Câu chuyện cuộc sống: Giữ tinh thần tích cực khi làm việc ở môi trường áp lực

(DNTH) - Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Giữ vững tinh thần tích cực khi làm việc ở môi trường...

(DNTH) - Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Giữ vững tinh thần tích cực khi làm việc ở môi trường áp lực; Chuyên nghiệp trong công việc; Người trẻ cần tăng cường ‘đề kháng’ với áp lực.


Làm việc trong môi trường áp lực cao dễ khiến cả tinh thần lẫn thể chất rơi vào trạng thái mệt mỏi. Khi không thể cân bằng cảm xúc, nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, mất động lực, giảm hiệu suất làm việc, thậm chí muốn nghỉ việc. Trong bối cảnh đó, việc giữ tinh thần tích cực không chỉ giúp loại bỏ cảm xúc tiêu cực mà còn là chìa khóa duy trì nguồn năng lượng, sự nhiệt huyết và sự sáng tạo trong công việc mỗi ngày.

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM) chia sẻ: “Cân nặng của một người bị stress sẽ giảm một cách bất thường. Theo các chuyên gia, sự bất thường này được xác định khi trọng lượng cơ thể giảm 5% trong vòng một tháng — đây là dấu hiệu dễ nhận thấy. Ngoài ra, khi chú ý đến cơ thể, chúng ta sẽ nhận ra những cơn đau do ảnh hưởng về mặt thể lý. Về mặt suy nghĩ, trong giai đoạn stress, chúng ta dễ xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, chỉ trích, phán xét hoặc lo âu. Về mặt cảm xúc, cũng sẽ có những thay đổi bất thường: đôi khi cảm thấy chán nản, giảm động lực làm việc, hay cảm thấy khó chịu mà không rõ nguyên do. Đặc biệt, cảm xúc thường thay đổi thất thường, lên xuống một cách khó kiểm soát”.

BS CKI Lâm Thiên Huệ (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Gia An 115, TP. HCM) cho biết: “Đối diện với những ca bệnh nguy kịch tại Khoa Hồi sức tích cực là điều rất thường gặp. Với khối lượng kiến thức được đào tạo và kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi cần xử lý các tình huống một cách bình tĩnh và tập trung. Tâm trạng của bác sĩ cũng rất lo lắng, đặc biệt khi bệnh nhân cần can thiệp hoặc phẫu thuật. Khi bệnh nhân hồi phục sức khỏe, chúng tôi cảm thấy vô cùng vui mừng — đó cũng chính là mục đích khi lựa chọn nghề y. Được giúp người bệnh khỏe mạnh là động lực khiến chúng tôi tiếp tục gắn bó lâu dài với nghề”.

Chị Thái Kim Hồng (Công ty TNHH Tư vấn Kế toán Thuế Ba Miền, quận Bình Thạnh, TP. HCM) chia sẻ kinh nghiệm khi làm việc nhóm. Trong cùng một không gian, chị luôn giữ sự tôn trọng và tránh để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến tập thể. Khi có vấn đề xảy ra, chị trao đổi và giải quyết ngay lập tức. Sau khi công việc kết thúc, mọi mâu thuẫn cũng cần phải được bỏ lại phía sau để tiếp tục làm việc hiệu quả.

Anh Trịnh Hồng Khánh (Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kế toán Thuế Ba Miền, quận Bình Thạnh, TP. HCM) chia sẻ: “Phải luôn tăng cường nguồn năng lượng tích cực cho bản thân bằng cách suy nghĩ lại về mục đích mình ở đây, từ đó khôi phục động lực, giảm bớt nỗi buồn và lo âu khi đối diện với các vấn đề tiêu cực”.

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu cũng nhấn mạnh: “Nguồn lực đầu tiên giúp đương đầu với áp lực là nguồn lực cá nhân, đến từ thói quen suy nghĩ tích cực. Thứ hai là khả năng chăm sóc và cân bằng cảm xúc. Thứ ba là kỹ năng ứng phó với khó khăn”.

Giữ tinh thần tích cực trong công việc không phải là điều dễ dàng. Điều này đòi hỏi mỗi người phải học cách quản lý cảm xúc, chăm sóc sức khỏe tinh thần và duy trì sự chủ động trong giao tiếp. Chính sự kiên định và tinh thần tích cực sẽ là chìa khóa giúp mỗi người vững bước trên hành trình sự nghiệp của mình.


Cuộc sống là một hành trình không ngừng học hỏi và hoàn thiện, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, đặc biệt là tính chuyên nghiệp. Trong công việc cũng vậy, sự chuyên nghiệp không chỉ là đích đến mà còn là kim chỉ nam giúp chúng ta khẳng định giá trị bản thân. Sự chuyên nghiệp trong công việc được hình thành bởi nhiều yếu tố và đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực không ngừng để duy trì.

