Shark Nguyễn Phi Vân trăn trở về việc chuyển giao nghề truyền thống giữa các thế hệ

(DNTH) - Trong một chuyến tham quan làng nghề làm tranh giấy dó ở Huế, shark Nguyễn Phi Vân lấy làm tiếc vì sản phẩm chưa được định giá đúng...

(DNTH) - Trong một chuyến tham quan làng nghề làm tranh giấy dó ở Huế, shark Nguyễn Phi Vân lấy làm tiếc vì sản phẩm chưa được định giá đúng mức khi bán với giá quá thấp, trong khi tranh giấy dó lại mang giá trị nghệ thuật cao.



Shark Nguyễn Phi Vân được nhiều người biết đến là Chủ tịch Hiệp hội đầu tư Thiên Thần Đông Nam Á và là đại diện cấp cao Việt Nam tại Diễn đàn đầu tư thiên thần toàn cầu. Ngoài ra, shark Nguyễn Phi Vân còn là tác giả của nhiều đầu sách bán chạy như Mở cửa tương lai, Tôi – Tương lai và Thế giới, Tôi đi tìm tôi, Quảy gánh băng đồng ra thế giới,…

Với kinh nghiệm nhiều năm “chinh chiến” trên thương trường, Shark Nguyễn Phi Vân có những chia sẻ đắt giá trong chương trình Kính đa chiều về việc giữ gìn và phát triển các sản phẩm truyền thống của gia đình.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, nghề truyền thống gia đình là nghề được truyền qua nhiều thế hệ, gồm 5 loại hình phổ biến như đồ ăn, thức uống, dệt may, thủ công mỹ nghệ và gần đây là các sản phẩm từ thảo mộc. Đối với nữ doanh nhân, nghề truyền thống gia đình là tài sản cực kỳ quý giá của Việt Nam mà mỗi người cần hiểu để phát huy, thương mại hóa sản phẩm.

Trước câu trả lời của shark Nguyễn Phi Vân, host chương trình Kính đa chiều là đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ một nghịch lý thú vị, đó là trong thời đại khoa học công nghệ phát triển thì các sản phẩm thủ công độc đáo lại càng được ưa chuộng.

Nắm bắt được điều này, nhiều doanh nghiệp hướng đến việc sản xuất những sản phẩm thủ công đắt đỏ chẳng hạn như đồng hồ được nghệ nhân vẽ tay, khác biệt hoàn toàn với những chiếc đồng hồ được làm từ máy móc công nghiệp. Đạo diễn Lê Hoàng lấy ví dụ về những chiếc máy ảnh thương hiệu Leica với giá cao ngất ngưỡng vì được làm thủ công từ những người thợ lành nghề, khác với những máy ảnh được sản xuất trong các nhà máy công nghiệp thông thường.

Ở góc nhìn của shark Nguyễn Phi Vân, bà cho rằng điều này có hai vấn đề, về định giá sản phẩm và phát triển chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn như trong một chuyến đi Huế, bà Nguyễn Phi Vân được chiêm ngưỡng làng nghề làm tranh bằng giấy dó thủ công. Bà cực kỳ thích sản phẩm này và nghĩ rằng tranh giấy dó sẽ bán được giá cao cho khách nước ngoài. Thế nhưng người làm nghề lại không nhận ra giá trị đó mà bán với giá rất thấp.

Mặt khác, người làm nghề sử dụng những chiếc khuôn được thiết kế hiện đại, vô tình làm giảm tính nghệ thuật truyền thống. Do đó, bà Nguyễn Phi Vân vô cùng tiếc vì nhiều người mắc phải sai lầm khi hiện đại hóa mà làm mất đi tính truyền thống hoặc định giá thấp sản phẩm của mình. Tương tự shark Nguyễn Phi Vân, đạo diễn Lê Hoàng cũng kể chuyện về việc bày bán những con bướm bằng bạc tại hội chợ nước ngoài. Ban đầu, sản phẩm này được bán với giá 5 đô/1 con nhưng không ai mua. Đến khi bố của đạo diễn Lê Hoàng đề nghị tăng giá lên 50 đô thì sản phẩm nhanh chóng bán chạy trong nháy mắt.

Qua câu chuyện trên, đạo diễn Lê Hoàng khái quát ba sai lầm thường gặp trong nghề truyền thống đó là sản phẩm truyền thống bị đánh giá thấp, định giá sai và bị công nghiệp hóa, làm mất đi tính thủ công truyền thống vốn có.

Ngoài ra, shark Nguyễn Phi Vân cũng bày tỏ trăn trở về việc chuyển giao nghề truyền thống giữa các thế hệ trong gia đình. Nữ doanh nhân lấy ví dụ một bà mẹ nấu hủ tiếu nổi tiếng ở TP.HCM nhưng lại không tin rằng con mình có thể biến quán hủ tiếu nhỏ trở thành một thương hiệu lớn. Ở góc nhìn của đạo diễn Lê Hoàng, lo lắng của bà mẹ cũng không sai vì bà cho rằng thương hiệu hủ tiếu chính là bà. Nếu bà mất thì thương hiệu hủ tiếu cũng mất đi.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Phi Vân cho rằng vấn đề nào cũng sẽ có cách giải quyết và chỉ có sự chuyển giao mới không đánh mất nghề truyền thống quý báu của gia đình. Với shark Nguyễn Phi Vân, truyền nghề không chỉ là dạy lại kỹ thuật mà còn phải đặt niềm tin vào thế hệ tiếp nối.

Đồng quan điểm với doanh nhân Nguyễn Phi Vân, đạo diễn Lê Hoàng cho rằng không phải chỉ nghề truyền thống cần chuyển giao mà ngay cả trong cuộc sống cũng như thế. Chuyển giao không có nghĩa là giữ nguyên mọi thứ như cũ mà cần phải có sự đổi mới phù hợp để không mất đi giá trị truyền thống. Doanh nhân Nguyễn Phi Vân bày tỏ: “Tôi nghĩ các gia đình đang nắm trong tay tài sản nghề truyền thống thì nên có một kênh đối thoại với thế hệ con cháu để thế hệ trẻ tiếp tục mang hành trình bản sắc này đi về phía trước”.

Bên cạnh việc chuyển giao vẫn còn có những rào cản khác như sự bảo thủ của người làm nghề. Shark Nguyễn Phi Vân lấy ví dụ như cách đây không lâu, bà gặp lại một người bán bún ngon nhưng bỏ nghề để kinh doanh vàng vì bán bún quá cực. Tuy muốn tiếp nối công việc bán bún nhưng lại khăng khăng mọi thứ theo cách của mình, từ con dao đến cái thớt. Điều này gây khó khăn đến việc tiếp nối, chuyển giao nghề truyền thống cho thế hệ kế thừa.

Đạo diễn Lê Hoàng thừa nhận có những người muốn giữ nghề truyền thống nhưng lại quá bảo thủ. “Về nguyên tắc của cuộc sống, bất cứ điều gì cũng luôn tồn tại hai mặt, đó là bảo tồn và phát triển. Nếu chúng ta không phát triển mà chỉ bảo tồn một cách cứng nhắc như vậy thì chúng ta cũng lại tự giết mình thôi”, nam đạo diễn nhận định.

Kính đa chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính đa chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính đa chiều chủ đề tiếp theo Nhạc giao hưởng Việt Nam với sự tham gia của MC Phương Uyên và nhạc sĩ Sơn Mạch sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 16/1/2025 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

MT

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 5683677684455968823

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item