hết mình của luật sư. Vậy nên có nhiều người thua kiện nhưng vẫn cảm kích rằng luật sư đã thay mặt họ để bày tỏ những điều mà họ không thể nói.
Đề cập đến những vụ án nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, đạo diễn Lê Hoàng nhận định các luật sư bào chữa cho bị cáo – người bị dư luận chỉ trích, thường nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Đáp lời đạo diễn Lê Hoàng, luật sư Trương Thị Hòa tiết lộ nhiều đồng nghiệp của bà, nhất là những người trẻ cũng lo sợ bị dư luận ghét bỏ. Tuy nhiên đối với nữ luật sư, dư luận luôn công bằng, nên nếu luật sư tìm ra điểm chân thực, nhân văn của người làm sai thì dư luận sẽ nhận ra giá trị thật sự của người luật sư.
Luật sư Trương Thị Hòa cho biết: “Tôi từng đọc một bài viết của báo Tuổi Trẻ rằng khi kiểm sát luận tội thì người ta thấy bị cáo “màu đen”, nhưng sau khi luật sư bào chữa thì “màu đen” nhạt đi. Cái hay của luật sư là chỗ đó”.
Chính vì công luận rất sáng suốt nên luật sư phải cân nhắc từng lời nói rõ ràng, chính xác và bản thân luật sư phải rèn luyện về từ ngữ đều truyền đạt câu chữ chính xác và thuyết phục.
Khi được host Lê Hoàng yêu cầu kể về một trường hợp sử dụng đạo đức luật sư đúng đắn nhất, luật sư Trương Thị Hòa bày tỏ: “Không có người luật sư nào dám tự hào rằng mình đã làm rất đúng mực về đạo đức, nhưng có những trường hợp tôi tự thấy rằng mình đã làm hết sức, hết lòng, rất chân thật và trung thực tất cả các mặt. Trong nghề luật sư có rất nhiều trường hợp làm tôi nhớ như giúp vợ chồng không ly hôn, giúp người khác từ bỏ suy nghĩ chạy án và tìm thấy niềm tin, hy vọng”.
Một trong những câu chuyện đáng nhớ mà luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ là về một nữ tội phạm bị mẹ giận, không đến thăm trong suốt thời gian bị tạm giam. Nhờ sự kiên trì khuyên nhủ của luật sư Trương Thị Hòa, cuối cùng mẹ của cô gái ấy cũng đến gặp con trong ngày xét xử. Thấy mẹ xuất hiện tại tòa, cô con cái đã quỳ sụp ngay tại phòng xử án của tòa và lạy rằng mẹ đã cho cô hy vọng để sống.
Luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ: “Tôi nhớ hoài câu chuyện đó, chính mình là người luật sư phân tích cho gia đình họ hiểu nhau, để người mẹ tha thứ cho người con. Tôi phân tích cho người mẹ hiểu rằng con bà trong đó sẽ khổ như thế nào khi bà giận con vì dạy dỗ như vậy nhưng lại phạm tội. Nhiều việc mình phân tích để giúp gia đình người ta có sự hiểu biết, thông cảm nhau”.
Từ đó, đạo diễn Lê Hoàng tiếp tục đặt câu hỏi về việc đạo đức của luật sư có bắt buộc theo thân chủ đến phút cuối hay không? Luật sư Trương Thị Hòa cho biết trong đạo đức thì không nói như vậy nhưng khi luật sư đã nhận việc thì phải làm hết sức mình và chỉ có thể dừng lại khi khách hàng yêu cầu luật sư làm những việc không đúng pháp luật.
Để làm rõ điều này, đạo diễn Lê Hoàng kể một câu chuyện về một phạm nhân bị kết án tử hình tại một quốc gia nọ. Ngày thi hành án treo cổ, luật sư và những quan chức có trách nhiệm đều chứng kiến tại đó. Khi thực hiện bản án thì dây treo bị đứt, luật sư lập tức lập luận rằng thân chủ của mình đã hoàn thành hình phạt và phải được tha bổng. Dù câu chuyện mang tính biểu tượng nhưng gửi gắm thông điệp về trách nhiệm của luật sư trong việc theo đuổi công lý cho đến phút cuối cùng.
Dựa trên câu chuyện của đạo diễn Lê Hoàng, luật sư Trương Thị Hòa cũng kể thêm một câu chuyện vừa được báo chí đưa tin về việc giao con sau khi ly hôn. Theo nữ luật sư thuật lại, sau ly hôn người chồng không chịu giao con. Mãi về sau khi người chồng đồng ý giao con cho vợ, vừa ký giấy hoàn thành biên bản thi hành án xong thì đứa trẻ bất ngờ lại chạy theo cha. Thế là người vợ lại yêu cầu thi hành án nhưng theo pháp luật thì hành vi giao con đã hoàn thành, việc đứa trẻ lại quay về với cha là một vấn đề khác, nằm ngoài pháp luật.
Qua hai câu chuyện trên, luật sư Trương Thị Hòa nhận định: “Những câu chuyện gợi ý rằng luật sư đã nhận việc của khách hàng thì phải cố gắng hết sức, làm đến tận cùng và phải hoàn toàn đúng pháp luật, đúng hồ sơ. Không chỉ hình sự mà cả dân sự, lao động, hôn nhân, gia đình và hành chính, luật sư đều phải làm hết sức hết lòng”
Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Nhạc sĩ hòa âm với sự tham gia của host Phương Uyên và nhạc sĩ Nguyễn Quang sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 25/11 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Mi Ty