Anh Nguyễn Tuấn (TP. HCM) chia sẻ trước đây,anh từng bị trễ tiến độ công việc vì không biết cách sắp xếp công việc hợp lý. Nhưng sau khi học cách quản lý thời gian và lắng nghe ý kiến từ đồng nghiệp, anh nhận thấy hiệu suất làm việc của mình cải thiện rõ rệt.

Ông Lưu Lập Đức (Giám đốc điều hành Công ty TNHH Yến Ngọc Media) cho biết Sự chuyên nghiệp trong công việc tạo ra tính kỷ luật, giúp gặt hái thành công. Những kết quả đạt được sẽ được duy trì và phát huy, tạo nền tảng vững chắc để hoàn thiện bản thân. Sự chuyên nghiệp đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ năng, chuyên môn và hiệu quả trong công việc. Ngay cả khi đạt được một vị trí nhất định hoặc giữ chức vụ cụ thể, anh vẫn không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức, tìm kiếm thêm cơ hội mới cho mình.

ThS Trần Hải Nguyên (Chuyên gia Kỹ năng sống) chia sẻ: “Khi xử lý công việc một cách chuyên nghiệp, dù thành công hay thất bại, chúng ta đều phải đối diện với kết quả đó một cách nghiêm túc. Nếu thành công, cần biết cách duy trì và phát triển để phục vụ cho công việc sau này. Khi gặp rắc rối, cần chủ động tìm biện pháp xử lý tốt nhất. Vì vậy, mỗi người phải không ngừng nâng cao giá trị bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần. Đó chính là sự chuyên nghiệp về chuyên môn, là việc đào sâu kiến thức để vận dụng hiệu quả vào công việc”.

Tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm trong từng hành động, dù đơn giản hay phức tạp, chính là nền tảng tạo nên sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng có được tinh thần đó. Vì vậy, việc nhận thức được vai trò của sự chuyên nghiệp trong công việc sẽ là bước đầu tiên, đòi hỏi thời gian để mỗi người tiếp thu và hoàn thiện bản thân mình.


Cuộc sống hiện đại mở ra cho người trẻ nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt họ trước những áp lực không hề nhỏ — từ việc học hành, kỳ vọng của gia đình, sự cạnh tranh khốc liệt trong công việc, cho đến những mối quan hệ xã hội. Nếu thiếu sức đề kháng tâm lý, các bạn trẻ dễ rơi vào trạng thái chán nản, kiệt sức, thậm chí từ bỏ.

Em Lê Hòa (TP.HCM) chia sẻ trước đây, em thường xuyên bị stress khi cố gắng cân bằng giữa việc học và làm thêm, nhiều lúc muốn buông bỏ tất cả. Tuy nhiên, sau này em đã thử chia nhỏ công việc, đồng thời dành thời gian nghỉ ngơi khi cần thiết. Dần dần, tôi vượt qua được áp lực và không còn sợ đối mặt với nó nữa.

Chị Nguyễn Thạch Thảo (TP. HCM) cho biết: “Công việc của tôi rất căng thẳng, vì vậy buổi tối tôi thường tìm đến các lớp chạy bộ hoặc yoga để giải tỏa áp lực cho bản thân. Khi kiểm soát được cảm xúc, tôi nhận ra áp lực không còn đáng sợ như trước nữa”.

ThS Nguyễn Văn San (Phó Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) nhận định ngày nay, giới trẻ phải đối diện với rất nhiều áp lực. Điều quan trọng là mỗi người cần trang bị cho mình khả năng ‘đề kháng’ tinh thần để tránh những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và cuộc sống.

TS Trịnh Viết Then (Trưởng Bộ môn Tâm lý, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) đưa ra lời khuyên: “Các bạn trẻ hãy chủ động và tích cực trong học tập, tích lũy kinh nghiệm để dễ dàng thích ứng với mọi sự thay đổi trong cuộc sống. Đồng thời, cần xây dựng và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên trong gia đình, vì chính những mối quan hệ này sẽ là nguồn động lực lớn giúp người trẻ vượt qua áp lực không chỉ trong đời sống cá nhân mà còn trong tổ chức, qua đó giảm thiểu áp lực hiệu quả hơn”.

Áp lực đôi khi cũng chính là cơ hội để người trẻ rèn luyện bản lĩnh và phát triển bản thân. Chỉ cần biết cách tăng cường sức đề kháng tâm lý, không ngừng học hỏi và phát triển mỗi ngày, các bạn trẻ hoàn toàn có thể vượt qua mọi thử thách để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

MT

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 3808454909386936069

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item