Điểm nhấn của Ngày Thiết kế Ý 2025: Sứ mệnh “Xóa bỏ bất bình đẳng”, thiết kế cho “Cuộc sống tốt đẹp hơn”
(DNTH) - Ngày Thiết kế Ý 2025 (Italian Design Day 2025) vừa diễn ra tại TP.HCM với chủ đề “Bất bình đẳng: Thiết kế cho Cuộc sống tốt đẹp hơn...

https://www.doanhnhanthuonghieu.com.vn/2025/03/iem-nhan-cua-ngay-thiet-ke-y-2025-su.html
(DNTH) - Ngày Thiết kế Ý 2025 (Italian Design Day 2025) vừa diễn ra tại TP.HCM với chủ đề “Bất bình đẳng: Thiết kế cho Cuộc sống tốt đẹp hơn”, tạo nên một không gian thảo luận về vai trò của thiết kế trong việc giảm bất bình đẳng, tạo ra môi trường hòa nhập, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngày 28/3/2025 vừa qua, Lãnh sự quán Ý tại TP.HCM, Thương vụ Ý tại TP.HCM, đã phối hợp cùng Hiệp hội Thiết kế VDAS, tổ chức thành công Ngày Thiết kế Ý 2025. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Ý khởi xướng từ năm 2017, diễn ra tại nhiều quốc gia với mục tiêu đề cao vai trò của thiết kế trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
Sự kiện có sự tham dự của ông Enrico Padula – Tổng Lãnh sự Ý tại TP.HCM, ông Fabio De Cillis – Giám đốc Thương vụ Ý tại TP.HCM, ông Hồ Tấn Dương – Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế VDAS. Bên cạnh đó, sự kiện còn quy tụ nhiều diễn giả là những kiến trúc sư danh tiếng đến từ Ý và Việt Nam, cùng hơn 100 nhà thiết kế, kiến trúc sư và chuyên gia trong ngành tham dự. Không chỉ là dịp để kết nối cộng đồng thiết kế, Ngày Thiết kế Ý 2025 còn mở ra không gian đối thoại về vai trò to lớn của thiết kế trong việc giải quyết các thách thức xã hội.
Phát biểu khai mạc sự kiện Ngày Thiết kế Ý 2025, ông Enrico Padula - Tổng Lãnh sự Ý tại TP.HCM, chia sẻ: “Ngày Thiết kế Ý đặt mục tiêu tôn vinh di sản thiết kế Ý và tạo cơ hội trao đổi ý tưởng, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đặc biệt tại Việt Nam - quốc gia đang phát triển mạnh mẽ với thị trường bất động sản sôi động, vai trò của thiết kế ngày càng được đề cao. Sự kiện hứa hẹn mang đến nhiều giá trị thiết thực, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.”
Chủ đề của Ngày Thiết kế Ý 2025 là: “Bất bình đẳng: Thiết kế cho Cuộc sống Tốt đẹp hơn”, được lấy cảm hứng từ Triển lãm Quốc tế Triennale Milano lần thứ XXIV, tập trung vào cách thiết kế góp phần thu hẹp khoảng cách xã hội thông qua sự ảnh hưởng của thiết kế đối với mọi khía cạnh đời sống. Một công trình kiến trúc, một sản phẩm thiết kế không chỉ cần công năng và thẩm mỹ, mà còn phải có khả năng tác động đến cuộc sống con người theo hướng tích cực, giúp mọi người tiếp cận những điều kiện sống tốt hơn.
Chia sẻ về chủ đề của sự kiện, ông Fabio De Cillis - Giám đốc Thương vụ Ý tại TP.HCM, cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi với tốc độ chóng mặt, và điều này không hẳn luôn mang lại lợi ích tích cực. Khi theo đuổi mục tiêu “tăng trưởng bằng mọi giá”, chúng ta có nguy cơ đánh mất các giá trị truyền thống, các giá trị chung của xã hội mà chúng ta tạo ra, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng. Do đó, điều cấp thiết hiện nay là tìm ra giải pháp để khắc phục vấn đề này, nhằm đảm bảo một tương lai bền vững cho cộng đồng. Thiết kế sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội công bằng, nơi mọi người đều có cơ hội tiếp cận.”
Điểm nhấn của sự kiện năm nay là phiên tọa đàm quy tụ các kiến trúc sư danh tiếng đến từ Ý và Việt Nam, chia sẻ nhiều góc nhìn mới mẻ và sáng tạo với các góc độ khác nhau: từ quy hoạch đô thị đến không gian công cộng và sự gắn kết cộng đồng. Buổi tọa đàm nhấn mạnh vai trò của thiết kế trong việc góp phần xóa bỏ bất bình đẳng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp xã hội. Đây sẽ là cơ hội để cùng suy ngẫm về các mô hình tái thiết đô thị và chuyển đổi bền vững, hướng tới những xu hướng thiết kế phục vụ cộng đồng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ, đồng thời xem xét tính bền vững như một động lực của sự phát triển.
Mở đầu tọa đàm, Kiến trúc sư Tiziano Vudafieri khai thác câu chuyện “Kết nối qua Thiết kế”, nhấn mạnh rằng thiết kế có thể tạo ra môi trường hòa nhập bằng cách đặt con người vào trung tâm của không gian sống. Tiếp nối là những ví dụ thực tế về các thiết kế có mái che ở các thành phố lớn giúp giảm thiểu bất bình đẳng trong việc tiếp cận không gian công cộng từ bài chia sẻ “Dưới một mái nhà” của Kiến trúc sư Nguyên Phạm.
Ở một khía cạnh khác, chủ đề “Đô thị Giao cảm” được Kiến trúc sư Gaetano Natella khai thác vô cùng chi tiết khi đưa ra những lý giải về cách không gian định hình trải nghiệm và tác động đến cảm xúc, hành vi và chất lượng sống của con người. Cùng hướng đến sự kết nối giữa thiết kế và con người, 2 kiến trúc sư Bùi Hoàng Bảo và Tạ Vĩnh Phúc lần lượt đi sâu vào vai trò của không gian công cộng - kiến trúc đô thị trong việc thúc đẩy sự công bằng xã hội, nhằm nâng cao sự hòa nhập của cộng đồng xung quanh, đặc biệt là ở các thành phố đang phát triển.
Chia sẻ tại sự kiện, các diễn giả cũng cho biết những sáng tạo đặc trưng và giá trị lịch sử văn hoá độc đáo của kiến trúc Ý chính là nguồn cảm hứng vô tận đối với cộng đồng thiết kế và kiến trúc. Bên cạnh đó, nét tinh tế, sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại của kiến trúc Ý cũng góp phần định hình tư duy và phong cách thiết kế của họ.


Ngày Thiết kế Ý 2025 là dịp để cộng đồng thiết kế nhìn nhận lại vai trò của mình trong việc giải quyết những thách thức xã hội. Không chỉ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mà còn đặt nền móng cho những sáng tạo mang tính bứt phá, nơi thiết kế không chỉ thể hiện công năng và tính thẩm mỹ mà còn trở thành giải pháp để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
MT