Câu chuyện cuộc sống: Nhiều người bị phụ thuộc vào lượng tác trên mạng xã hội
(DNTH) - Câu chuyện cuộc sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Tinh thần cầu tiến, chìa khóa thành công; Nhiều người...
https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2025/01/cau-chuyen-cuoc-song-nhieu-nguoi-bi-phu.html
(DNTH) - Câu chuyện cuộc sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Tinh thần cầu tiến, chìa khóa thành công; Nhiều người bị phụ thuộc vào lượng tác trên mạng xã hội: Có nên đặt ra tiêu chuẩn chọn người yêu cho con?
Thành công là đích đến cuối cùng mà ai cũng khao khát hướng tới. Con đường đến thành công không hề dễ dàng, luôn có những khó khăn, thất bại, thử thách. Và tinh thần cầu tiến chính là nguồn động lực, chìa khóa giúp chúng ta không ngừng phấn đấu, vươn đến thành công.
Anh Dương Văn Tài (Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Atecom) chia sẻ: “Mình nghĩ rằng tinh thần cầu tiến rất quan trọng, để đạt được thành quả như hiện tại, tinh thần cầu tiến giúp mình trở nên kiên cường vượt qua khó khăn, thôi thúc mình hoàn thiện bản thân liên tục, giúp mọi người có sự tin tưởng. Mình nghĩ rằng mọi người cần có tinh thần cầu tiến, để không dậm chân tại chỗ, bị tụt lại phía sau”.
Tiến sĩ Trịnh Viết Then (Trưởng bộ môn Tâm lý, Đại học Quốc tế Hồng Bàng) chia sẻ: “Cầu tiến là thái độ hăng hái, luôn tìm tòi, khám phá điều mới. Người cầu tiến không hài lòng với hiện tại, luôn phấn đấu để phát triển bản thân hơn, luôn sáng tạo và tìm ra những giải pháp trong vấn đề. Tinh thần cầu tiến giúp con người thăng tiến trong công việc. Ngược lại, khiến cuộc sống con người trở nên trì trệ. Trước hết để tập luyện tinh thần cầu tiến, trong công việc, chúng ta phải đặt ra mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn một cách cụ thể. Thứ hai, luôn học hỏi mỗi ngày, tìm kiếm, cập nhật kiến thức, kĩ năng và cơ hội mới. Thứ ba, cần tìm kiếm sự trợ giúp từ mối quan hệ xung quanh, các nguồn lực trong xã hội”.
Tinh thần cầu tiến đóng vai trò cốt lõi cả về đời sống cá nhân và xã hội. Đây là nguồn động viên, sức mạnh thiết yếu thúc đẩy sự phát triển và đổi mới. Chúng ta hãy phấn đấu, rèn luyện bản thân với tinh thần cầu tiến. Đó là con đường trưởng thành và thành công.
Trong thế giới mạng xã hội, lượng tương tác, những con số tưởng chừng vô nghĩa, lại trở thành thước đo giá trị cá nhân, đặc biệt nhất là những người trẻ, ảnh hưởng đến sự nhìn nhận về bản thân, tác động mạnh mẽ tâm lý và mối quan hệ xung quanh trong cuộc sống thực.
Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (TP.HCM) chia sẻ: “Mình thường đăng bài, chia sẻ hình ảnh công việc lên mạng xã hội. Mỗi lần mình đăng bài, mình thường xuyên kiểm tra lượt tương tác, dù nhỏ nhất cùng ảnh hưởng suy nghĩ. Bài viết không được quan tâm, chú ý làm mình bị thất vọng, nản chí. Lượt tương tác không tốt, làm mình bị hoài nghi”.
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hạnh Dung (Trung tâm Tâm lý Trị Liệu NHC) chia sẻ: “Việc phụ thuộc lượt tương tác mạng xã hội gây những hậu quả to lớn, nghiêm trọng. Thứ nhất, dẫn đến tình trạng tự ti, tâm lý bị bỏ rơi và xa hơn là trầm cảm. Mạng xã hội có hai mặt, cần phải cân đối, cân bằng giữa mạng xã hội và đời sống thực tế. Một phương pháp giúp hạn chế phụ thuộc vào mạng xã hội là xác định mục tiêu mình chia sẻ những chủ đề đó mang lại giá trị gì cho người khác, từ đó giúp mình tự chủ cảm xúc và hạn chế tối đa phụ thuộc vào lượng tương tác trên mạng xã hội”.
Mạng xã hội chỉ là công cụ hỗ trợ, kết nối, chia sẻ và học hỏi. Hãy nhớ rằng giá trị của con người không tính dựa trên lượt tương tác mà ở cách sống, yêu thương và cống hiến trong cuộc đời thực.
Cha mẹ tin rằng, mình nhìn nhận rõ hơn về đối tượng phù hợp cho con mình trong quá trình hẹn hò, tiến tới hôn nhân. Cha mẹ không ngần ngại đặt ra tiêu chí theo khuôn mẫu để áp đặt lên con cái. Tuy nhiên, việc can thiệp quá mức vào câu chuyện tình cảm sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng giữa con cái và gia đình.
Bà L.T. L (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi từng đổ vỡ trong chuyện hôn nhân, nên tôi rất kĩ và khó khi chọn vợ chồng cho con cái. Kết hôn phải lấy người gia cảnh rõ ràng, công việc ổn định”.
Chị N.T.N.H (TP.HCM) chia sẻ: “Mỗi lần nói về người yêu, tôi cảm giác mình phải đối mặt cuộc thẩm vấn từ cha mẹ, cha mẹ luôn có những tiêu chuẩn riêng về người yêu từ gia đình, công việc, học tập,… Tôi chỉ mong ba mẹ tôn trọng sự lựa chọn của tôi, và cho tôi quyền lựa chọn dựa trên cảm xúc và sự kết nối với nhau”.
Thạc sĩ Trần Hương Thảo (Chuyên gia Tâm lý) chia sẻ: “Ba chữ “Đặt tiêu chuẩn” mang hàm ý ngưỡng ép, áp đặt, yêu cầu. Và đương nhiên việc ngưỡng ép gây ra xung đột. Đó chính là nguyên nhân gây tiêu cực giữa cha mẹ và con cái. Thậm chí, các bạn sẽ phản kháng kịch liệt gây đến gia đình tan vỡ. Phụ huynh nên có sự mở lòng, tiếp nhận đối tượng có mối quan hệ cảm xúc với con. Tìm hiểu kĩ về ưu điểm, nhược điểm trước khi phán xét, để cùng nhau hòa hợp, chia sẻ với con qua những cuộc nói chuyện bình đẳng. Hạn chế dùng những từ có sức nặng về áp đặt khi trò chuyện với con về chủ đề tiêu chuẩn chọn người yêu”.
Một số bạn trẻ không khéo léo trong cách ứng xử và xử lý chuyện đặt tiêu chuẩn cha mẹ có khuynh hướng buông xuôi và chấp nhận buổi xem mắt, thậm chí là kết hôn theo sự quyết định của người lớn. Cuộc hôn nhân sẽ trở nên đầy vô nghĩa sẽ ảnh hướng đến cuộc sống và tâm lý chán nản, sợ hãi.
Khi cha mẹ và con cái cùng chia sẻ, trao đổi thẳng thắn về vấn đề lựa chọn người yêu, tạo ra mối quan hệ gia đình tin cậy, lành mạnh. Đồng thời, giúp con nhận thức giá trị thật sự trong tình yêu, từ đó có sự lựa chọn sáng suốt.
Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.
MT